Nghề rèn Nam Sơn (Hà Nội): 300 năm vẫn đỏ lửa

GD&TĐ - Với người dân thôn Nam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội), nghề rèn không chỉ là chiếc “cần câu cơm”, mà còn là nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Chính vì vậy, trước thực trạng nghề truyền thống này đang dần bị mai một, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn nỗ lực “sống chết” với nghề.

Sản xuất nông cụ
Sản xuất nông cụ

Nức tiếng một thời

Dịp này, lúa khắp ruộng trong, đồng ngoài của làng Nam Sơn đang lên xanh mơn mởn. Tiếng búa, tiếng đe hòa nhịp với âm thanh ngày mới đưa chúng tôi vào miền đất của những người thợ rèn. Chất phác đến thô cứng như sắt thép nhưng cũng không kém phần tài hoa, đặc biệt, khi nói về việc bảo tồn, phát huy nghề rèn truyền thống của quê hương, ai cũng tâm huyết, hừng hực như hoa của thép, như lửa trong lò...

Nâng chiếc búa tạ trên đôi tay gân guốc, đặc trưng của những người thợ lành nghề “thâm niên”, ông Lăng giáng những nhát búa chắc nịch vào chiếc liềm đỏ lửa trên đe. Hoa lửa bắn xa xung quanh. Khung cảnh như một bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống lao động sản xuất nơi thôn quê. Dừng tay lau mồ hôi đọng thành giọt trên trán, ông Lăng chia sẻ: “Đúng là hiện tại chẳng mấy người ham cái nghề vất vả này, vừa nặng nhọc vừa chẳng có mấy thu nhập. Nhưng cũng còn nhiều gia đình tâm huyết với nghề lắm. Như tôi đây, đã gắn bó với lưỡi rựa, lưỡi liềm… từ hơn 30 năm nay mà vẫn chưa chán. Nghề rèn gắn với chúng tôi như máu thịt”.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề rèn ở thôn Nam Sơn đã có cách đây trên 300 năm. Vào lúc thịnh vượng nhất, cái nghề hằng ngày tiếp xúc với lửa và kim loại còn nhiều hơn ánh mặt trời này đã nuôi sống gần 400 khẩu của hơn 70 hộ dân địa phương. Cũng nhờ vào nghề rèn truyền thống, rất nhiều người tài giỏi có cơ hội vươn xa, cống hiến công sức góp phần xây dựng quê hương đất nước. Từ chính nơi đây, những bàn tay tài hoa đã chế tạo không biết bao nhiêu nông cụ cầm tay, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục nghìn nông dân trong và ngoài tỉnh Hà Tây cũ như búa, liềm, dao, rựa… Danh tiếng của làng rèn Nam Sơn bay xa...

Các sản phẩm nông cụ của làng nghề rèn
  • Các sản phẩm nông cụ của làng nghề rèn

“Níu giữ” nghề truyền thống

Nhưng đó là một dĩ vãng đã xa, bây giờ cùng với các nghề thủ công vất vả nhưng mang lại thu nhập thấp, nghề rèn cũng đang đứng trước bờ vực bị mai một. Tuy vậy, 51 hộ dân thôn Nam Sơn vẫn gắn bó và nỗ lực níu giữ nghề xưa khi hơi ấm lửa rèn đang dần tắt.

Cũng như gia đình ông Lăng, lò rèn của hộ ông Hán Văn Nghiêm, ông Trần Văn Thảo cùng thôn Nam Sơn vẫn đỏ lửa đều đặn ngày qua ngày dù phải đối mặt với nhiều thử thách về “cơm áo, gạo tiền”. Với họ, có thể nghề rèn chẳng mang lại một cuộc sống vương giả, nhưng hơi ấm lửa rèn vẫn mãi đọng lại trong trái tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc mỗi người thợ vươn lên trong cuộc sống để bám nghề, giữ nghề.

Với tình hình kinh tế khó khăn, việc tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm của lò rèn là vấn đề lớn. Bên cạnh đó, vấn đề vốn đầu tư để các loại máy móc phục vụ sản xuất nhằm giảm sức lao động của con người cũng là điều người làm nghề hết sức trăn trở. “Do tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng khó khăn nên nhiều người bỏ nghề, tha hương mưu sinh. Như vậy thì đồng lương sẽ cao hơn nhưng lại chịu cảnh xa quê, xa gia đình. Do đó, chúng tôi bám nghề truyền thống của địa phương chính là bám đất tổ, bám quê hương”, ông Lăng tâm sự.

Ông Trần Văn Thảo trầm ngâm: “Với 34 năm làm nghề rèn, tôi cứ mãi đau đáu một nỗi lo. Rồi đây, khi thế hệ chúng tôi qua đời thì lớp trẻ có còn chịu gắn bó cả đời với cái lò nung nóng như thiêu như đốt này không. Nhất là khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm này vẫn còn quá bó hẹp và vốn phát triển lò rèn thì lại quá eo hẹp. Đó cũng chính là nỗi lo chung của 109 lao động thuộc 51 lò rèn ở thôn Nam Sơn”.

Lòng yêu nghề đã giúp 51 hộ dân thôn Nam Sơn bám trụ lại với lò rèn truyền thống. Dù vậy, người làm nghề rèn nơi đây không khỏi băn khoăn về tương lai của làng nghề, cùng với đó là hướng giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Ông Đặng Văn Đạo - Trưởng thôn Nam Sơn - cho biết, chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên về việc hỗ trợ dân làng rèn Nam Sơn vay vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ trong sản xuất với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan chức năng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông cụ cầm tay của làng nghề. “Đây là nghề truyền thống đáng được lưu giữ. Do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân thôn Nam Sơn quyết tâm tìm hướng khôi phục và phát triển nghề”, ông Đạo khẳng định.

Hy vọng, tới đây khi được công nhận là làng nghề truyền thống, với thương hiệu riêng, những người thợ rèn Nam Sơn sẽ có hướng đi mới tươi sáng hơn trong việc khôi phục nghề truyền thống có từ hơn 300 năm nay. Lúc ấy, đời sống kinh tế và tinh thần của các hộ gia đình làm nghề rèn nơi đây cũng sẽ ngày một được cải thiện, nâng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...