Đối với người Nhật, cô là một anh hùng truyền cảm hứng và lãng mạn. Nhưng đối với người Trung Quốc, cô là kẻ phản bội xấu xa. Sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô công chúa - điệp viên xinh đẹp này.
Công chúa lưu vong
Yoshiko Kawashima tên khai sinh là Aisin Gioro Xianyu, ra đời vào khoảng năm 1907, một trong 38 người con của Thân vương Shanqi, một quý tộc Mãn Châu có quan hệ mật thiết với nhà Thanh, vương triều nắm quyền cai trị Trung Quốc vào thế kỷ 17.
Trong vòng 200 năm, các hoàng đế Mãn Châu đã trị vì một quốc gia thịnh vượng. Nhưng vào thời điểm Kawashima ra đời, quyền lực của họ yếu dần.
Năm 1911, cuộc cách mạng do nhà cải cách Tôn Trung Sơn lãnh đạo đã lật đổ nhà Thanh và thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Để tránh hậu vận không mấy tốt đẹp dành cho những người xuất thân hoàng tộc, cha của Kawashima gửi cô qua Nhật Bản sống với một người bạn của ông, Naniwa Kawashima. Tại Tokyo, Aisin Gioro Xianyu được đặt cho cái tên mà cô sẽ sử dụng suốt đời: Yoshiko Kawashima.
Yoshiko Kawashima luôn chống đối những gì thuộc truyền thống. Cô cưỡi ngựa đến trường, mặc quần áo nam giới, và cắt tóc ngắn, rồi sau đó là tóc xù, một phong cách gây sốc đối với xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.
Cô không thích mãi là phụ nữ mà muốn trở thành người của “giới tính thứ ba”. Đây có thể là giải pháp của Kawashima nhằm thoái thác những người cầu hôn mà cha nuôi của cô luôn thân thiết.
Không muốn làm cô dâu, cô chỉ muốn được như Jean d’Arc, nữ anh hùng nổi tiếng của Pháp. Khi còn là một học sinh, cô đã nói với bạn bè cùng lớp: “Nếu tôi có ba nghìn binh sĩ, tôi sẽ thu phục Trung Quốc”.
Trong những năm cuối tuổi thiếu niên, Kawashima cũng phát hiện sự thôi thúc tình dục, trải qua nhiều cuộc hẹn hò. Những mối quan hệ này, cũng như hình ảnh công khai đầy tai tiếng của cô - một “cách cách” của nhà Thanh sống ở Nhật Bản, không lọt khỏi tai mắt của giới truyền thông.
Điều này khiến Naniwa quyết định sắp xếp cuộc hôn nhân của cô với hoàng tử Mông Cổ Ganjuurjab, con trai của một thủ lĩnh kháng chiến, người đang được sự ủng hộ của Thân vương Shanqi.
Tuy nhiên, Kawashima là người vốn không chấp nhận sự ràng buộc nào. Cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị này duy trì chưa được 2 năm thì cô quyết định rời khỏi vùng thảo nguyên Mông Cổ, trở về Tokyo, sau đó đến Thượng Hải, thành phố được gọi là “Paris của phương Đông và New York của phương Tây”, sống cuộc sống lang bạt.
Đến năm 1931, kẻ nổi loạn 24 tuổi không liên lạc với gia đình, không tiền bạc, trôi dạt hết vũ trường, đến quán bar và sòng bạc. Đó cũng là lúc cô nhận được cuộc gọi từ Đội quân Quan Đông của Nhật.
Trở thành điệp viên
Khi đã kiểm soát hoàn toàn Mãn Châu và kế hoạch thành lập một nhà nước bù nhìn sắp hoàn thành, người Nhật cần một gương mặt hoàng gia dễ sai bảo và một mạng lưới gián điệp phục vụ cho họ.
Có mối liên hệ mật thiết với người Mãn Châu, thích phiêu lưu mạo hiểm, cùng kỹ năng cải trang giỏi, nên Kawashima trở thành một ứng viên hấp dẫn của tình báo quân sự Nhật Bản.
Kawashima được giao nhiệm vụ thuyết phục Phổ Nghi, hoàng đế bị truất phế của nhà Thanh, chấp nhận ngôi vua ở Mãn Châu Quốc. Thông qua ông, Kawashima đã đạt được mục tiêu của mình - khôi phục triều đại nhà Thanh.
Công việc tiếp theo của cô là kích động bất ổn, gây bạo loạn ở Thượng Hải. Vào mùa Đông năm 1932, Kawashima đi khắp thị trấn, cấp tiền cho công nhân để họ tiến hành các cuộc nổi dậy. Công việc này đã tạo cho quân Nhật lý do để đàn áp và củng cố vị thế của họ ở Trung Quốc.
Thời gian này, Kawashima giữ vai trò quan trọng về quân sự ở Mãn Châu Quốc, lãnh đạo một đội quân gồm vài nghìn kỵ binh không chính quy để trấn áp các lực lượng kháng chiến của Trung Quốc. Cô bắt đầu nổi tiếng khắp Nhật Bản.
Năm 1933, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, The Beauty in Men’s Clothing (Người đẹp trong trang phục nam giới), viết về Kawashima ra đời, tường thuật, hư cấu, tạo một huyền thoại quanh những chiến công của Kawashima. Nhân dịp trở về Nhật Bản, cô đã xuất hiện trên các chương trình phát thanh, thậm chí còn phát hành một album các bài hát dân ca Mông Cổ.
Cái kết bi thảm
Đến năm 1940, bóng dáng lãng tử của nàng công chúa Mãn Châu cưỡi ngựa không còn hấp dẫn nữa. Quân đội Nhật Bản đã chán ngánKawashima, một điệp viên lộ liễu và cố chấp.
Do nghiện morphin, thuốc phiện, cô đã thực hiện hành vi tống tiền các công dân Trung Quốc giàu có, trước khi bị người Nhật quản thúc tại gia. Năm 1941, kiệt sức, cô đơn, cô quay lại Bắc Kinh, lúc này do Nhật Bản chiếm đóng, và ở đó cho đến khi Thế chiến thứ II kết thúc.
Tháng 8/1945, quân đội Liên Xô tiến vào Mãn Châu, lật đổ chính quyền bù nhìn của Phổ Nghi và chấm dứt chế độ cai trị của Nhật Bản. Ngày 10/10/1945, quân đội Trung Quốc giành lại Bắc Kinh và Yoshiko Kawashima bị bắt giữ.
Trong một phiên tòa xét xử công khai, Kawashima bị buộc tội phản quốc, “Hán gian”, “kẻ phản bội giống nòi”. Khi các thẩm phán thiếu bằng chứng, họ dựa vào cuốn tiểu thuyết viết về cô hoặc nhiều bản tin giật gân được in trong nhiều năm làm cơ sở kết tội.
Công chúng Trung Quốc tức giận trước sự tàn bạo của Nhật Bản trong nhiều năm, đã yêu cầu án tử hình cho “Mata Hari của phương Đông”. Ngày 25/3/1948, bản án đã được thi hành tại sân nhà tù phủ đầy sương giá, chấm dứt một huyền thoại về nàng công chúa – điệp viên.