Cuốn sách “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” của nhà văn Phạm Thắng được Nhà xuất bản Kim Đồng đưa vào kho tàng văn học thiếu nhi. Cuốn sách thu hút người đọc ở nhiều độ tuổi khác nhau về 5 thiếu niên anh dũng, gan dạ, góp phần không nhỏ vào giải phóng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Tuyến tình báo thầm lặng giữa Thủ đô
“Nơi đây, ngày 19/2/1947, Đội quân báo thiếu nhi, tiền thân của Trạm giao thông và Trung đội Thiếu niên Bát Sắt công an Quận VI Hà Nội đã làm lễ tuyên thệ bí mật xuất phát trở về vùng tạm chiến Hà Nội tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp góp phần giải phóng Thủ đô”.
Đó là nội dung bia di tích “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” đặt tại khuôn viên ngôi đình thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bia di tích được khánh thành ngày 25/9/2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004).
Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt gồm các chú bé liên lạc, trinh sát của các đơn vị chiến đấu đường phố mặt trận Nam Hà Nội. Năm 1947, khi Hà Nội đã trở thành vùng tạm chiếm của thực dân Pháp, các đội viên thiếu niên tình báo Bát Sắt do Công an Quận VI – Hà Nội đào tạo, huấn luyện đã được tung vào thành phố hoạt động.
Từ “tổ mở đường” chỉ gồm năm đội viên nhỏ tuổi bí mật trở về Hà Nội, dần dần một trận tuyến tình báo thầm lặng đã hình thành trong lòng Thủ đô. Các đội viên nhỏ tuổi đã mưu trí vượt qua mọi nguy hiểm bủa vây của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao… Câu chuyện về quá trình hoạt động của năm đội viên đã được chính người trong cuộc, nhà văn Phạm Thắng kể lại.
Nhà văn Phạm Thắng vốn là đội viên của Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt. Vì vậy, câu chuyện ông kể về các trinh sát thiếu niên của các đơn vị chiến đấu đường phố mặt trận Nam Hà Nội giàu chất thực mà không kém phần li kì, hấp dẫn.
Ông chính là tác giả cuốn sách “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhiều lần. Cuốn sách mới đây một lần nữa được tái bản nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Nhân dịp Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức cuộc thi “Viết về những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ chống Pháp”, ông Phạm Thắng viết cuốn hồi ký về mình và đồng đội. Cuốn sách lúc đó mang tên “Đội tình báo thiếu niên”. Cuốn sách ra đời đã gây được tiếng vang, được Sở Văn hóa Hà Nội tái bản đến lần thứ 3 trước khi NXB Kim Đồng yêu cầu tác giả chuyển thể nó thành một tác phẩm văn học.
Lúc đầu, nhà văn Phạm Thắng cũng lo lắng chưa dám nhận lời ngay, nhưng đồng đội của ông và biên tập viên Nguyễn Văn Tân của NXB Kim Đồng đã nhiều lần động viên, khích lệ. Cuối cùng ông đã bắt tay vào viết.
Quá trình viết tác phẩm này với ông vô cùng vất vả. Bản thảo phải sửa đi sửa lại nhiều lần cho phù hợp với một tác phẩm văn học hấp dẫn mà vẫn đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ.
Đến đầu năm 1975, sách chuẩn bị được đưa in thì miền Nam giải phóng. Bản thảo “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” lại phải chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu mới. Vì thế đến năm 1976, cuốn sách mới chính thức ra mắt với lượng phát hành khổng lồ ở cả 2 miền. Cuốn sách ngay lập tức trở thành một trong những “cuốn sách vàng” được yêu thích nhất thời bấy giờ.
Lễ tuyên thệ bí mật của năm đội viên
Theo lời kể của nhà văn Phạm Thắng, 5 cậu bé đã được chọn vào tổ mở đường bí mật. Đó là Đội trưởng Hoàng Quyên (tên thật là Trần Vân). Cùng với 4 đội viên là Thân “bột” (tức ông Phạm Thắng), Chức “lém” (không ai nhớ tên thật của cậu bé này), Tâm “bạch biến” (tên thật là Trần Văn Sâm, Trần Trung Dũng, còn có biệt danh là Dũng “lim”), Thụ (tên thật là Trần Văn Thục).
Giờ phút tuyên thệ thiêng liêng, cả năm em trong tổ mở đường giơ cao nắm tay, đọc năm lời thề danh dự của đội viên thiếu niên Bát Sắt. Tất cả đều phải tuyệt đối giữ bí mật, đó là kỷ luật số một và cũng là lời thề đầu tiên của nhóm.
Khi được tung vào thành phố tạm chiếm hoạt động, các đội viên đã bám sát địa bàn, gây dựng cơ sở bí mật trong các gia đình công nhân, dân nghèo, trí thức. Công việc của đội là điều tra tin tức, tổ chức đưa đón cán bộ ra vào nội thành, cùng với các anh du kích tham gia tiêu diệt bọn Việt gian phản động...
Khó có thể nói hết những việc mà các thiếu niên tình báo của Đội Bát Sắt làm được trong 2 năm mở đường về Hà Nội để hình thành trận tuyến tình báo thầm lặng. Đội đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô.
Thành công của đội phải kể đến lần chuyển lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở Khu Học xá Việt Nam (ở phố Bạch Mai). Đội cũng đưa đồng chí Trần Quang Cơ - quân báo viên quận 6 bị lạc trở về đơn vị.
Các thiếu niên cũng đã dẫn đường cho một tiểu đội Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch ngay trong lòng Hà Nội, giúp Công an Quận 5 và Nha Công an Trung ương đưa tình báo viên vào hoạt động ở nội thành. Đồng thời, đội đã giúp các đồng chí này liên lạc với chỉ huy.
Ngoài ra, đội thiếu niên còn chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo đến với số trí thức, nhân sĩ yêu nước bị kẹt lại Hà Nội khi chiến sự xảy ra.
Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paguct (tức Lê Hữu Ba Kế) tại nhà riêng. Đồng thời theo dõi, nắm quy luật hoạt động đi lại của tên Việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Kỳ, để lực lượng ta tiêu diệt...
Với sự thông minh, gan dạ... các đội viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào chiến công chung của đồng bào Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Ngày nay, những đội viên tình báo Bát Sắt năm nào, người đã mất, người còn thì già yếu vì tuổi cao. Mặc dù nhiều năm trôi qua nhưng những hình ảnh, gương mặt các đoàn viên của đội trinh sát nhỏ tuổi luôn sống mãi trong lòng thế hệ trẻ Việt Nam.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 2012, Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.