Nghề tình báo và những phẩm chất xưa nay hiếm

GD&TĐ - Tình báo là một nghề đặc biệt, ra đời rất sớm và có vai trò quan trọng trong thời chiến cũng như thời bình, thời xưa cũng như thời nay.

Một số cuốn sách viết về nhà tình báo Đào Phúc Lộc.
Một số cuốn sách viết về nhà tình báo Đào Phúc Lộc.

Vào những dịp kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước (30/4) hàng năm, nhiều người hẳn sẽ nhớ đến công lao của những chiến sĩ đặc biệt, trong đó có lực lượng tình báo.

Tình báo ở phương Đông và Việt Nam thời xưa

Tình báo sớm được thừa nhận như là một công cụ không thể thiếu trong thuật lãnh đạo một quốc gia, trong ngoại giao hay chiến tranh. Trong tác phẩm được viết cách đây 2.000 năm, nhà lý luận quân sự người Trung Hoa Tôn Tử đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tình báo.

Quyển sách của ông mang tên Binh pháp Tôn Tử (khoảng năm 500 TCN) đã đưa ra chi tiết về việc tổ chức một hệ thống gián điệp bao gồm cả những điệp viên hai mang và những kẻ đào ngũ hợp tác truyền tin.

Tuy nhiên, trước khi chủ nghĩa dân tộc phát triển và sự phát triển của quân đội thường trực cũng như các thiết lập ngoại giao thì cơ quan tình báo không được các nhà cầm quyền và các tướng lĩnh quân sự tổ chức một cách thống nhất.

Thời xa xưa, công tác mật thám, an ninh, tình báo chưa được tách biệt rõ ràng như ngày nay mà thường có quan hệ chặt chẽ, kiêm nhiệm, chồng lên nhau và tất nhiên là mang tính bí mật cao.

Sử sách nước ta không tả chi tiết về tổ chức phụ trách công việc bí mật đó. Thời Đinh, chức Thập đạo tướng quân của Lê Hoàn được giao quản việc tình báo, mật thám, lo an ninh nội bộ, thu thập tin từ nhà Tống và Ai Lao, Chân Lạp là chính… rồi báo cáo trực tiếp với Đinh Tiên Hoàng.

Thời Lý, vua nắm luôn việc đó và giao chức Điện tiền chỉ huy sứ phụ trợ. Thời Trần, Thái sư Trần Thủ Độ phụ trách mật vụ, gián điệp, sau Chiêu văn vương Trần Nhật Duật được vua giao nhiệm vụ của tổ chức bán công khai gọi là Mật sứ đoàn chuyên thu thập tin an ninh triều đình, dư luận, tình báo.

Tổ chức này sau khi để Trần Ích Tắc trốn sang hàng nhà Nguyên bị phê phán và giảm tín nhiệm, thời Trần Dụ Tông bị giải tán. Đến thời Hồ Quý Ly, ông quan tâm và hiểu rõ tầm quan trọng của mật vụ, tình báo nên lập Bí thư nội vụ Dinh do Nguyễn Cẩn chỉ huy rất đắc lực.

Trong triều, Cẩn cài người vào nhà các vương tôn quý tộc, đối với nhà Minh ở phương Bắc, Cẩn cử thám tử (người của Bí thư nội vụ Dinh) thâm nhập vào các đội buôn ngựa, buôn vải, hương liệu… xuyên biên giới để nắm tin tức, ý đồ động tĩnh của nhà Minh.

Đến triều Nguyễn, bắt đầu từ Nguyễn Ánh, cũng chú ý xây dựng tổ chức mật vụ, gián điệp và trực tiếp chỉ huy. Các gián điệp nổi tiếng trong sử sách được nhắc đến là: Công chúa An Tư, Đặng Nhữ Lâm (thời Trần), công chúa Ngọc Huyên, công chúa Ngọc Du (đầu nhà Nguyễn).

Tại Trung Quốc, hoạt động mật vụ, tình báo gián điệp được chính quyền phong kiến rất quan tâm. Ngay thời Tam Quốc, Tào Tháo đã khai trương Phủ Hiệu sự, giao cho mưu sĩ số một là Quách Gia điều hành, sau khi Quách Gia mất, Tháo trực tiếp nắm rồi mới phân cho con trưởng là Tào Phi coi sóc.

Đến nhà Hậu Lương đã lập cơ quan chuyên trách là Huyền kính ty do viên quan hàm nhất phẩm phụ trách. Những nhân vật hoạt động tình báo, gián điệp thành công được kể tới là vụ Hoàng Cái lừa Tào Tháo xích thuyền lại với nhau nên bị bất lợi khi dính hỏa công; vụ nước Tào Ngụy cấy hoạn quan Hoàng Hạo làm chỉ điểm tại triều đình Thục Hán…

Ở Nhật Bản, cuối thời Chiến quốc Sengoku (thế kỷ XVI) các lãnh chúa chủ chốt như Oda Nabunaga, Toyotomi Hidayushi, Ieyasy Tokugawa đều tăng cường sử dụng đặc tình, gián điệp và người được coi là thành thạo sử dụng các ninja kiêm gián điệp là Ieyausi -  người đã thống nhất được Nhật Bản sau khi tiêu diệt các lãnh chúa hùng mạnh khác. Các gián điệp - ninja vào thế kỷ XVI được truyền tụng là: Hattori Hanzo, Kato Danzo, Momochi Sandayu, Kido Yazaemon…  

Tình báo, gián điệp hiện đại

Công tước Joseph Fouché được xem là điệp viên tình báo chuyên nghiệp đầu tiên.

Công tước Joseph Fouché được xem là điệp viên tình báo chuyên nghiệp đầu tiên.

Có thể nói, tình báo chính trị lần đầu tiên được sử dụng một cách có hệ thống bắt đầu do Công tước Joseph Fouché, Bộ trưởng Cảnh sát trong cuộc cách mạng Pháp và triều đại của Napoleon.

Trận Trân Châu cảng ngày 7/12/1941 là một thành công tình báo lớn của Nhật Bản và tình báo Mỹ là kẻ thất bại. Thất bại này đã thúc đẩy sự phát triển bộ máy tình báo khổng lồ của Mỹ sau chiến tranh.

Trước Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ hầu như không có hệ thống tình báo; sau chiến tranh, Cục Tình báo Trung ương (CIA) trở nên có tiếng bởi tai mắt khắp nơi, nối tiếp với các cơ quan tình báo như MI-6 của Anh, KGB của Liên Xô, SDECE (the Service de Documentation Extérieure et de Contre-Espionage) của Pháp, Cục Tình báo đối ngoại của Israel; Văn phòng sự vụ xã hội, Cục Tình báo Hoa Nam của Trung Quốc và đông đảo các cơ quan, tổ chức khác trong cộng đồng tình báo và phản gián thế giới.

Cuối thế kỷ XX đến nay, người ta bàn thảo nhiều đến tình báo chính trị và tình báo thời hậu công nghiệp, kinh tế tri thức phát triển. Trên thực tế, hoạt động tình báo và gián điệp vẫn là những việc làm phổ biến nhất có quan hệ chặt chẽ với các chính sách đối ngoại của quốc gia, thời nay thông tin mật vẫn rất cần thiết cho các quyết định chính trị, ngoại giao, thương mại và công nghiệp.

Các đảng phái chính trị luôn quan tâm đến các kế hoạch chiến lược của các đối thủ hoặc trong bất kỳ thông tin nào có thể là ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Ngày nay, hầu hết những tập đoàn kinh doanh lớn đều có những bộ phận chủ yếu dùng cho kế hoạch chiến lược mà đòi hỏi phải có những báo cáo tình báo. Các công ty cạnh tranh không hề phủ nhận sự quan tâm của họ đối với các kế hoạch chiến lược của các đối thủ cạnh tranh mặc cho các luật lệ được đặt ra để ngăn cản.

Tất cả những hình thức và kĩ thuật của tình báo ngày nay được hỗ trợ bởi kỹ thuật thông tin liên lạc, truyền thông hiện đại và các thiết bị tính toán, đo đạc, do thám nhanh nhạy, chính xác, dễ che giấu. Các loại máy chụp ảnh và quay phim cực nhỏ dễ dàng giúp cho người sử dụng có thể chụp những tài liệu hình ảnh và phim bí mật.

Các vệ tinh nhân tạo cũng là những công cụ tình báo có thể chụp ảnh phát hiện những thiết lập quân sự bí mật. Đặc biệt, trong những phương tiện kỹ thuật phát triển này là các loại điện thoại dùng công nghệ không dây, chúng có thể được cài trong phòng (đối với các loại có khả năng thu thanh) và các hình ảnh có thể chụp được trong bóng tối.

Trong lịch sử tình báo cận hiện đại, tên tuổi của nhiều tình báo viên đã đi vào lịch sử: Kawashima Yoshiko - Xuyên Đảo Phương Tử (Nhật), Noor Inayat Khan (Tình báo Anh gốc Ấn), Juan P. Garcia (Anh), Mata Hary (Đức), Eli Cohen (Israel), Lucien Conein (Mỹ); Phạm Xuân Ẩn, Đào Phúc Lộc (Việt Nam)…

Còn Richard Sorge được coi là người tình báo vĩ đại nhất của Liên Xô cũ hoạt động ở châu Á và đưa tin sớm về cuộc tấn công Nga của Đức 1941. Đó là nguồn cảm hứng cho tác giả Ian Flemming sáng tạo ra nhân vật James Bond trong loạt tiểu thuyết lừng danh của mình.

Nhà tình báo Đào Phúc Lộc - trí tuệ, phẩm chất sáng mãi

Nhà tình báo Đào Phúc Lộc bên vợ và con gái tại Chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên.

Nhà tình báo Đào Phúc Lộc bên vợ và con gái tại Chiến khu Việt Bắc, Đại Từ, Thái Nguyên.

Đất nước Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến đã sản sinh ra nhiều nhà tình báo xuất sắc và chúng tôi muốn vinh danh ở đây là ông Đào Phúc Lộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời… gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự của nước Việt Nam mới. Ông chính là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành (25/10/1945).

Theo ông Phan Văn Đáng (nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), sau 1954, ông Lộc được chính đồng chí Lê Duẩn đề cử ở lại hoạt động ở Nam Bộ. Là một người đặc biệt mẫn tiệp, nhìn người chuẩn xác, ông Ba Duẩn qua tiếp xúc nhận thấy ông Lộc (lúc đó mới hơn 30 tuổi) trung thành, dũng cảm, có khiếu hài hước lại rất tình cảm nên rất tin cậy.

Xứng đáng với sự tin cậy của ông Ba Duẩn và Xứ ủy, ông Lộc trở thành một trong những nhân vật chủ yếu sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ và ngành Binh vận vào thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ (1954 - 1955).

Cuối năm 1954, ông là Phó Ban Binh vận Xứ ủy Nam Kỳ được điều động gấp về Sài Gòn trước khi thời gian tập kết có hiệu lực và binh vận trở thành một trong những mũi giáp công lợi hại của Cách mạng miền Nam. Ông từng giữ chức ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn Gia Định; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5; Bí thư Phân khu 1 Khu Sài Gòn Gia Định và Chính ủy lực lượng biệt động Sài Gòn.

Ông hy sinh vào một ngày mùa đông năm 1969 vì trúng phục kích của địch bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, cách ngày thống nhất đất nước gần 6 năm. Vì lý do an ninh, tin ông hy sinh được giấu kín suốt một thời gian dài, khiến cho gia đình, người thân của ông mỏi mòn tìm kiếm. Trong suốt 30 năm (1954 - 1975) có những lúc ông đã bị nhiều người ở quê hương Quảng Ninh nghi kị. Ông chịu nỗi oan là kẻ phản quốc theo địch.

Công lao của nhà tình báo (sau này được truy phong quân hàm Trung tướng) đã được đồng đội, cấp trên trực tiếp của ông, người dân ghi tạc và những người gần gũi luôn tin rằng lớp bụi thời gian sẽ được lau sạch để con người thật của ông sẽ được trả lại đúng giá trị với cuộc đời.

Ngày 8/4/1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Trung tướng, Liệt sĩ Đào Phúc Lộc.

Nhớ lại mốc lịch sử đầu năm 1955, Xứ ủy Nam Bộ quyết định lập “Ban nghiên cứu Xứ ủy” - Ban địch tình (Ban này tồn tại đến 1961), do Ủy viên Xứ ủy Ba Viên phụ trách.

Ông Lộc, nguyên là Trưởng phòng quân báo Nam Bộ về làm Phó Trưởng ban. Rồi cụm tình báo chiến lược chỉ đạo trực tiếp các hệ tình báo chính trị - quân sự - phản gián - chiến lược ra đời, trong đó hệ tình báo quân sự gồm 6 lưới từ NB1 - NB6 do chính ông Lộc chỉ huy.

Năm 1969, Trung ương cục điều Đào Phúc Lộc từ Phân khu 5 về làm Chính ủy Phân khu 1 - vùng Củ Chi. Đêm Noel (24/12), Chính ủy Đào Phúc Lộc cùng Phó Tư lệnh Phân khu Tám Lê Thanh về Trung ương cục dự họp. Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đoàn phải chia làm hai nhóm.

Ghe chở Phó Tư lệnh Tám Lê Thanh qua sông trước an toàn, còn ghe chở Chính ủy Đào Phúc Lộc đi sau đụng giang thuyền địch phục kích với hỏa lực mạnh, tất cả mọi người trên ghe đều hy sinh giữa dòng nước. Quá trình hoạt động cùng những chiến công của nhà tình báo lỗi lạc Đào Phúc Lộc đã được xây dựng thành kịch bản cho bộ phim mang tựa đề “Con đường sáng”.

Cuộc đời của nhà tình báo Đào Phúc Lộc là một khúc tráng ca, tuy chỉ sống 46 mùa xuân (1923 - 1969) nhưng đã dành trọn cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tưởng nhớ đến ông, xin được tổng kết những đức tính tốt đẹp của người tình báo mà ông là người tiêu biểu để chúng ta cùng chiêm nghiệm.

Đó là một tình báo có tầm nhìn chiến lược, chiến lược gia tài năng, sinh ra để làm tình báo, kiên cường mà trầm tĩnh, chân tình mà nhân hậu, giữ vững tính nguyên tắc, mẫu mực, thực tiễn, lịch lãm.

Con người đặc biệt đó trung kiên một lòng vì nước; là người lãnh đạo thông minh sắc sảo, giản dị chân tình, nghiêm túc, dễ thương; người chỉ huy tình báo giỏi, đầy tính nhân văn, thương yêu cấp dưới như anh cả với các em ruột, quan tâm sinh mệnh đồng đội; đôn hậu vị tha, coi trọng tình người.

Có nhiều tài lẻ, biết tiếp cận và gây được cảm tình của nhiều lớp người; luôn giữ bí mật, táo bạo, thông minh, mưu trí, tạo được vỏ bọc kín cho mình, có thể tự cài cắm vào hàng ngũ đối phương; trung thành, tận tụy, miệt mài vì sự nghiệp đã chọn.

Xin được kết thúc bài viết bằng bài thơ sau:

Tình báo

Tình báo là nghề đặc biệt, thầm lặng, giấu mình

Cổ, kim, Đông, Tây ai đã chọn nghề thường khó an bình…

Tài năng bẩm sinh và sở trường thiên định,

Thần kinh thép, can trường, linh hoạt đầy bản lĩnh,

Vì Tổ quốc, nhân dân - là sự nghiệp tôn thờ,

Đất nước Việt có nhiều nhà tình báo giỏi,

Góp tâm sức bảo vệ quốc gia,

Trong dựng nước và giữ nước bao đời,

Người tình báo cứ khiêm nhường, tận tụy,

Trải lao tù, gặp kẻ thù hung hiểm,

Xé màn đêm, lên thác xuống ghềnh,

Xa song thân, chẳng gần con cái; phu thê cách biệt…

Biết khi nào, liệu gặp lại hay không?

Tuổi xuân trôi đi, sống chết trong gang tấc!

Cứ xông pha khi sứ mệnh vẫn gọi mình…

Đào Phúc Lộc - nhà tình báo quang vinh,

Sinh Bắc, tử Nam, trọn 46 mùa xuân,

Ông ra đi, hồn vương vấn sông Vàm Cỏ,

Sông hát mãi tráng ca về người anh hùng dân tộc,

Cùng đồng đội hy sinh để đất nước vẹn toàn,

Thắp nén hương dâng ông, chúng tôi xin tưởng niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.