Nghề nguy hiểm nhất ở Iraq

GD&TĐ - Iraq có khoảng 40 triệu dân, trong đó có gần 34 nghìn người là y bác sĩ. Khác với phần lớn thế giới, y bác sĩ lại là nghề 'nguy hiểm' nhất ở đây.

Y bác sĩ Iraq phải làm việc trong tâm trạng căng thẳng và đề phòng bệnh nhân.
Y bác sĩ Iraq phải làm việc trong tâm trạng căng thẳng và đề phòng bệnh nhân.

Đề cập đến ngành nghề 'nguy hiểm' nhất ở Iraq, một báo cáo cho thấy, 87% y bác sĩ Iraq từng bị bạo lực tại nơi làm việc. Nhiều người còn bị tống tiền hàng trăm triệu dinar (1 dinar = 16 đồng).

Nạn nhân của… bệnh nhân

Một ngày tháng 1/2021, bác sĩ thực tập Maryam Ali (27 tuổi) - học viên năm 2 khoa sau đại học, đến Bệnh viện Ghazi Al-Hariri ở Baghdad làm việc như thường lệ. Vừa bước vào phòng giải phẫu thần kinh, cô đột ngột bị túm lấy, đẩy ngã và dí dao vào lưng.

“Tôi cứ tưởng mình chết ngày hôm đó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn thấy sợ. Tôi thậm chí nguyền rủa cái ngày mình trở thành bác sĩ nữa”, Ali nhớ lại.

Kẻ tấn công Ali là một gã trộm vặt, thường xuyên lẻn vào bệnh viện trộm cắp. Dù nằm trong thủ đô, Ghazi Al-Hariri cũng giống như hầu hết các bệnh viện khác ở Iraq, vô cùng thiếu an ninh.

Ali và nhiều nữ đồng nghiệp đã báo cáo ổ khóa cửa phòng trực bị hỏng nhưng không ai sửa.

Tại Baghdad nói riêng và Iraq nói chung, gần như tất cả các y bác sĩ đều từng gặp phải chuyện đáng sợ. Theo kết quả thăm dò gần đây nhất, 87% y bác sĩ từng bị bạo lực trong 6 tháng trước đó. Đáng ngại hơn, 3/4 kẻ tấn công họ là chính bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân.

“Ở Iraq, 1 người bệnh có thể được tới 15 người thân và bạn bè đưa đi bệnh viện. Nếu bác sĩ không cứu được bệnh nhân đang hấp hối hoặc bị nghi là phạm phải sơ suất y tế, căng thẳng sẽ nổ ra, bùng phát thành bạo lực”, Giáo sư Riyadh Lafta (Đại học Mustansiriyah) phản ánh.

Ngay cả trong trường hợp người bệnh không có người hộ tống, y bác sĩ Iraq vẫn gặp nguy hiểm.

“Khi bệnh nhân bất an và tức giận, họ cũng trút lên y bác sĩ bằng cách bạo lực”, Lafta cho biết. Năm 2010, chính phủ phải ban hành luật bảo vệ y bác sĩ Iraq, cho phép người hành y mang súng ngắn đi làm. Có điều, giải pháp này vừa nguy hiểm vừa khiến bạo lực leo thang.

“Người tới bệnh viện có thể trang bị súng tự động hoặc có đến 4, 5 cây súng. Y bác sĩ không thể tự vệ chỉ bằng 1 khẩu súng nhỏ. Trên hết, họ không thể nào ra tay nhanh hơn những người kia”, GS Lafta phân tích.

Cảnh CCTV ở Bệnh viện Al-Amal cho thấy, bác sĩ bị người nhà bệnh nhân vây, đánh đập.

Cảnh CCTV ở Bệnh viện Al-Amal cho thấy, bác sĩ bị người nhà bệnh nhân vây, đánh đập.

Đe dọa và tống tiền

An ninh trong bệnh viện khá lỏng lẻo, còn dân thường lại có quyền sở hữu súng. Khoảng 20% dân số Iraq có súng trong tay. Khi đưa bạn bè hoặc người thân đến bệnh viện, họ cũng mang theo súng.

GS Lafta từng chứng kiến 2 sự cố liên quan đến súng tại bệnh viện. Một trong số đó là vụ 10 bác sĩ bị sát hại tại Karbala (phía Nam Baghdad) vào năm 2005.

Có lẽ không ở đâu, y bác sĩ lại sợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hơn Iraq. Họ e ngại đến nỗi, lắm lúc phải… giả vờ cấp cứu.

“Khi trước mặt là 1 xác chết và 10 người vây quanh với gương mặt hằm hằm, như thể sẽ giết bạn nếu dám nói cái xác kia là người đã chết, bạn sẽ làm gì? Chúng tôi thì chỉ còn cách thực hiện hành vi y tế vô ích để xoa dịu họ thôi.

Đó là tức tốc mang máy khử rung tim đến, sốc 3, 4 cú, thậm chí là 9, 10 cú rồi mới dám nói đã tử vong. Ai cũng biết làm thế là sai, nhưng đâu còn cách nào khác”, bác sĩ phẫu thuật tim mạch Othman Qutaiba (28 tuổi) chia sẻ.

Chí ít thì trong phòng tim mạch Qutaiba làm việc, giả cấp cứu là chuyện thường thấy. Các y bác sĩ cũng phải phòng ngừa nguy cơ bị bạo lực bằng cách gọi nhân viên bảo vệ đến, âm thầm đứng cạnh trong lúc họ chăm sóc bệnh nhân sắp tử vong.

“Không chỉ cá nhân y bác sĩ mà cả đồng nghiệp, gia đình, bạn bè của họ cũng bị đe dọa, phiền nhiễu”, Lafta cho biết.

“Một vài gia đình bệnh nhân còn lợi dụng người bệnh, tống tiền y bác sĩ. Tôi từng chứng kiến vụ một bác sĩ bị tống tiền lên tới 145 triệu dinar (khoảng 2,3 tỷ đồng)”, Lafta nói.

Các y bác sĩ thì cho biết, mức tống tiền cao nhất từng thấy là 300 triệu dinar (khoảng 4,8 tỷ đồng).

Tương lai không an toàn

76,5% y bác sĩ Iraq muốn rời nước vì sợ hãi bạo lực.

76,5% y bác sĩ Iraq muốn rời nước vì sợ hãi bạo lực.

Theo khảo sát “chảy máu chất xám” từ năm 2017, 77% y bác sĩ Iraq muốn chuyển cư. Năm 2020, Bộ Y tế Iraq báo cáo: 20 nghìn y bác sĩ đã ra nước ngoài. Nguyên nhân chính của mất mát y bác sĩ chính là bạo lực.

“Trước đây, chúng tôi mới chỉ bị chảy máu chất xám thôi. Bây giờ, chúng tôi mất luôn cả não”, Lafta chua xót.

Sự gia tăng của bạo lực và các hình thức đe dọa, tống tiền cũng khiến sinh viên ngành y né tránh các khoa rủi ro cao như phẫu thuật thần kinh, tim mạch, cấp cứu. “Chuyên khoa của tôi có tỷ lệ tử vong rất cao. Sinh viên sắp ra trường đặc biệt né tránh vào khoa này. Bởi vì họ biết, nếu chẳng may gặp trường hợp bệnh nhân tử vong, họ sẽ vướng vào rắc rối lớn”, Qutaiba buồn bã.

Cũng theo kết quả khảo sát gần nhất, 89,5% y bác sĩ cho rằng rời Iraq thì an toàn hơn. Trong đó, 76,5% có ý định ra nước ngoài. Ali nằm trong số những người này. Sau vụ việc, cô liên tục bị thân nhân và bằng hữu kẻ tấn công gõ cửa làm phiền lúc nửa đêm, gây áp lực đòi rút đơn kiện.

“Tôi yêu thương gia đình mình và cũng không muốn phải một thân trên đất khách. Dù vậy, tôi vẫn rất sợ hãi và đang cân nhắc chuyện di cư”, Ali chia sẻ.

Sinh viên Zahra Esudan (Đại học Mustansiriyah) thì khao khát thay đổi hiện thực. “Tôi muốn giúp đỡ mọi người. Từ tận sâu trong tim, tôi thật lòng muốn khiến Iraq quê hương thay đổi”. Tuy nhiên, có tới 80,5 y bác sĩ Iraq không dám kỳ vọng môi trường bệnh viện Iraq sẽ trở nên an toàn hơn.

Theo Theguardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ