Lê Giang là một nghệ sĩ trẻ nổi tiếng không chỉ ở trong nước, cô còn được giới nghệ thuật thế giới biết tới với những tranh đấu về môi trường.
Các tác phẩm của cô được thể hiện dưới nhiều hình thức: Sắp đặt, điêu khắc và hội họa với đối tượng là các tạo tác văn hóa hoặc những công trình kiến trúc, tự nhiên.
Phong thuỷ “ăn mòn” thiên nhiên
Lê Giang sinh năm 1988 tại Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa Giáo dục Nghệ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng thạc sĩ Mỹ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật Luân Đôn. Điểm khởi đầu trong quan điểm của Lê Giang là câu hỏi về vai trò của con người trong tự nhiên và cấu trúc xã hội.
Bị hấp dẫn bởi Utopia – một nơi không có con người sinh sống, việc thực hành của Lê Giang cố gắng nghiên cứu và miêu tả thiên nhiên phản ứng như thế nào với sự biến mất của loài người. Những di sản còn lại của con người là gì và hình thức cuộc sống nào sẽ diễn ra? Lê Giang tìm hiểu những dụng cụ khác nhau khi cô thực hành, đặc biệt là những vật chất trong suốt như thủy tinh và thủy tinh hữu cơ.
Lê Giang bật mí, sắp tới cô sẽ có một triển lãm cá nhân (hiện chưa có tiêu đề), truy vấn nguyên tố đất, nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa niềm tin tâm linh và tiêu thụ vật chất.
Suốt một năm qua, nữ nghệ sĩ đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về hiện tượng phong thuỷ ở Việt Nam. Cô thông qua những hợp tác với các nhà nghiên cứu văn hoá, nhân học, sử gia cũng như qua các trao đổi với những người đào đá, buôn đá và cộng đồng bản địa ở Yên Bái.
Lê Giang nhận ra rằng, những người ở gần các mỏ đá quý thì cuộc sống và số phận của họ luôn bị ảnh hưởng và định đoạt bởi niềm tin tâm linh cùng giá trị kinh tế từ những viên đá quý.
Qua những lần thực địa, Lê Giang tò mò về lý do và cách thức mà thiên nhiên được gán cho trạng thái “thiêng” mang tính thần thánh. Để rồi từ đó, người ta tìm cách tàn phá, moi móc từ đất những khoáng sản như đá quý và chế tác chúng thành những sản phẩm phong thuỷ để bán cho những khách hàng tin tưởng chúng có năng lượng tốt.
Đặc biệt, tại các địa danh như Lục Yên, Văn Chấn (Yên Bái), nơi có mỏ đá quý nổi tiếng đã và đang chịu sự bòn rút khủng khiếp từ con người. Từ đó, Lê Giang muốn đặt ra những câu hỏi về vẻ đẹp và bạo lực trong tương quan phong thuỷ. Ở một nền văn hoá nơi người ta tin rằng tranh, điêu khắc khảm đá quý đem đến năng lượng tích cực, sức khoẻ và thịnh vượng, thì Trái đất sẽ còn lại gì?
“Các tác phẩm trong triển lãm này vẫn đang trong quá trình sản xuất, nhưng sẽ đặt vấn đề với phương pháp và mạch dẫn như trên cũng như sử dụng đa dạng chất liệu khác nhau”, nữ nghệ sĩ cho hay.
“Tàn chỉ” hay sự tàn phá của con người?
Năm 2020, quán quân của chương trình nghệ sĩ lưu trú “Tương hỗ” do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp tại Paris tài trợ, nghệ sĩ Lê Giang đã thực hiện triển lãm “Nước xanh non biếc”. Với cách thực hành độc đáo, triển lãm này đem đến nhiều cảm xúc cho công chúng yêu nghệ thuật.
Đến với những bức tranh màu trắng khổ nhỏ treo trên nền tường trắng, người xem cần dừng lại lâu hơn và dành nhiều tâm sức hơn để theo đuổi những dòng suy nghĩ của nghệ sĩ về vùng đất Đông Dương xưa. Các tác phẩm được thực hiện dựa trên tư liệu ảnh của các sự kiện diễn ra tại công trình kiến trúc đình Thủ Dầu Một tại Vườn nông học Nhiệt đới Paris. Điểm đặc biệt trong thực hành trong “Nước xanh non biếc” của Lê Giang là kỹ thuật in dập nổi.
Trước đó, Lê Giang mang đến cho công chúng một triển lãm về đình làng Bắc Bộ Việt Nam mang tên “Tàn chỉ”. Triển lãm được ví như cuộc truy tìm dấu vết của một vùng đất qua những tàn dư còn sót lại.
Các tác phẩm trong triển lãm “Tàn chỉ” gồm: Điêu khắc sắp đặt đình làng, ván khắc, trích đoạn Bản quốc tàn chỉ bi ký lục, tác phẩm tranh vẽ lược đồ sự chuyển dòng của sông Hồng… được dựng lại dựa theo sự truy vấn, đối chiếu tỉ mỉ.
Từ chu kì đổi dòng của sông Hồng không chỉ ảnh hưởng tới vị trí các công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, mà còn tác động đến vai trò của đình làng trong đời sống xã hội, tinh thần tín ngưỡng của các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ.
Nói về tác phẩm điêu khắc sắp đặt đình làng, nghệ sĩ cho biết, sau nhiều chuyến điền dã ở châu thổ sông Hồng, cô quyết định chọn ngôi đình thời Hậu Lê tại Đông Anh (Hà Nội) để làm cảm hứng để sáng tác.
Đó là giai đoạn lịch sử mà ngôi đình được đề cao và trở thành trung tâm văn hoá làng. Đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt, đời sống của người dân làng (lễ hội, tập trung hội họp...), và là nơi gửi gắm tâm tư, suy nghĩ, ước vọng của con người về thiên nhiên tạo hoá.
Đau đáu trước thực tại những tập tục sinh hoạt tại những ngôi đình biến đổi và mai một dần, nhiều ngôi đình nếu không cũ mọt chờ ngày đổ sập, thì cũng dần biến dạng về kiến trúc bởi bàn tay thô bạo từ con người.
Các tác phẩm trong triển lãm là một sự nỗ lực để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể định vị được bản thân trong hiện tại và suy tưởng về tương lai khi những bằng chứng vật chất của lịch sử đang ngày một biến mất?