Nghệ thuật sẻ chia

GD&TĐ - Từ đầu tháng 8, Bộ VH-TT&DL ban hành kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân để vượt qua đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Ngành văn hoá đã tập trung xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần.

“Những ngôi sao bất tử”, “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” được phát sóng trên truyền hình và livestream trên các nền tảng số mang lại hiệu quả tích cực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người dân trong cuộc chiến với đại dịch.

Khi nhà hát đóng cửa, sân khấu vắng bóng người, triển lãm nghệ thuật không thể hoạt động, nghệ sĩ vẫn luôn sáng tạo. Và điều quý báu nhất, là nghệ thuật tiếp sức mạnh mẽ cho người dân chống lại dịch bệnh, san sẻ yêu thương.

Mới đây, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi và cộng sự đã huy động được hàng trăm họa sĩ và nhà sưu tập “góp tranh” và tổ chức bán đấu giá. Sau 4 phiên, tổng số tác phẩm bán được thu về gần 1,3 tỉ đồng.

Số tiền này, nhóm nghệ sĩ mua 20 giường hồi sức, 4 máy thở, 10 xe lăn gửi tặng bệnh viện dã chiến. Số tiền còn lại, nhóm nghệ sĩ dùng để san sẻ cho một sản phụ ở vùng dịch, quỹ mai táng bệnh nhân qua đời vì Covid-19.

Cũng từ hội họa, cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Vững tin Việt Nam” được các thí sinh ủng hộ 210 triệu đồng vào Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19. Điều đó thể hiện tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” của thiếu nhi khi đến với nghệ thuật, học cách làm người trước khi làm nghệ sĩ.

Từ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Quỹ vắc-xin để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện… nhiều nghệ sĩ đã ra sức ủng hộ.

Nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu… lần lượt quyên góp, người thì 200 triệu, người thì 50 triệu đồng. Ca sĩ Mỹ Tâm nói: “Hãy cùng ủng hộ và chung tay góp sức để Việt Nam chúng ta sớm có vắc-xin, để cuộc sống sớm trở lại bình thường”.

Nghệ thuật sẻ chia không chỉ là hảo tâm góp tiền, nhiều nghệ sĩ chọn cách góp sức, góp tiếng hát để cùng bà con vượt qua những khó khăn, chán nản. Trên sân Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 7 - TPHCM, Quốc Đại nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đôi mắt như chực khóc khi hát về cha mẹ.

Khán giả là những y bác sĩ đang phải xa gia đình và phía xa là những em bé, những bệnh nhân đứng trên ban công lắng nghe những giai điệu như để được nhận lấy những liều thuốc trợ lực quý giá.

Còn rất nhiều nghệ sĩ tình nguyện vào tuyến đầu tham gia chống dịch, cùng bà con giải quyết các khó khăn. Họ chia nhau công việc, người thì tìm nguồn tài trợ, người thì đi thu gom thực phẩm, người khác đến các xóm trọ heo hút phát đồ ăn.

Nghệ thuật sẻ chia không phải là một thuật ngữ mới, mà là truyền thống tốt đẹp của mỗi nghệ sĩ Việt. Các nghệ sĩ đa số rất khó khăn, nhất là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng dường như họ rất ít than thở, mà luôn tìm cách cho đi, tìm cách bao bọc đồng bào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.