“Nghệ nhân” mòn mỏi chờ danh hiệu

“Nghệ nhân” mòn mỏi chờ danh hiệu
Các liền chị làng quan họ Trung Đồng
Các liền chị làng quan họ Trung Đồng

(GD&TĐ) - Trong khi nhiều di sản văn hóa đã được tôn vinh thì những người nắm giữ bí quyết truyền đời của các di sản ấy vẫn phải mòn mỏi chờ  được công nhận danh hiệu nghệ nhân và chế độ đãi ngộ. Mặc dù tỉnh Bắc Giang đã rất tích cực triển khai công tác này nhưng thực tế gặp không ít khó khăn.

Tuổi không đợi danh hiệu

Không ít những “báu vật sống” đang tự nguyện truyền dạy vốn văn hóa dân tộc cho thế hệ sau, nhưng đổi lại, ngoài đam mê thì các “nghệ nhân” chưa nhận được sự quan tâm gì sau những cống hiến ấy. Đó cũng là câu chuyện được nhắc nhiều tại làng Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) - nơi có nhiều cụ cao niên xứng đáng với hai chữ “nghệ nhân”.

Đơn cử như trường hợp của cụ Hoắc Công Chờ (77 tuổi), dù chưa có công nhận chính thức nào nhưng người dân trong thôn đã tự phong cho cụ là “nghệ nhân” hát quan họ. Ở tuổi xế chiều gặp những khó khăn nhưng cụ Chờ không quản ngại và luôn sẵn lòng chia sẻ, truyền dạy dân ca quan họ cổ cho lớp trẻ.

Đó là những buổi truyền dạy quan họ không công tại chùa làng hay ở chính nhà mình với niềm an ủi lớn nhất là có hàng chục thiếu nhi theo học. Cụ cho biết: “Tôi đã sống đến ngần này tuổi rồi, bao nhiêu vốn liếng, kinh nghiệm hát quan họ cũng chẳng ngại truyền cho con cháu.

Được công nhận là nghệ nhân là sự động viên lớn cho bản thân nhưng không biết tôi có đợi được đến ngày ấy hay không?”.

Ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn) ông Đàm Quang Lộc dân tộc Cao Lan là người còn biết hát Sình Ca nhiều hơn cả. Khi còn trẻ, ông đã tham dự nhiều cuộc thi hát khắp xóm trên làng dưới. Và giờ đây, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ông  vẫn đắm say với những làn điệu dân ca trữ tình ấy nên đã không quản ngại trao truyền cho lớp kế cận.

Ông bảo “Việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ sau là trách nhiệm của chúng tôi, dù có chế độ hay không thì tôi vẫn  làm, đó không chỉ là tình yêu mà còn là cái tâm của mình trước di sản của cha ông”. Không chỉ cụ Chờ, ông Lộc mà còn rất nhiều những “nghệ nhân” khác cũng đang mong mỏi một ngày nào đó mình sẽ được Nhà nước quan tâm để có thể yên tâm dành hết tình cảm, tâm huyết cho di sản… 

Chính sách vẫn trên giấy 

Liền anh quan họ Phú Hiệp một “nghệ nhân” trẻ ở Thổ Hà (Việt Yên) đã từng chứng kiến không ít những bậc thầy của mình đã ôm cả một kho tri thức dân ca quan họ cổ “ra đi” mà chưa kịp truyền cho con cháu, anh nói: “Điều mà mỗi “nghệ nhân” mong mỏi nhất là sự động viên kịp thời về tinh thần, tiếp đó mới là những chế độ ưu đãi. Vì vậy hơn ai hết, chúng tôi đang hy vọng cấp trên đã có chủ trương rồi thì nên sớm triển khai để các nghệ nhân bớt thiệt thòi”. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hoàng Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang) cho biết: “Thực tế đã có không ít “nghệ nhân” có nhiều đóng góp bảo vệ, phát huy di sản văn hóa nhưng đến khi mất vẫn chưa nhận được chế độ gì.

Vừa qua, Sở VH, TT&DL đã chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn nghiên cứu lập dự thảo “Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian tỉnh Bắc Giang” và xây dựng hồ sơ, danh sách những người đủ tiêu chuẩn để đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian và nghệ nhân ưu tú.

Việc xây dựng hồ sơ, danh sách đề nghị công nhận nghệ nhân đã được Bảo tàng tỉnh Bắc Giang triển khai, trong đó dự kiến lần này sẽ công nhận 10 nghệ nhân. Tuy nhiên hiện nay công tác này đang gặp những rào cản vì thiếu cơ sở pháp lý và văn bản hướng dẫn ở T.Ư, các địa phương chưa thể tự ý triển khai.

Bắc Giang là tỉnh có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, ngoài dân ca quan họ, ca trù, ở đây còn nhiều loại hình dân ca các dân tộc thiểu số, tri thức dân gian… Trong khi đó, đa số những “báu vật sống” dân gian đã cao tuổi, số lượng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi họ mất đi sẽ là một tổn thất lớn cho việc truyền dạy di sản.

Và nếu chúng ta chậm trễ không chừng sẽ có nhiều “nghệ nhân” cao tuổi không còn chờ được cho đến khi thông tư ban hành.

Nguyễn Hưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ