Nghệ sĩ của làng quê

Nghệ sĩ của làng quê

(GD&TĐ) - Là một nghệ hài nổi tiếng nhiều năm nay trên sân khấu cả nước, đặc biệt là các sân khấu kịch tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như trên các phim mà anh đã tham gia, Trung Dân đã tạo cho mình một phong cách diễn xuất khá riêng, khá đặc biệt và có thể nói là khá độc đáo, hầu như là không “đụng hàng” với bất cứ nghệ sĩ nào. 

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ, Trung Dân đã khao khát trở thành một nghệ sĩ. Hồi học cấp 3 vì mê cách diễn của danh hài người pháp Louis de Funès mà anh luôn nuôi khát vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành nghệ sĩ và có cách diễn tương tự danh hài này. Ngoài ra, một người nữa được xem là hình mẫu diễn viên được anh kính trọng và khâm phục trong cách diễn là diễn viên Tư Rọm. Theo anh, diễn viên Tư Rọm không hề dùng hình thức cường điệu để tạo ra một cách cười dễ dãi mà luôn dùng ngôn ngữ để khi nói ra là mọi người thấm thía, cười ngay…

Nghệ sĩ Trung Dân
Nghệ sĩ Trung Dân

Do đam mê nghệ thuật, Trung Dân quyết định thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II, nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Suốt mấy năm học, anh luôn tạo được sự chú ý rất lớn từ thầy cô và bạn bè với lối diễn khá độc đáo, chủ yếu là dùng ngôn ngữ để tạo ra tiếng cười mỗi khi vào giờ thực hành.

Trung Dân tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu II vào năm 1992, với vai diễn trình làng đầu tiên, được phát sóng trên Đài truyền hình TP.HCM là Mười hớt tóc, trong vở kịch Dưới bóng cây bồ đề. Có thể nói từ sau vai diễn đầu tay này, anh đã tạo được ấn tượng khá sâu sắc và sự chú ý khá lớn từ các đạo diễn cho đến khán giả, bởi khả năng diễn xuất tốt, linh hoạt và khá riêng, khá độc đáo. Từ đó, hình ảnh của một danh hài Trung Dân xuất hiện ngày càng nhiều tại các sân khấu ở TP.HCM và cả nước.

Nghệ sĩ Trung Dân tâm sự: “Dù hiện nay đã đạt được những thành quả bước đầu trên con đường nghệ thuật, nhưng tôi vẫn mãi là tôi, tôi vẫn là một người con của đồng ruộng, của một miền quê nghèo… Chính cái miền quê ấy, cùng sự chân tình của những người nông dân đã giúp cho tôi có được những vai diễn rất thực”.

Gần 20 năm trong nghề, nghệ sĩ hài Trung Dân đã phấn đấu không biết mệt mỏi cho nghệ thuật, anh luôn tìm hướng đi riêng cho mình, nhằm tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực hài. Và điều này đã giúp cho anh nhanh chóng khẳng định được mình trong lòng khán giả và người hâm mộ.

Gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực hài kịch, cũng như phim trường, nhưng không dừng lại ở đó, Trung Dân còn thể hiện mình là một người khá đa năng trong nhiều vai trò như: viết văn, vẽ, biên kịch…

Trung Dân trong một vở diễn
Trung Dân trong một vở diễn

Về chuyện viết, Trung Dân nói: “Tôi chỉ là một người viết văn nghiệp dư, chỉ thích kể những điều mình đã thực hiện được và đồng thời có sự kiểm nghiệm của thực tế, của bạn đọc. Dự kiến vào năm tới, tôi sẽ xuất bản những tác phẩm mà tôi đang ôm ấp, và khi đó tôi hy vọng sẽ được đông đảo bạn đọc ủng hộ và đóng góp ý kiến. Bản thân tôi tìm đến với trang viết là để trải lòng với cuộc sống, để vơi đi những nỗi muộn phiền, chứ không vì mục đích sinh lợi cá nhân như bao người vẫn nghĩ. Chính vì thế, nhân vật trong những tác phẩm này cũng chỉ đề cập đến cuộc sống làng quê, đến những người nông dân nghèo khổ, chân thực. Tôi vẫn thường nghĩ: Chính những vai diễn của mình đã thể hiện được nội tâm và cuộc sống của người nông dân, nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ và tôi nghĩ chỉ có trang viết mới giúp tôi thể hiện hết cuộc sống thực của những người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương”.

Có thể nói nghệ sĩ hài Trung Dân là một người khá đặc biệt trong số những người tìm đến với hội họa. Anh thích vẽ tranh từ những năm học cấp II, nhưng những tác phẩm hồi niên thiếu ấy chủ yếu là dùng chất liệu từ than, vì anh ở nông thôn nên than củi khá nhiều. Rồi sau này, anh chọn cho mình con đường hài kịch, chứ không phải là hội họa, nhưng đã là niềm đam mê thì không thể bỏ. Những lúc rảnh rỗi, anh lại tìm đến với nét vẽ, với những lọ sơn dầu. Anh kể: “Tôi tìm đến với nét vẽ không vì mục đích ‘cơm áo gạo tiền’ mà chỉ đơn giản là để thư giãn và thỏa niềm đam mê, sáng tạo”.

Trong khi nhiều nghệ sĩ khác, sau những giờ diễn, thường tìm đến với các quán bar, vũ trường hay nhâm nhi những giọt đắng cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp, Trung Dân lại tìm đến cho mình một niềm vui khác, một cách thư giãn khác và một không gian hoàn toàn yên ắng.

Anh kể: “Vì tôi là một người con của đồng ruộng, của làng quê nghèo nên hầu như lúc nào cũng mang dáng dấp của một anh nông dân. Tôi chỉ thích tìm đến cho mình một không gian sống thật tĩnh lặng, những cảnh quan của làng quê và chỉ thích những luống rau xanh, những trái bầu đung đưa. Sống giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp nhưng cũng không ít ngột ngạt này, tôi như chưa thể hòa nhịp và lúc nào cũng mong muốn trong nhà mình có một không gian của làng quê”. Chính vì những suy nghĩ này mà Trung Dân đã dành riêng sân thượng ngôi nhà của mình trên đường Đinh Tiên Hoàng chỉ để trồng từ ớt, cải, cúc cho đến đậu đũa và những giàn bầu đong đưa… Bước vào ngôi nhà của anh, mọi người khá ngạc nhiên trước cảnh quan của một làng quê, anh đã mang cả không gian sống tĩnh lặng của vùng nông thôn ngày nào vào trong ngôi nhà xinh xắn của mình. Anh nói: “Mình là dân quê, dù đi đâu và ở đâu thì cũng không nên thay đổi nó quá nhiều, quê đâu có gì là xấu, nông dân đâu có gì là xấu mà ngược lại họ chính là những người hiền lành và chất phác đáng trân trọng. Chính cách sống này đã giúp cho tôi có được những phút giây thật yên tĩnh để cho ra đời những vở diễn sâu sắc và gần gũi với công chúng hơn”.

Thanh Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ