Nghệ thuật gây quỹ xây nhà cho người nghèo

GD&TĐ - Điều thiện không chỉ là chân lý nghệ thuật, mà còn là chân lý cuộc sống - đó cũng là lý do để các họa sĩ hướng nghệ thuật tới người nghèo.

Đại diện 'Quỹ gieo nhà gặt nhà' trao nhà cho người nghèo tại Quảng Nam và Huế.
Đại diện 'Quỹ gieo nhà gặt nhà' trao nhà cho người nghèo tại Quảng Nam và Huế.

Chương trình nhỏ, thay đổi lớn

21 họa sĩ chuyên nghiệp cùng 32 bức tranh đóng góp cho chương trình triển lãm trực tuyến “Xuôi dòng sông Thu 2023” với mục đích quyên góp xây dựng nhà cho người nghèo miền Trung. Đây là một trong những triển lãm do “Quỹ gieo nhà gặt nhà” thực hiện với chất lượng tác phẩm gây tiếng vang trong nhiều năm qua.

Ngày 2/11, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết triển lãm “Xuôi dòng sông Thu 2023” được tổ chức trực tuyến trong thời gian 7 ngày từ 2 - 9/11 trên website xuoidongsongthu.com, Facebook của nhóm Vietnam Art Space, All about Art and Artists và trang cá nhân của họa sĩ Ngô Trần Vũ.

Mục tiêu của chương trình là quyên góp được 500 triệu đồng từ tiền bán tranh, tương đương 50% giá trị tác phẩm để xây 10 căn nhà cho người nghèo ở Quảng Nam và Huế. Được thành lập từ năm 2018 do họa sĩ Ngô Trần Vũ khởi xướng, đến nay “Quỹ gieo nhà gặt nhà” đã quyên góp thành công hơn 3 tỷ đồng, xây hơn 70 căn nhà cho người nghèo tại Quảng Nam và Huế với kinh phí 50 triệu đồng/căn.

Theo họa sĩ Ngô Trần Vũ, với tâm niệm chương trình nhỏ - thay đổi lớn. Các nghệ sĩ chỉ thực hiện đúng và đủ sứ mệnh xây nhà cho người nghèo để thay đổi hoàn cảnh sống của từng gia đình ở Quảng Nam và Huế. Tuy nhiên, việc hỗ trợ xây nhà bé nhỏ đó có thể làm thay đổi với nhiều thế hệ tiếp theo của gia đình khi được sống dưới mái nhà an toàn, khang trang.

Tham gia triển lãm “Xuôi dòng sông Thu 2023” có giám tuyển Ngô Kim Khôi và 21 họa sĩ đến từ 3 miền Bắc – Trung – Nam, như: Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Đinh Ngọc Thắng, Đoàn Quốc, Hồng Quân, Nguyễn Minh Tâm, Huỳnh Bảo, Lâm Nguyệt Hà, Phan Niệm, Trần Thảo Hiền, Võ Thành Thân, Bùi Văn Tuất, Cao Thục, Doãn Hoàng Lâm, Mai Xuân Oanh, Hùng Rô, Lê Đức Tùng, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Văn Đức, Vũ Thái Bình… với nhiều phong cách đa dạng tạo nên một cuộc thưởng lãm trực tuyến đầy sắc màu.

Họa sĩ Ngô Trần Vũ chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam một cuộc thưởng lãm tranh trực tuyến mãn nhãn với những tác phẩm được tuyển chọn do các họa sĩ chuyên nghiệp thể hiện. Thông qua triển lãm trực tuyến, nhà sưu tập tranh có thể tìm hiểu thêm các họa sĩ tài năng, hình thành nhu cầu sưu tầm tranh và góp phần phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam”.

Chân dung 'Em bé Tây Bắc' của họa sĩ Bùi Văn Tuất.

Chân dung 'Em bé Tây Bắc' của họa sĩ Bùi Văn Tuất.

Những bức tranh nổi bật tính thiện

Tại triển lãm “Xuôi dòng sông Thu 2023”, họa sĩ Lê Kinh Tài giới thiệu tác phẩm sơn dầu vẽ về đề tài Hội An với bút pháp mạnh mẽ, màu sắc dày nhưng rất trong sáng, khó tìm được ở những họa sĩ khác. Lê Kinh Tài là một trong những họa sĩ đương đại Việt Nam với những bức tranh tiền tỷ thu hút sự quan tâm của giới sưu tập trong và ngoài nước.

Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương với tác phẩm “Thu xao xuyến”, đề tài và phong cách xứng đáng là một trong 10 nghệ sĩ trên toàn thế giới được chọn lựa để đồng hành cùng Apple trong chiến dịch “Start Something New” năm 2016 nhằm mục đích quảng bá và tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trên nền các thiết bị công nghệ của hãng này như iPhone, iPad, Apple Pencil và iMac.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn mang đến triển lãm một tác phẩm tranh lụa “Tuổi mộng mơ”. Là người con đất Quảng, Bùi Tiến Tuấn đã tích cực đóng góp nhiều năm cho “Quỹ gieo nhà gặt nhà” để mang đến cho người nghèo trên quê hương xứ Quảng những mái ấm bằng những tác phẩm quan trọng trong bộ sưu tập tranh gây quỹ.

Với hành trình đầy đam mê với lụa và bằng một phong cách riêng biệt, Bùi Tiến Tuấn là một trong những tên tuổi gây ấn tượng với mỹ thuật đương đại Việt Nam, có hấp lực đặc biệt với thị trường sưu tập trong và ngoài nước.

Họa sĩ Mai Xuân Oanh với tác phẩm “Mùa xuân Tây Bắc” diễn tả tình yêu thiên nhiên với một nét đẹp diệu kỳ và màu nhiệm. Khung cảnh làng quê yên bình trong không gian thênh thang đầy hoa cỏ dại, bát ngát trời xuân trên những mái nhà rơm điểm xuyết vài nhành hoa trắng rất nên thơ của quê hương diễm mộng. “Tình yêu quê hương là cái gì đó rất tự nhiên trong mỗi con người chúng ta”, họa sĩ Mai Xuân Oanh cho biết.

Tác phẩm 'Mùa xuân Tây Bắc' của Mai Xuân Oanh.

Tác phẩm 'Mùa xuân Tây Bắc' của Mai Xuân Oanh.

Họa sĩ Ngụy Đình Hà tham gia với bức tranh “Tình xuân đón đợi” vẽ chân dung những cô gái vùng cao có bảng màu tương phản rực rỡ. Với phong cách sáng tạo độc đáo, chuyên chở tâm tình hồn nhiên, chân thành thiếu nữ vùng cao, xúng xính trong trang phục đặc trưng về văn hóa đặc sắc, bức tranh mang đến cho khách thưởng ngoạn những xúc cảm ấm áp.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất mang đến một bức chân dung “Em bé Tây Bắc” có ánh nhìn trong sáng mang dáng vẻ hoang dại ngơ ngác đặc trưng và cái tinh nghịch, bướng bỉnh, ngây thơ trong trẻo của tuổi thơ mà mình tìm thấy. Mỗi bức tranh là một cuộc phỏng vấn giữa Tuất và em nhỏ các dân tộc ở Đông Bắc và Tây Bắc.

Nhìn bức chân dung “Em bé Tây Bắc”, bâng khuâng trong đầu người xem những câu hỏi mông lung như trong thơ Nguyên Sa: “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?/ Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba/… Lòng vẫn ngỡ ngàng: Tóc ướp bằng thơ/ Sao hương sắc lên mắt nhìn thi tứ?”.

Họa sĩ Lê Đức Tùng tham gia với tác phẩm sơn mài “Xuân về” với kích thước lớn vẽ cảnh thanh bình mùa Xuân. Pha trộn phong cách hiện đại trong chất liệu truyền thống, “Xuân về” mang một góc nhìn đa chiều cả về giá trị văn hóa lẫn nét đẹp sẵn có của thiên nhiên, họa sĩ đã rất thành công trong một bố cục có chiều sâu và tràn đầy ý thơ.

Họa sĩ Võ Thành Thân đem đến công chúng tác phẩm “Phú Văn Lâu” được cô đọng gói ghém trong một tờ giấy kính màu. Phải chăng nghệ sĩ muốn nói lên những thân phận dù chắc chắn, hùng vĩ nhưng cũng có thể mỏng manh, yếu đuối, nâng niu trong những nếp gấp dịu dàng dễ vỡ?

“Trong 5 năm qua, từ một quỹ tự nguyện của gia đình với số tiền 30 triệu đầu tiên cộng hưởng với sự đồng hành của nhiều người đã kéo dài hoạt động của một chương trình nhỏ làm thay đổi lớn với hơn 70 gia đình tại Quảng Nam và Huế.Con đường phát triển “Quỹ gieo nhà gặt nhà” trong 5 năm tiếp theo còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đã trải qua một đợt gây quỹ rất thấp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vào tháng 6/2023, toàn bộ triển lãm tranh chỉ quyên góp được 104 triệu và xây được 2 căn nhà cho người nghèo tại Quảng Nam” - Họa sĩ Ngô Trần Vũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ