Nghi chồng ngoại tình, vợ mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại

Nghi ngờ chồng có quan hệ tình ái bên ngoài, chị lên mạng tìm kiếm dịch vụ nghe lén điện thoại và bắt gặp một trang web hướng dẫn nhiều dịch vụ "theo dõi" chồng qua tin nhắn, zalo, cuộc gọi, định vị... Sau khi chuyển tiền theo hướng dẫn của "người lạ", chị tá hỏa nhận ra mình đã bị lừa.

Nghi chồng ngoại tình, vợ mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại

PV nhận được phản ánh của độc giả về tội phạm sử dụng mạng internet để lừa đảo người nhẹ dạ, tin người lạ nhưng không… tin người nhà.

Theo phản ánh của chị X, nghi ngờ chồng có quan hệ tình ái bên ngoài, chị lên mạng tìm kiếm dịch vụ nghe lén điện thoại và bắt gặp trang web giới thiệu các dịch vụ theo dõi, nghe lén, đọc tin nhắn, dò vị trí....

Nghi chồng ngoại tình, mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại-1

Màn hình trang chủ của trang web lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Qua trao đổi tin nhắn Zalo với đối tượng có số điện thoại “hot line” được quảng cáo trong trang web nói trên, sau khi được hướng dẫn tận tình về các loại dịch vụ gồm nghe lén, đọc tin nhắn, định vị, kèm cam kết “cung cấp dịch vụ trọn đời”, không một chút đắn đo, chị X chuyển khoản 1,4 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Nghi chồng ngoại tình, mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại-2

Chỉ cần nhắn tin vào zalo, đối tượng lừa đảo ngay lập tức gửi báo giá cho "con mồi". 

Chủ tài khoản nhận tiền là Nguyễn Thị Huyền Diệu; số tài khoản 0081001310297 mở tại một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, sau khi tiền chuyển vào tài khoản, đối tượng lừa đảo ngay lập tức chặn số điện thoại của chị X.

Nghi chồng ngoại tình, mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại-3

Nội dung tin nhắn giữa nạn nhân và đối tượng.

Thực tế, không chỉ chị X, có rất nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này. Chỉ đến khi chuyển tiền vào số tài khoản nói trên, các “con mồi” mới sực tỉnh thì đã quá muộn.

Trò lừa đảo tưởng chừng như chỉ dụ dỗ được những người kém hiểu biết cả về pháp luật cũng như xã hội nhưng lại khiến cho không ít các bà vợ sập bẫy vì muốn theo dõi chồng. Thậm chí, đã có không ít nạn nhân là những doanh nhân muốn tìm hiểu về đối thủ, đối tác của mình.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, ngay sau khi nhận được tiền từ các “con mồi”, đối tượng liền chuyển hết từ tài khoản của Nguyễn Thị Huyền Diệu sang ví điện tử Momo.

Hoạt động này diễn ra liên tục, mỗi ngày có khoảng từ 40-50 triệu đồng được chuyển đến rồi lại chuyển đi như vậy.

Nghi chồng ngoại tình, mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại-4

Sau khi nhận tiền, đối tượng lập tức chặn tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân.

Đại diện ngân hàng nói trên cho biết, theo quy định về theo dõi giao dịch bất thường hiện nay, việc chuyển tiền liên tục từ tài khoản ngân hàng sang ví Momo như vậy không nằm trong diện theo dõi giao dịch bất thường của ngân hàng.

“Có những đại lý kinh doanh thẻ cào, giao dịch của họ lên đến vài trăm triệu/ngày là chuyện bình thường. Hơn nữa, bảo vệ bí mật khách hàng là trách nhiệm của ngân hàng, ngân hàng chỉ phối hợp khi có yêu cầu của các cơ quan thực thi pháp luật”, đại diện ngân hàng này cho hay.

Qua tìm hiểu, trang web lừa đảo công khai quảng cáo dịch vụ nghe lén, đọc tin nhắn, dò vị trí,… điện thoại và tất cả các mạng xã hội trên internet như Facebook, Zalo, Viber,…

Đặc biệt, các đối tượng chỉ chấp nhận trao đổi qua tin nhắn Zalo mà không bao giờ nghe điện thoại với lý do “do khách quá đông nên bọn mình không thể nghe điện thoại”.

Sau khi vào vai người muốn theo dõi tin nhắn, PV Infonet được đối tượng nhiệt tình tư vấn và gửi báo giá chi tiết từng dịch vụ như: Đọc tin nhắn SMS 700.000 đồng; đọc tinh nhắn Zalo 500.000 đồng; đọc tin nhắn Facebook 500.000 đồng; định vị 600.000 đồng...

Nghi chồng ngoại tình, mất tiền oan vì muốn... nghe lén điện thoại-5

Nội dung tin nhắn giữa đối tượng và nạn nhân.

Để tạo lòng tin cho nạn nhân, trang web này còn khoe một loạt các đối tác lớn của mình, trong đó có Zalo.

Lần theo địa chỉ ghi trên website (tại số 133 Phạm Hùng, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ,  TP Đà Nẵng) thì thấy đó là trụ sở một văn phòng giao dịch bất động sản cửa đóng then cài và không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự tồn tại một "văn phòng theo dõi" như các đối tượng thông tin lừa gạt nạn nhân.

Ngỏ ý muốn được đến tận văn phòng để nộp tiền, đối tượng liền từ chối vẫn với lý do quá đông khách nên không thể tiếp tại văn phòng.

Trao đổi với PV Infonet về nhóm tội phạm lừa đảo này, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C05) cho biết, C05 luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Một cán bộ khác của C05 cho biết, ở mỗi tỉnh, thành đều có phòng PC05 trực thuộc Công an các tỉnh, thành, do đó nạn nhân có thể trình báo tại PC05 ở địa phương nơi mình cư trú.

Theo quy định của pháp luật, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình và quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước và pháp luật bảo vệ.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định về quyền bí mật đời tư, như sau: “...3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 12 Luật Viễn thông 2009 cũng có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có: “…3. Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.

Hành vi vi phạm các quy định trên đây có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.