Nghệ thuật tri ân

GD&TĐ - Những ngày tháng 7 lịch sử, biết bao chương trình, tác phẩm nghệ thuật tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng vọng vang khắp nơi nơi

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Quảng Trị bừng cháy với “Tiếng hát Đường 9 xanh” và “Cung đường huyền thoại”… Hà Tĩnh thắm đỏ nơi “Đồng Lộc - Những đóa hoa bất tử”. Vĩnh Phúc hoài niệm trong “Còn mãi với thời gian”. Hà Nội hào sảng cùng “Bài ca biên giới anh hùng” và “Tri ân những người con trung hiếu”, “Vang mãi khúc quân hành”…

Trên sóng truyền hình, kênh VTV, kênh Quốc phòng Việt Nam chẳng hẹn mà gặp đã cùng lắng lại những giọt trầm khi công chiếu các bộ phim tài liệu: “Nơi ta không thuộc về” (Đạo diễn: Đặng Thái Huyền), “Chư Tan Kra” (Đạo diễn: Vũ Minh Phương), “Đường về” (Tạ Quỳnh Tư)… Nhà hát Kịch Việt Nam cũng sáng đèn vở kịch “Điều còn lại”.

Ở không gian triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam kể câu chuyện xúc động về “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng gợi nhớ những “Ký ức chiến trường” qua nét cọ của liệt sĩ – họa sĩ Hà Xuân Phong. Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học (TP Pleiku, Gia Lai) thêm một lần nhắc nhớ nỗi đau da cam qua: “Da cam - Lương tri và công lý”…

Các chương trình nghệ thuật, triển lãm, công chiếu phim, công diễn kịch... năm nay cũng giống như bao năm qua cứ thế tiếp nối, cất lên bài đồng ca tri ân về những anh hùng, liệt sĩ vừa để tôn vinh, vừa để nhắc nhớ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Thế nhưng, sẽ thật trọn vẹn nếu như mỗi chương trình nghệ thuật, triển lãm, mỗi bộ phim, vở kịch thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ. Có khỏi chạnh lòng không khi giờ đây rạp hát, sân khấu, phòng triển lãm – nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật tri ân ấy ta chỉ bắt gặp những mái đầu bạc mà vắng sao những mái đầu xanh?

Thế nhưng, sẽ thật trọn vẹn nếu như mỗi chương trình nghệ thuật tổ chức hoành tráng ấy luôn được làm mới hơn khi đừng để thiếu vắng những giai điệu lay động lòng người của hôm nay được hòa quyện cùng những giai điệu bất hủ đã đi cùng năm tháng?

Và, sẽ thật trọn vẹn nếu như không phải chỉ đến dịp lễ kỷ niệm các loại hình nghệ thuật, những không gian triển lãm mới bung ra hàng loạt chương trình, sự kiện. Sự ồ ạt này nhiều khi khiến nhân chứng lịch sử mệt nhoài vì phải chạy sô kể chuyện. Thậm chí, nhiều khán giả thấy oải, thấy nhàm, nên sẽ không khó bắt gặp những chương trình, sự kiện chưa kịp kết thúc rạp đã lưa thưa...

Vậy nên, ước sao nghệ thuật tri ân luôn diễn ra đều đặn hơn, giống như mạch nước ngầm cứ âm ỉ thấm vào tâm hồn mỗi người con đất Việt hôm nay, hôm mai. Từ đó, nghệ thuật tri ân sẽ giúp mỗi người thêm hiểu, thêm lay động và sống đẹp hơn để không phải hổ thẹn trước các thế hệ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu để giữ trọn nền độc lập, hòa bình hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ