Nghệ thuật Xoè Thái chờ ngày được vinh danh

GD&TĐ - Từ tháng 11/2020, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã hoàn thiện xong hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Xòe là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.
Xòe là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc.

Chiều 13/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham dự Lễ khai mạc Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam sẽ được đem ra xem xét và thẩm định.

Bản sắc Tây Bắc

Lễ khai mạc được tổ chức tại Paris (Pháp) với hình thức trực tuyến, diễn ra từ ngày 13 đến 18/12. Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sẽ xem xét, thẩm định 48 hồ sơ ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam.

Xòe là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc, được thực hành chủ yếu tại bốn tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe biểu diễn, thường được trình diễn trong nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp chứa đựng những giá trị nghệ thuật về vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực… và quan trọng hơn là sự ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái.

Ngày nay, nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của sự cởi mở, lòng hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc xem xét đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình múa truyền thống đặc sắc này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông cho biết, nói đến người Thái là ai cũng nghĩ đến các biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như xòe, cũng như nói đến xòe người ta biết đến là di sản của người Thái ở Tây Bắc.

Xòe mang tính biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái, có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người Thái ngày nay.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham dự Lễ khai mạc trực tuyến Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO.

Xoè như cơm ăn nước uống

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho biết: Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ VH-TT&DL công nhận trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để xét duyệt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Với những nét độc đáo, Xoè Thái từng thu hút sự quan tâm của đông đảo giới khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu. Năm 2019, Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” được diễn ra thu hút 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam. Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La), Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Nghệ thuật múa Xòe có từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”.

Bởi vậy mà trong các cuộc vui, ngày hội, hội họp cộng đồng của người Thái đều có sự “góp mặt” của điệu xòe: “Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời Xuân qua đi”.

Với người Thái, múa xòe như một phần cuộc sống, giống cơm ăn nước uống. Xòe không chỉ là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc Thái, mà đã trở thành nét văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa.

Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.

Ngoài các điệu múa, như xòe quạt, xòe khăn, xòe nón, xòe quả nhạc, người Thái còn rất nhiều điệu xòe mang tên những sự việc, nội dung, đạo cụ, như xòe chan khon, xòe kếp phắc, xòe kếp bók…

Thống kê cho thấy, người Thái có đến trên 30 điệu xòe, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sáu điệu xòe cổ (sáu điệu xòe cơ bản). Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay.

Chỉ một động tác, một dáng đi, cách đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động cũng là những cung bậc sắc thái, những ý nghĩa khác nhau mà điệu xòe thể hiện.

Như điệu xòe “Nhôm khăn” sôi động, với chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp trống thể hiện sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu; hay điệu xòe “đổn hôn” mang ý nghĩa, dù cuộc sống có lúc nghiêng ngả, sóng gió nhưng tình người vẫn vẹn nguyên.

Nhạc cụ dùng múa Xòe cổ gồm 1 trống, 2 cồng, 1 chũm chọe. Âm nhạc cho múa Xòe thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, khi tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài.

Nhịp điệu múa Xòe có 3 giai điệu lặp đi lặp lại theo tiếng nhạc là “tùng tùng rinh, rinh rinh tùng” để tượng trưng cho 3 vía là trời, đất, con người.

Ở giữa vòng Xòe của người Thái xưa được dựng lên một cây cột gọi là “cây xén xính” nghĩa là cây vạn vật, trên cây treo hình thù các con vật trên cạn, dưới nước, hình mặt trăng, mặt trời được đan bằng tre hoặc đẽo bằng gỗ. Về đêm có thể múa Xòe quanh đống lửa vừa làm tâm điểm của vòng xòe vừa lấy ánh sáng cho đêm xòe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ