Nghị lực vươn lên ‘thoát nghèo’ của chàng trai dân tộc Vân Kiều

GD&TĐ - Sau những năm tháng xa xứ, làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh với đồng lương ít ỏi, Anh Hồ Minh (người dân tộc Vân Kiều, Quảng Bình) đã trở về quê, mạnh dạn vay vốn gây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng.

Sau khi về quê chăm chỉ, chịu khó xây dựng mô hình kinh tế đến nay mô hình kinh tế của anh Hồ Minh cho thu lãi 200 triệu đồng/ năm.
Sau khi về quê chăm chỉ, chịu khó xây dựng mô hình kinh tế đến nay mô hình kinh tế của anh Hồ Minh cho thu lãi 200 triệu đồng/ năm.

Đến nay mô hình của anh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Bỏ phố về quê với hai bàn tay trắng

Cũng như bao người dân đồng bào Vân Kiều ở bản Lâm Ninh, cuộc sống của anh Hồ Minh và gia đình vốn nghèo khó, chỉ bám vào nương rẫy. Sau khi học hết lớp 9, anh không tiếp tục học cấp 3 mà vào TPHCM làm công nhân.

Thế nhưng cuộc sống nơi thành thị xô bồ, bon chen, cùng với đồng lương công nhân ít ỏi, làm bao năm cũng chẳng tiết kiệm được là bao đã khiến chàng trai Vân Kiều này nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ. Do vậy vào năm 2010, anh quyết định trở về quê lập nghiệp.

"Bản thân mình vốn con đường học hành không được tốt như các bạn bè nên học xong lớp 9 mình đã vào TP. Hồ Chí Minh xin làm công nhân lao động, công việc vất vả nhưng làm mấy năm trời mà dành dụm được là bao. Sau đó, mình nghĩ là chỉ có về quê. Mình còn trẻ, nương rẫy thì rộng, về làm đơn xin xã vay vốn rồi chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt mà thoát nghèo sẽ tốt hơn.", anh Hồ Minh nhớ lại.

Nói là làm, anh đã quyết định về quê chăn nuôi, trồng keo cho đến bây giờ. Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều năm cố gắng gây dựng nay anh Hồ Minh hiện đã có 10ha trồng keo, vụ keo trước đó cũng mang lại cho anh nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng.

Thời điểm lập nghiệp đối với anh Minh cực kỳ khó khăn, trong tay anh vỏn vẹn có 400 ngàn đồng, chẳng có vốn để chăn nuôi hay trồng rừng gì cả. Đang chưa tìm ra cách giải quyết thì may mắn đến với anh, khi anh được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Chi nhánh tỉnh Quảng Bình.

Năm 2011, chính quyền xã Trường Xuân cũng như phía ngân hàng chính sách đã tạo điều kiện, hướng dẫn anh làm thủ tục vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp. Từ đó niềm tin về một mô hình kinh tế cho thu nhập cao dần hiện ra trong suy nghĩ của chàng trai dân tộc, đây cũng là động lực để cố gắng vươn lên, thoát nghèo.

Với nhiều người dân tộc Vân Kiều sống tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), anh Hồ Minh (SN 1988), ở bản Lâm Ninh là một trong những tấm gương về tinh thần chịu khó, nỗ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo tại địa phương.

Mạnh dạn vay vốn, học hỏi xây dựng mô hình

Được vay vốn xây dựng mô hình, chàng trai dân tộc Vân Kiều đã mạnh dạn mua trâu, dê giống kết hợp trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.
Được vay vốn xây dựng mô hình, chàng trai dân tộc Vân Kiều đã mạnh dạn mua trâu, dê giống kết hợp trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.

Sau khi được hỗ trợ vay vốn, anh Hồ Minh đã dành thời gian đi học hỏi, nghe tư vấn từ những người có kinh nghiệm xem nuôi con gì để hạn chế rủi ro. Khi có tiền vốn thì anh bắt đầu mua keo giống về trồng và mua trâu thả vào rừng. Anh cho biết, thời điểm đó để mua được 10 con trâu là anh phải năn nỉ người trong bản bán thiếu rồi trả dần chứ không có đủ tiền.

Những năm đầu khởi nghiệp, ngoài việc chăn trâu, chăm sóc vườn keo, anh Hồ Minh còn xin đi làm thuê đủ thứ việc cho người trong vùng từ thu hoạch rừng, xây nhà, đào ao cá… để kiếm tiền trả dần số nợ.

Sau 4 năm, đàn trâu của anh bắt đầu sinh sản và dần gia tăng số lượng. Anh bán bớt trâu con và dùng số tiền này để đào ao rộng 60 m2 và thả 1.000 con cá trắm, cá mè, cá rô phi. Cùng với đó anh đã mua thêm dê về nuôi, vườn keo được chăm sóc tốt cũng phát triển nhanh, có giá trị.

Anh Minh cho biết, với diện tích 10 ha đất trồng keo, vụ keo trước đã mang lại cho anh nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng. Nhờ vậy anh có thể trả vốn vay chính sách, trả nợ mua trâu, sửa chửa lại căn nhà khang trang. Ngoài ra, anh còn xây dựng một cửa hàng tạp hóa để vợ bán hàng kiếm thêm thu nhập.

Ngoài 10 ha rừng keo, anh Hồ Minh hiện có 20 con trâu và đàn dê gần 30 con.
Ngoài 10 ha rừng keo, anh Hồ Minh hiện có 20 con trâu và đàn dê gần 30 con.

Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó, anh Hồ Minh đã thoát nghèo vào năm 2018 và đang dần vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của mình. Hiện, anh Hồ Minh đã có 20 con trâu, mỗi năm bán 3 con cho lãi gần 100 triệu đồng. Còn với đàn dê hơn 30 con, mỗi năm cũng mang lại cho anh khoảng 30 triệu đồng. Anh cũng dự tính sẽ xuất bán 1.000 con cá các loại trong thời gian tới.

Ông Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân đánh giá: "Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của anh Minh rất đáng để người dân học tập để thoát nghèo. Anh cũng là tấm gương tiêu biểu trong việc thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc trong việc phát triển kinh tế".

Hiện xã Trường Xuân cũng đang đề nghị tỉnh Quảng Bình khen thưởng cho anh Hồ Minh vì sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời tuyên tryền và hướng dẫn bà con người đồng bào Vân Kiều học tập mô hình của anh Hồ Minh để làm theo, góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.