Nghẹn ngào lời thì thầm của mẹ với “chiến binh” nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc

Một tai nạn bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của một bé trai vừa tròn 4 tuổi (Phú Thọ). Trong giây phút cuối ấy, cha mẹ bé quyết định 1 nghĩa cử cao đẹp hiến đôi giác mạc của bé để mang ánh sáng cho 2 người khác.

Nghẹn ngào lời thì thầm của mẹ với “chiến binh” nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc

Theo báo Lao động, những ngày cuối năm 2018, các bác sĩ, nhân viên trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Ngân hàng Mắt (bệnh viện Mắt Trung ương) lại chứng kiến một câu chuyện vô cùng cảm động: Bé trai mới 4 tuổi đã hiến giác mạc cho 2 người khác sau khi qua đời.

Tiếp nhận thông tin từ những người bạn trên mạng xã hội, cùng những dòng nguyện vọng của gia đình rồi các thông tin dần được kết nối thông qua trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, các kỹ thuật viên Ngân hàng Mắt đã hối hả lên đường.

"Chúng tôi thực hiện nguyện vọng của gia đình, để thực hiện trách nhiệm của công việc. Cả đoạn đường dài, anh em ai cũng im lặng bởi phải đón nhận tin buồn", ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương chia sẻ.

Ông Hoàng chia sẻ với báo Tiền phong, bất kỳ ai chứng kiến sự ra đi của bé Mai Reon đều không kìm được nước mắt. Ngày bé “về trời” 24/12/2018 trùng khớp với ngày bé chào đời cách đây đúng tròn 4 năm.

“Bánh nến đã đầy đủ, để mừng sinh nhật con mà niềm vui lại hóa thành nỗi buồn. Đau lòng quá”.

Hình ảnh người mẹ hôn từ biệt với bé ngày hôm đó đã khiến nhiều người trong phòng hồi sức tích cực của bệnh viện phải rơi lệ.

"Là người khá cứng rắn nhưng khi động viên vợ chồng anh chị Nguyễn Mạnh Minh Toàn và Mai Mika, chúng tôi cũng không ngăn được dòng lệ tuôn rơi", ông Hoàng kể tiếp.

Sức khỏe - Nghẹn ngào lời thì thầm của mẹ với “chiến binh” nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc

Khoảnh khắc người mẹ hôn từ biệt cậu con trai 4 tuổi của mình khiến mọi người xung quanh không kìm được nước mắt. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống).

Trước khi lấy giác mạc, chị Mai Mika thì thầm với cậu con trai nhỏ 4 tuổi: "Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai. Ông già Noel đưa cỗ xe tuần lộc đến đón con nhé, hãy ngao du và tặng quà cho mọi người khắp thế gian cùng ông già Noel nhé. Ánh mắt đầy tự hào của ba mẹ con chắc sẽ nhớ mãi”.

Nhắc lại giây phút thực hiện thao tác lưu giữ giác mạc của bé Mai Reon, ông Hoàng vẫn không giấu nổi niềm xúc động: “Thật sự xúc động khi chứng kiến chị Mai Mika, mẹ bé thì thầm lời cuối bên bé Mai Reon. Lúc này trong đầu chỉ nghĩ là làm sao có thể nhẹ nhàng để bé không bị đau, để bố mẹ bé đứng kia không phải xót lòng thêm nữa.

Và khi nhìn thấy ánh mắt rạng ngời của tự hào trên khuôn mặt vẫn còn nét đau khổ khi mất đi người con ruột thịt, tôi biết tôi đã hoàn thành ý nguyện của họ”.

Sức khỏe - Nghẹn ngào lời thì thầm của mẹ với “chiến binh” nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc (Hình 2).

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc.

“Khi mọi việc hoàn tất, tôi thấy bố mẹ của bé đứng đó, họ vẫn chăm chú theo dõi việc làm của tôi. Trong tận cùng đau khổ của sự mất mát nhưng cả 2 vẫn nở nụ cười mãn nguyện vì nguyện vọng của họ và con trai đã được thực hiện và ánh mắt thì toát lên sự tự hào về “Chiến binh” của họ.

Cảm ơn vợ chồng anh chị Nguyễn Mạnh Minh Toàn – Mai Mika và gia đình. Giác mạc của bé sẽ đem lại ánh sáng cho 2 người đang ngày đêm mong mỏi tìm lại ánh sáng. Nghiêng mình trước vong linh bé”, ông Hoàng cảm động nói.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, chị Chu Thị Lan Anh (chị gái của mẹ bé Mai Reon) chia sẻ, con tỉnh táo trong giây phút nhập viện, ôm chặt cổ bác mà khóc. Và kiên cường chờ đợi đến giây phút được gặp mặt bố mẹ trước khi ra đi mãi mãi.

Được sinh ra tại Nhật và mang theo quốc tịch Nhật của mẹ, bé Mai Reon ra đời trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Và tình yêu ấy càng lớn hơn khi 8 tháng tuổi bé Mai Reon có những dấu hiệu đầu tiên với sự phát triển chậm hơn so với các bạn cùng lứa. 

Bao yêu thương vợ chồng anh Toàn vun đắp cho cậu con trai Mai Reon bé bỏng. “Dù mắc chứng tự kỷ, ít giao tiếp được bằng mắt, thường chỉ làm theo ý thích của riêng mình nhưng điều đặc biệt con rất ngoan, không nghịch như các bạn đồng lứa. Con đẹp lắm và đáng yêu nên ở lớp, ở nhà ai cũng vô cùng yêu thương con”, nước mắt nhạt nhòa, chị Mai nhớ về cậu con trai của mình.

Được trở về Việt Nam cùng cha mẹ thăm họ tộc mỗi năm, đây là lần thứ 2 trong năm bé Mai Reon được cha mẹ cho ở lại với bà và các bác bên ngoại tại Phú Thọ.

Thời gian sống chung cùng ông bà ngoại giúp bé Mai Reon có nhiều cải thiện đáng kể trong điều trị chứng tự kỷ, cứng cáp và nhận thức tốt hơn.

“Mới tháng 7 vừa qua, dù lâu mới được gặp lại con, em bảo con thơm bố 1 cái nhé, bé đã đặt lên má em 10 cái thơm. Con đã tiến triển rất tốt”, anh Toàn chia sẻ.

Tuy nhiên, sự cố đáng tiếc khiến con bất ngờ ra đi mãi. Chính trong những giây phút cuối ấy, anh Toàn đã đăng dòng thông tin trên trang cá nhân của mình “Cháu đã không còn khả năng duy trì sự sống. Hiện chỉ còn duy trì lay lắt bằng máy thở. Nguyện vọng của bố mẹ cháu là hiến giác mạc của cháu cho ai cần. Mong mọi người ai biết ai cần, hoặc bệnh viện nào cần thì cho em xin liên lạc. Em xin cảm ơn”.

Sau khi ca hiến giác mạc thành công, giác mạc của bé trai 4 tuổi sẽ được ghép cho 2 người mắc bệnh về giác mạc. Một bệnh nhân ngoài 20 tuổi đã được ghép giác mạc vào ngày 1/1/2019. Một bệnh nhân nữa sẽ được ghép vào ngày 2/1. Cả hai bệnh nhân đều hỏng cả 2 mắt

Theo Nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.