Nghệ thuật hoá đồ án tốt nghiệp để lan toả điều thiện

GD&TĐ - “Đêm trong rừng ngập mặn” - một triển lãm nhiếp ảnh phát triển từ đồ án tốt nghiệp đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới sinh viên và công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Mỗi câu chuyện trong triển lãm đều khơi gợi tính thiện của người xem.
Mỗi câu chuyện trong triển lãm đều khơi gợi tính thiện của người xem.

Đây là dự án nối tiếp từ đồ án tốt nghiệp ngành Kiến trúc cảnh quan (Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) của nghệ sĩ trẻ Chiron Dương, về thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên văn hóa rừng ngập mặn.

Khơi gợi tính thiện

Diễn ra tại Nam Thi House (Thành phố Hồ Chí Minh) đến ngày 17/4, “Đêm trong rừng ngập mặn” là triển lãm ảnh cá nhân hiếm hoi tiến hành bán vé vào cửa. 15% doanh thu bán vé sẽ được đóng góp vào dự án “Forest symphony” nhằm chung tay trồng rừng ngập mặn trên 50ha đất bãi bồi tại tỉnh Sóc Trăng.

Với 65 tác phẩm trưng bày, tác giả dẫn dắt người xem đến với hành trình tìm hiểu từ sinh học thực vật đến giá trị văn hóa tinh thần của rừng ngập mặn. Công chúng được trải nghiệm, suy tư qua 6 chủ đề: Khi tôi là cây ngập mặn, Hành trình đến vùng đất của những người hùng thầm lặng, Hơi thở sau cùng, Cây ngập mặn cuối cùng, Vị của đất mặn - Tam vị Tam công, Đêm trong rừng ngập mặn.

Điều đặc biệt, Chiron Dương đã dùng chính hình ảnh con người để thể hiện sự phát triển của cây và hành trình phát triển, không gian sinh thái rừng ngập mặn. Qua đó, tác giả muốn truyền tải thông điệp về mối quan hệ giữa con người - thiên nhiên, môi trường - sự sống.

Anh chia sẻ: “Đây chỉ là một phần nhỏ trong đồ án về thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên văn hóa rừng ngập mặn. Sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, tôi tiếp tục ấp ủ đề tài này và mong muốn chuyển tải câu chuyện của rừng đến với cộng đồng”.

Với Chiron Dương, bản thân các tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh không phải lời kêu gọi bảo vệ môi trường. Cũng không phải lời cổ động trồng rừng hay trở thành một biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường. Các tác phẩm trong dự án này khi được kết hợp với thiết kế đồ họa và hệ thống nhận diện, sẽ kể cho công chúng câu chuyện về những điều tốt thiện lành được lan tỏa trong mỗi người.

“Bản thân là một nhiếp ảnh gia và kiến trúc sư cảnh quan, nhưng tôi luôn trăn trở làm sao nghệ thuật sẽ có tác dụng hữu hiệu trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, tôi đã dùng nhiếp ảnh là chất xúc tác kết hợp mô hình đa lĩnh vực: Thiết kế, giáo dục, kiến trúc, môi trường… để lan tỏa tính thiện”, Chiron Dương cho biết.

15% doanh thu bán vé “Đêm trong rừng ngập mặn” sẽ được đóng góp vào dự án trồng rừng ngập mặn.

15% doanh thu bán vé “Đêm trong rừng ngập mặn” sẽ được đóng góp vào dự án trồng rừng ngập mặn.

Giáo dục quyết định văn minh

Chiron Dương dẫn dắt công chúng vào hành trình bằng những câu chuyện của rừng, để rồi hóa thân hòa nhập và len lỏi giữa chằng chịt cây – rễ. Các bức ảnh gắn kết chặt chẽ bởi nghệ thuật sắp đặt có chủ đích, khiến người xem như lạc vào giấc mơ. Khi nhận ra bóng dáng tâm hồn của một khu rừng, cũng là lúc cảm nhận được sự giao thoa giữa tâm hồn con người với khu rừng.

Chiron Dương sinh năm 1996, là một nhiếp ảnh gia và kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam. Nghệ sĩ trẻ từng nổi tiếng với các tác phẩm nhiếp ảnh thời trang từ nền văn hóa truyền thống Việt Nam, cũng như các quốc gia châu Á khác.

Chiron Dương truyền tải những cảm giác bí ẩn về văn hóa dân gian, đức tin và tôn giáo trong đời sống Á Đông thông qua những bức ảnh giao thoa văn hóa Đông - Tây. Anh nhận giải Đặc biệt của Cuộc thi “Prix Picto De la Mode 2020” tại Pháp và được triển lãm thành công tại quốc gia này.

Năm 2020, trong quá trình hoàn thành đồ án tốt nghiệp, Chiron Dương trăn trở về những vấn nạn đe dọa sự sinh tồn của rừng ngập mặn trên khắp Việt Nam. Dự án được anh lấy cảm hứng thị giác từ chính các cánh rừng đước vùng Tây Nam Bộ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thực trạng, vai trò sinh học cũng như giá trị văn hóa của mảng thực vật đặc hữu.

Những thông tin về biến đổi khí hậu đến với người trẻ thường chỉ nổi lên ở vài thời điểm nhất thời, như hạt cát giữa sa mạc thông tin. Và những vấn đề về biến đổi khí hậu diễn ra ở đâu đó khá xa vời. Nhưng chúng ta đang đối mặt với hiện thực rằng, diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đã giảm 20 - 35%. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng từ nước biển dâng.

“Với tôi, giáo dục có vai trò quyết định trong phát triển văn minh nhân loại. Thế hệ đi trước có trách nhiệm truyền dạy lại kiến thức cho thế hệ đi sau. Với mong muốn nối tiếp đồ án cá nhân, cũng là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những vấn đề về rừng ngập mặn, dù nhỏ bé”, Chiron Dương tâm sự.

Có thể nói không gian triển lãm “Đêm trong rừng ngập mặn”, khi được nghệ thuật hóa từ đồ án tốt nghiệp đã phối hợp nhịp nhàng yếu tố cảnh quan và nghệ thuật. Không gian trưng bày gồm 6 chủ đề nối tiếp nhau trong một đồ thị hình sin, những đường chuyển uốn lượn đưa người xem đi qua đời cây, đến những biến cố môi trường bị con người hủy hoại, hiện lên rực rỡ dưới hình hài của các vị thần phương Đông.

Bàn tay sắp đặt của tác giả được thể hiện rất rõ trong những bức ảnh. Anh tạo nên một bàn chơi ô ăn quan, đặt con tôm và cây đước vào 2 ô quan. Trò chơi này kết thúc khi con tôm thế chỗ cây đước, như cách những hồ nuôi tôm nhân tạo đã tước đi không gian sống của rừng ngập mặn.

Các tác phẩm của Chiron Dương đều được lồng ghép nhiều lớp ẩn dụ dày đặc. Dù nhiếp ảnh gia nhận rằng triển lãm thiên về giáo dục tầm quan trọng của rừng ngập mặn, không khó để thấy sự tinh tế của anh khi lắp ghép đời sống con người và cây cối.

Tác giả mở ra triển lãm bằng một câu thơ lặp đi lặp lại: Khi tôi là một cái cây ngập mặn/ Tóc tôi sẽ là những tán lá/Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Chân tôi sẽ là những rễ cây/Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Điều kỳ diệu diễn ra bên trong cơ thể...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ