Nghệ thuật phân tích nhân vật trong tác phẩm 'Lão Hạc'

GD&TĐ - Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên chính là một minh chứng cho nét tài hoa của nhà văn Nam Cao trong xây dựng nhân vật.

Cô trò Trường THCS Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) thực hiện chuyên đề Ngữ văn 7. Ảnh minh họa: ITN.
Cô trò Trường THCS Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) thực hiện chuyên đề Ngữ văn 7. Ảnh minh họa: ITN.

Nam Cao là nhà văn đến muộn trong nền văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945, trong khi Nguyễn Công Hoan đã có nhiều truyện ngắn tiêu biểu; Ngô Tất Tố đã ghi dấu ấn với tiểu thuyết “Tắt đèn”; Vũ Trọng Phụng với “Giông tố”, “Số đỏ”…

Thế nhưng Nam Cao lại là một trong số những cây bút hiếm hoi của nền văn xuôi hiện đại có tư tưởng, phong cách và thi pháp sáng tạo độc đáo, có những cách tân lớn lao góp phần quan trọng vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

***

Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao không dài, chỉ gói trọn trong 15 năm (1936 - 1951) nhưng gia tài văn chương ông để lại cho hậu thế đã thành “mẫu số vĩnh hằng” trong nền văn học dân tộc.

Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, có sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc với những tư tưởng nhân văn cao đẹp, ý nghĩa hiện thực sâu sắc và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.

Đúng như nhà nghiên cứu Phong Lê đã nhận xét: “Sáng tác của Nam Cao là cả một kho trữ lượng bên trong, một kho của dư đầy… có thể đào xới vào rất nhiều tầng vỉa, và vẫn còn hứa hẹn nhiều vỉa mới”.

Nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý nhân vật là một trong những yếu tố góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo Nam Cao. Hướng ngòi bút vào thế giới bên trong của con người, miêu tả tâm lý trong chiều sâu của sự vận động và phát triển của nhân vật là cách thức nổi bật để nhà văn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về cuộc đời.

Điều đó xuất phát từ quan điểm nghệ thuật về con người của Nam Cao. Ông từng quan niệm: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: Có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao”.

Ông luôn đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hành động bên ngoài. Đối với Nam Cao, cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là bản thân sự kiện, biến cố mà là con người trước sự kiện, biến cố. Cho nên ông thường tập trung miêu tả, phân tích đời sống tinh thần con người.

***

Bìa tác phẩm 'Lão Hạc' của nhà văn Nam Cao. Ảnh: INT.

Bìa tác phẩm 'Lão Hạc' của nhà văn Nam Cao. Ảnh: INT.

Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên chính là một minh chứng cho nét tài hoa của nhà văn Nam Cao trong xây dựng nhân vật. Truyện ngắn ra đời năm 1943, khi lịch sử nước ta đang chìm trong đêm đen nô lệ, đất nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, xã hội thực dân nửa phong kiến ngột ngạt, tàn ác, giả dối, bất nhân chà đạp số phận con người, đặc biệt là người nông dân.

Truyện lấy bối cảnh cụ thể là một làng quê nghèo đói, lam lũ thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng trước Cách mạng tháng Tám. Nhân vật chính là lão Hạc, một nông dân nghèo. Lão góa vợ, chỉ có một đứa con trai. Con trai lão lớn lên không có tiền cưới vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su, để lại cho lão ba đồng bạc, một con chó làm bạn. Con đi rồi, lão quyết chí làm ăn, dành tiền cho con về cưới vợ.

Nhưng lão bị ốm nặng, làng bị bão, mất mùa, lão phải tiêu vào số tiền dành dụm. Đến bước đường cùng, lão bán cậu Vàng, gửi tiền, gửi văn tự khế ước ngôi nhà, mảnh vườn cho ông giáo - một người hàng xóm tốt bụng.

Sau đó lão ăn các món tự chế, từ chối sự giúp đỡ của ông giáo. Lão sang nhà Binh Tư xin bả chó khiến ông giáo thất vọng. Vài ngày sau, lão chết, một cái chết dữ dội. Cả làng không ai hiểu, chỉ có ông giáo và Binh Tư hiểu.

Nam Cao đã xây dựng các tình huống gay cấn, kịch tích để có thể đi sâu vào diễn tả nỗi băn khoăn, day dứt, dằn vặt, ân hận của Lão Hạc khi buộc phải bán chó. Ông đã sử dụng nhiều thủ pháp, nhiều phương tiện để miêu tả tâm lý nhân vật, tạo nên một chủ nghĩa tâm lý trong sáng tác văn chương.

Sức mạnh và chiều sâu của chủ nghĩa tâm lý nhân vật Lão Hạc là quá trình đấu tranh, sự chuyển hóa lẫn nhau của những mâu thuẫn, những mặt đối lập trong thế giới tâm hồn con người. Và ông đã miêu tả những diễn biến tâm lý của Lão Hạc là do hoàn cảnh quyết định để phản ánh hiện thực xã hội, qua đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Lão Hạc mang thân gà trống nuôi con, một đời làm ăn lầm lụi, cật lực mà không có nổi 200 đồng bạc cho con cưới vợ, cuối cùng đành mở to mắt nhìn con đi vào chỗ chết – đi mộ phu đồn điền cao su:

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo

Con đi rồi, chỉ một trận ốm thôi đã đẩy lão đến cảnh khốn cùng: “Một người, một chó, một ngày, ba hào mà ra sự đói deo, đói dắt”. Để chờ con trong vô vọng, người nông dân già nua, tội nghiệp ấy đã phải ăn những thức ăn không phải cho người: Củ ráy, củ chuối.

Lão phải sống một mình, chỉ biết làm bạn với cậu vàng. Cuối cùng, trong cô độc và tuyệt vọng, lão Hạc đã ăn bả chó để kết liễu cuộc đời, chính thức đặt dấu chấm hết cho một kiếp người còn khổ hơn kiếp một con chó. Hoàn cảnh của lão Hạc rất đáng thương, tuyệt vọng, là hoàn cảnh, bi kịch điển hình của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.

Nhưng cho dù bị đẩy đến đường cùng của hoàn cảnh và số phận, lão Hạc vẫn giữ cho mình một tâm hồn, một nhân cách sáng trong như ngọc. Trước hết là vẻ đẹp của lòng yêu thương trong cách đối xử với cậu Vàng. Con chó là kỷ vật duy nhất, kỷ vật buồn của người con trai để lại.

Con chó cũng nhắc nhở lão rằng mình là người cha không làm tròn bổn phận với con. Lão yêu thương con chó, lão xem nó là một người thân. Con chó bầu bạn, sẻ chia những nỗi lòng đau khổ cũng như hoàn cảnh hiu quạnh của lão. Lão gọi nó là Cậu Vàng, “như một bà hiếm gọi đứa con cầu tự”. Lão bắt rận, tắm, chửi yêu, nựng, cho nó ăn trong một cái bát như nhà giàu.

Thế rồi, bị hoàn cảnh đẩy đến đường cùng, lão đành phải bán chó trong day dứt và đau khổ tột cùng. Lão tự coi mình là một kẻ phản phúc, lừa đảo, lừa một con chó. Lão không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, lão khóc như một đứa trẻ: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại.

Những vết nhăn xô lại với nhau ép cho hai hàng nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên, cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Khóc xong lão lại cười, nước mắt ẩn trong những nụ cười se sắt ấy: Cười đưa đà, cười và ho sòng sọc, cười như mếu. Không khóc nữa lão đành cười vậy thôi.

Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của lão Hạc được thể hiện rõ nét qua tình yêu thương và đức hy sinh với đứa con trai. Dù góa vợ đã lâu lão vẫn ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa bởi lão sợ con khổ: “Bao giờ bánh đúc có xương, bao giờ mẹ ghẻ mà thương con chồng”.

Con lớn khôn rồi, những tưởng sẽ dựng vợ gả chồng cho nó, nào ngờ đâu thân làm cha như lão không lo nổi cho con một đám cưới, để con phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Con đi rồi lão đã khóc không còn ra nước mắt. Trái tim người cha già nua tội nghiệp ấy tan nát theo từng bước chân con khi biết “ảnh của nó người ta chụp, thẻ của nó người ta giữ, nó đã là người của người ta rồi còn đâu là con tôi nữa”…

Lão vô vọng chờ đợi đứa con lưu lạc nơi chân trời góc bể mà chưa biết đến ngày về. Trong mọi câu chuyện với ông giáo, kể cả với cậu Vàng lão đều nhắc đến đứa con trai. Lão không nỡ bán cậu Vàng bởi đó là sợi dây kết nối lão với đứa con trai đang lưu lạc. Con đi rồi, ngày đêm lão rì rầm tính toán, bòn tiền cho con. Lão nghiêm khắc với chính bản thân mình: “tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu”.

Nhưng rồi trời không thương lão, đẩy lão đến bước đường cùng, buộc lão phải lựa chọn – những lựa chọn vô cùng nghiệt ngã. Cuối cùng vì con lão đành bán chó, vì con lão đành ăn món tự chế.

Cuối cùng, cũng là vì con lão không thể bán lương tâm mà đi theo Binh Tư trộm chó, cũng không thể bán lòng tự trọng để gây phiền nhiễu cho người bạn cố tri – ông giáo; và dĩ nhiên lão càng không thể bán đi một tấc của mảnh vườn thiêng mà vợ chồng lão đã dành dụm cả đời. Và thế là vì con, vì để trọn đạo làm cha, trọn đạo làm người lão đã chọn cái chết.

Không chỉ là 1 người nông dân giàu tình yêu thương, giàu đức hy sinh, lão Hạc còn là người nông dân giàu lòng tự trọng. Sau ốm đau bệnh tật, lão yếu người đi ghê lắm nhưng lão quyết không tranh việc của những người đàn bà trong làng bởi vì chính con họ cũng sẽ đói.

Lão đã ăn giống như người không có một xu bạc nào để dành đến 30 đồng bạc trắng lo liệu ma chay cho mình, khỏi phải phiền lụy đến hàng xóm. Có thể nói 30 đồng bạc cuối cùng ấy là 30 đồng lấp lánh của lòng tự trọng.

Cho đến khi kề cận cái chết, lão dứt khoát giữ thiện lương trong sáng của mình, quyết từ chối đến mức gần như hách dịch sự giúp đỡ của một người nhân hậu như ông giáo, càng không thể theo gót Binh Tư để kiếm cái ăn. Khi buộc phải kết liễu đời mình, lão Hạc đã chọn cái chết bằng bả chó – một cái chết đau đớn, dữ dội, quằn quại.

Lão muốn tạ lỗi với cậu Vàng. Lão không quên mình là một người cha chưa làm tròn bổn phận nên chết để giữ vườn, giữ nhà cho con. Lão càng không quên mình là người đưa cậu Vàng vào chỗ chết nên phải đáp lại bằng cái chết như một con chó. Lòng tự trọng của lão như bức một bức thành trì kiên cố mà khổ đau, đói rét không thể nào khuất phục nỗi.

Tạo hình nhân vật Lão Hạc. Ảnh: ITN.

Tạo hình nhân vật Lão Hạc. Ảnh: ITN.

***

Ngoài ra, trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn đã xây dựng các nhân vật người nông dân khác. Đó là con trai của Lão Hạc, một người nông dân cùng quẫn, phẫn uất, nhắm mắt đưa chân vào chỗ chết – mộ phu đồn điền cao su; nuôi ảo vọng làm giàu; vợ ông giáo một người nông dân nghèo đói nên trở nên tầm thường, ích kỷ, nhìn đời phiến diện một chiều; Binh Tư, một người nông dân nghèo đói, túng quẫn mà phải tha hóa về nhân cách, phải làm nghề bất lương để sống qua ngày.

Nhà văn cũng đã đặt nhân vật trong những sự lựa chọn nghiệt ngã để từ đó giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hiện thực xã hội, những bi kịch tinh thần trong khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng.

Mặc dầu viết về đề tài người nông dân nhưng ông giáo xuất hiện trong tác phẩm cũng là một nhân vật quan trọng. Diễn biến tâm lý của ông giáo không rõ nét như ở nhân vật Lão Hạc nhưng Nam Cao cũng đã đặt ông giáo vào một quá trình phát triển diễn biến tâm lý sâu sắc.

Với ngôi kể thứ nhất - nhân vật tôi trở thành hình tượng người trí thức nghèo tiểu tư sản, người thay mặt cho nhà văn Nam Cao phát biểu tư tưởng, quan điểm của mình. Ông giáo điển hình cho bi kịch của một người trí thức nghèo: Đó là bi kịch của tuổi trẻ đầy cao vọng, tuổi 20 trong trẻo, biết yêu và biết nhớ nhưng bị áo cơm ghì sát đất, vỡ mộng trong đau đớn, bị chôn vùi tài năng nơi quê nghèo thê thảm.

Như vậy, qua “Lão Hạc”, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Và nổi lên trong bức tranh ấy là hình tượng những người nông dân hiền lành, lương thiện bị tước đoạt quyền sống.

Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi”.

Niềm cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân, những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, tin ở con người, tin ở bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người, nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình cũng được đặt ra trong tác phẩm.

Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả bao trùm sáng tác của ông. Chủ nghĩa nhân đạo thống thiết đã chi phối và quyết định những bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Chính điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo, giọng điệu riêng trong tác phẩm của Nam Cao mà hiếm có nhà văn nào đạt được.

Trong bài viết “Nhà văn và quá trình sáng tạo”, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà đã khẳng định: “Nghệ thuật thực sự đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên thời gian - lịch sử”.

Quả thực, tài năng và sự thông minh, lòng trắc ẩn, những cảm xúc sâu sắc cùng với vốn sống sâu sắc là phẩm chất không thể thiếu đối với một nhà văn chân chính. Nói khác hơn, chữ tâm và chữ tài luôn cần có sự hài hòa, thống nhất làm một. Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực hội tụ đủ các phẩm chất đáng quý đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.