(GD&TĐ) - Dù nắng hay mưa, khi mặt trời chưa ló dạng, ông lại chất đầy những chiếc mặt nạ với đầy đủ hình hài lỉnh kỉnh trên chiếc xe đạp cà tang, từ từ đạp xuống trung tâm thành phố, bắt đầu cho cuộc mưu sinh “không giống ai”của mình. Khi trở về, ông lại miệt mài, đúc khuôn, tỉ mẩn những đường cọ cho đến tận 2 -3 giờ sáng hôm sau. Đó là tất cả niềm vui của ông Nguyễn Văn Bảy ở cái tuổi ngũ tuần.
Từ niềm đam mê hát bội
Giữa dòng người đông đúc, bao quanh bởi những chiếc xe hiện đại gầm rú inh ỏi, ông Bảy vẫn chậm rãi khom người đạp từng vòng xe trên con đường tráng lệ Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tiếng kêu cót két từ chiếc bánh xe đạp cũ kỹ phát ra, hòa lẫn với tiếng lách cách từ những chiếc mặt nạ treo trên xe va vào nhau. Chốc chốc ông tấp vào lề, rít điếu thuốc tận hưởng không khí thanh bình, rồi tiếp tục đạp vòng qua các tuyến đường Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ. Những chiếc mặt nạ Bao Thanh Thiên, Quan Công, Tào Tháo, Tiết Cương, Trịnh Ân..., sống động theo ông rong ruổi khắp nẻo đường, ít nhiều tạo sự hứng thú, tò mò cho người đi đường. Nước da đen sạm vì bụi, mái tóc dài chấm vai phất phơ, cộng với bộ râu dài đen nhẻm, trông ông thật phong trần. Thế nhưng, đằng sau vẻ phong trần sương gió ấy là cả một tâm hồn nghệ sĩ thâm trầm, đầy sáng tạo ẩn chứa bên trong. Những chiếc mặt nạ do ông làm ra là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ chinh phục được khách hàng trong nước mà còn cả những khách hàng khó tính ở tận trời Âu.
Ông Nguyễn Văn Bảy đang làm mặt nạ |
Rít điếu thuốc, nhìn dòng người qua lại trên đường, ông Bảy trầm ngâm nhớ lại con đường dẫn ông đến với nghề làm mặt nạ. Sinh ra ở An Hòa, An Lão (Bình Định), từ nhỏ, cậu thiếu niên đất võ đã bị mê hoặc bởi những vở tuồng hát bội với các nhân vật như Quan Công, Tào Tháo... “Dù thường xuyên trốn nhà đi xem diễn tuồng, về bị đòn đau nhưng tôi vẫn vui, bởi lúc ấy thích, thích được nhìn thấy những khuôn mặt đầy tính nghệ thuật”- ông Bảy nhớ lại. Rồi niềm đam mê sân khấu hát bội cứ mãi theo ông cho đến khi ông nhập ngũ. Trở về từ chiến trường Tây Nam, với máu nghệ sĩ thích lang bạt, từ miền quê Bình Định, ông xách ba lô vào Sài Gòn, đi là thỏa chí tang bồng chứ lúc ấy, ông vẫn chưa có ý định gì cho mình ở vùng đất này. Sau nhiều ngày chu du ở mảnh đất phồn hoa, ông quyết định xin học nghề ở một công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của Đài Loan. Học xong, năm 1992, ông “ra riêng” và khởi nghiệp bằng công việc làm tượng hình người. “Nhưng lúc đó, tượng không bán được. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định chuyển sang làm mặt nạ. Không ngờ, khi sản phẩm ra đời đã được khách hàng đón nhận nhiệt tình”. Và gần 20 năm qua, ông Bảy đã dồn tâm huyết cho nghề làm mặt nạ của mình. Ông đã cho ra đời rất nhiều những khuôn mặt trung, liêm, hỷ, nộ, ái, ố... và với ông, khuôn mặt người luôn là cảm hứng bất tận cho ông sáng tạo.
Các tác phẩm của ông Bảy |
Vòng đời qua những nét cọ
Có dịp đến thăm căn phòng nhỏ tại cư xá Lam Sơn, đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp (TP.HCM) mới thấy hết sức sáng tạo không biết mệt mỏi của người nghệ sĩ. Những chiếc mặt nạ đủ màu, những khuôn thạch cao, bột đá... chất đầy phòng, phảng phất mùi sơn hòa lẫn với bột đá, polymer...Tôi chăm chú nhìn ông đang đổ bột đá trộn lẫn polymer vào những chiếc khuôn được phủ bên ngoài bằng thạch cao, bên trong là lớp silicon. “Coi như công đoạn làm mặt nạ thô đã hoàn tất. Giờ phải hoàn chỉnh mặt nạ bằng những nét vẽ”, ông Bảy thổ lộ. Vừa nói xong, ông lấy những chiếc khuôn đã khô cứng, nhúng cọ vào những hộp sơn rồi nhẹ nhàng lướt trên mặt nạ. Tỷ mẩn từng đường nét, gam màu, cuối cùng một khuôn mặt sống động dần hiện lên với mắt, mũi, miệng... Ông giải thích: “Đối với những nhân vật trung quân, nụ cười phải nhân hậu, ánh mắt phải có thần. Còn với kẻ gian thần, phản bội thì ánh mắt lúc nào cũng lấm lét, miệng cong cớn”. Những sắc màu vàng, đen, đỏ, trắng, xanh... được ông tỉ mẩn vẽ lên từng khuôn mặt, thể hiện một cách tài tình cá tính từng nhân vật. Và ngày nào cũng thế, người nghệ sĩ ấy bắt đầu công việc chăm chỉ, sáng tác từ 13 giờ đến tận 2-3 giờ sáng hôm sau. Để rồi khi trời vừa hửng sáng, ông lại chất tất cả mặt nạ lên xe đạp, rời khỏi căn nhà trọ, rong ruổi xuống trung tâm TP, bắt đầu cuộc mưu sinh.
Ông Nguyễn Văn Bảy và chiếc xe đạp chở mặt nạ ruong ruổi trên đường |
Chinh phục khách hàng trời Âu
Chỉ vào những chiếc mặt nạ treo trên góc tường, ông khoe: “Cái mặt nạ người da đỏ kia được xuất sang Mỹ, còn mặt nạ hát bội xuất sang Pháp. Riêng mặt người cười và những chú ếch này xuất sang Đức”. Nói xong, ông còn đưa cho tôi xem tấm hình mà ông chụp bên những sản phẩm của mình, cho biết đó là bức ảnh do một người Mỹ chụp tặng năm 2006, sau khi mua sản phẩm của ông. “Đó là lúc tôi đang đi bán trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khi đến hông của trường Lê Quý Đôn, một người nước ngoài cứ nhìn vào những chiếc mặt nạ và đã mua của tôi hơn 100 chiếc. Sau khi mua xong, ông ta xin tôi chụp ảnh. Không ngờ, hôm sau, đúng lúc tôi ghé lại chỗ cũ để bán, ông ta đứng đó chờ và đưa tôi tấm ảnh này”. Rồi một lần khác, đó là năm 2007, khi bán hàng trên đường Trương Định, một khách hàng là Việt kiều ở Đức đã mua hàng trăm sản phẩm mặt nạ nhỏ. Mua xong, vị khách ấy xin số điện thoại của ông. Thời gian sau, ông thấy có số điện thoại lạ gọi vào máy mình và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra người khách Việt kiều ngày nào. Người khách ấy đặt ông làm thêm 7.000 chiếc mặt nạ nhỏ để gửi sang Đức. Nhưng niềm vui lớn nhất cho đến bây giờ ông còn nhớ là một buổi chiều mưa tầm tã, khi ông lang thang đạp xe từ nơi bán về phòng trọ thì thấy trước cửa nhà một tốp bạn trẻ. Hỏi ra mới biết, đó là những sinh viên theo học ngành Mỹ thuật của Trường ĐH Kiến trúc vì yêu thích nét vẽ của ông nên tìm đến tận nhà, không chỉ để mua sản phẩm mà còn muốn được ngắm ông vẽ, có sinh viên còn xin ông chỉ những nét cọ cơ bản, nghe ông kể về cuộc đời của những chiếc mặt nạ như Tào Tháo, Quan Công…
Dù bây giờ, khách vãng lai ngoài đường không còn nhiều, và khách hàng từ những quán cà phê, nhà hàng thường đặt ông làm cũng tăng dần, và sức ông một ngày cũng yếu đi, nhưng ông vẫn “trung thành” với chiếc xe đạp, thích được đeo sau lưng những chiếc mặt nạ rong ruổi khắp các con đường trung tâm Sài Gòn, để được tận hưởng những cảm giác của những ngày đầu, khi ông mới vào nghề phải đi tiếp thị sản phẩm của mình. Ông cho biết: “Niềm tin của khách hàng là động lực giúp tôi tiếp tục với những khuôn mặt. Đối với tôi, hạnh phúc lớn nhất là khi được cầm cọ vẽ nên những khuôn mặt của đời người”.
Một nhà điêu khắc nhận xét rằng: Không là họa sĩ nhưng những nét vẽ của ông Nguyễn Văn Bảy đầy chất nghệ thuật, rất có hồn. Tất cả nhờ vào sự sáng tạo, niềm đam mê nghề nghiệp của ông.
Thái Khuê