Nghề… đội lốt thú bông

GD&TĐ - Mặc dù chỉ mới xuất hiện ở khu vực TPHCM một thời gian ngắn nhưng nghề làm mascot (người trong lốt thú bông) đang thu hút khá đông giới trẻ tham gia. Những chú mascot ngộ nghĩnh này đang mang lại niềm vui cho rất nhiều người, nhất là những cô cậu bé. Tuy nhiên, đằng sau vỏ bọc ngộ nghĩnh đó là những nhọc nhằn, vất vả của những con người thật mà phần đông là sinh viên.

Nghề… đội lốt thú bông

Nở rộ mascot

Sáng ngày chủ nhật, tại khu vực cổng vào của Thảo Cầm Viên (quận 1, TPHCM) có tới bốn, năm mascot hình thỏ, hình gấu, hình rùa… đang đứng với nhiều tư thế khác nhau. Tất nhiên, những chú thú cưng mascot này là hình ảnh hấp dẫn hàng trăm em nhỏ theo bố mẹ tham quan Thảo cầm viên. Anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ ở quận Bình Thạnh) chia sẻ, ngày trước đi chơi Thảo cầm viên, cô con gái gần 3 tuổi của anh thường tỏ ra rụt rè, sợ sệt khi tới gần những thú mascot nhưng giờ thì cô bé cũng đòi chụp hình cùng mascot cho bằng được. Những chú mascot này chủ yếu đứng để quảng cáo sản phẩm, chụp hình và thu hút sự quan tâm của người đi chơi.

Em Trần Thị Duyên, một mascot hình Gấu xám chia sẻ: “Bọn em nhận đội hình mascot để quảng cáo sản phẩm là kem đánh răng trẻ mới xuất hiện nên buộc phải đứng ở những nơi đông các em nhỏ. Mục đích khi mặc những hình thú ngộ nghĩnh đơn giản là thu hút sự chú ý của các em thiếu nhi, đối tượng cần được quảng cáo. Rất nhiều em nhỏ, vì thích thú với những chú mascot mà đòi cha mẹ mua những sản phẩm mà mascot đang quảng bá”.

Ngoài những mascot quảng cáo kem đánh răng trẻ em, tại khu vực này, nhiều mascot làm quảng cáo cho các sản phẩm như sữa, đồ chơi, bánh kẹo… cũng thu hút sự chú ý của nhiều các em nhỏ.

Và cũng không chỉ ở Thảo cầm viên, các khu vực đông người như phố đi bộ, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại… cũng tập trung nhiều mascot khác nhau. Bây giờ quảng cáo bằng mascot đang rất thu hút sự chú ý, mà chi phí lại rẻ, không cần quá rầm rộ. Vì thế nhiều nơi thường thuê một đội khoảng dăm mascot để quảng cáo. Có khi công việc diễn ra trong nhiều tuần liền. Tùy theo điều kiện và thời gian làm việc mà thỏa thuận thù lao.

Tâm sự cùng chúng tôi, mascot Trần Thị Duyên kể: Mình bắt đầu làm mascot khoảng nửa năm nay, qua một vài người bạn giới thiệu. Công việc khá đơn giản, lại thu nhập tốt, khoảng 180-200 ngàn đồng/buổi sáng nên rất phù hợp với các bạn trẻ, thu nhập tốt hơn so với làm việc ở những quán cà phê, quán ăn.

Vất vả trong vỏ bọc

Tuy nhiên, nghề mascot cũng không hề đơn giản và dễ dàng. Ngoài việc phải khoác lên người bộ quần áo dày cộm, nặng năm bảy ký lô thì các mascot phải biết chịu đựng, nhất là khả năng đứng im, tạo dáng. Thậm chí, những mascot chuyên nghiệp còn phải tạo ra các cử chỉ, điệu bộ sao cho giống với nhân vật mà mình đang khoác; khi mặc bộ đồ hình khỉ thì phải có động tác nhún nhảy, vui nhộn như các chú khỉ; mặc bộ đồ của rùa, của gấu, của thỏ… thì phải có những hành động, cử chỉ sao cho ra là rùa, là gấu, là thỏ… Đây là công việc đòi hỏi sức khỏe, sự kiên trì luyện tập bởi không dễ dàng thành thục trong ngày một ngày hai. Có lẽ chính vì thế mà nghề làm mascot tuy có thu nhập khá nhưng không phải bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể thực hiện được.

Được biết, hiện nay ở khu vực TPHCM, nhiều nhóm bạn trẻ đã tập hợp để hình thành những nhóm mascot với mục đích giúp nhau tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đồ dùng hay các mẫu mascot mới, cũng như việc tập luyện và biểu diễn. Thậm chí, nếu bạn nào có niềm đam mê cùng những chú mascot còn có thể được hướng dẫn các kỹ năng, giúp đỡ để vào nghề. Nguyễn Hoàng Huy, chủ nhóm mascot Thú Xanh cho biết: “Mình tham gia làm mascot khá lâu, chừng hơn một năm nay. Không chỉ đứng quảng cáo sản phẩm, đội mascot của mình còn tham gia cả những sô biểu diễn cầu kỳ hơn như lễ khai trương, hội chợ, tiệc cưới… Khi ấy, các mascot phải biết nhảy, múa theo nhạc hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt các mascot chuyên nghiệp còn có thêm nhiều tiết mục biểu diễn bay, nhảy, lắc vòng… để làm cho khách thích thú, thu hút người xem. Tất cả các kỹ năng này đều phải được luyện tập, không dễ gì thực hiện được, bởi những bộ đồ rộng thùng thình, kềnh càng, tầm nhìn hạn chế… mọi động tác đều rất khó khăn”.

Theo Huy hiện nay nhóm Thú Xanh gồm hai ba chục bạn trẻ tập hợp cùng nhau, với sở thích chung là làm mascot. Có nhiều người còn đi học, nhiều người thì đang đi làm, khi có các hợp đồng làm mascot, mọi người sẽ chia sẻ trên một trang mạng riêng của cả nhóm, tùy từng yêu cầu cụ thể của khách hàng, nhóm mascot sẽ bố trí người thích hợp để thực hiện các hợp đồng. Nghề làm mascot tuy mới xuất hiện nhưng đã thu hút khá đông người trẻ tham gia và thực tế cũng tạo được hiệu ứng tốt. Đối với khách hàng, thay đổi hình thức, cách tiếp cận quảng cáo là điều mà nhiều người mong muốn. Vì thế, công việc của các mascot là làm sao đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao, khắt khe của khách hàng mà thôi.

Huy cũng chia sẻ, sắp tới bạn muốn hình thành một câu lạc bộ mascot chuyên nghiệp để tập hợp những người có cùng chung sở thích, đam mê. Nếu được, sẽ hình thành các công ty độc lập để thực hiện các hoạt động quảng cáo, kể cả đóng quảng cáo quay phim. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này, Huy cần có sự hỗ trợ của một số bạn bè khác, nhất là kinh phí và kinh nghiệm. Có thể thời gian tới, Huy sẽ tìm tới những nơi như Thái Lan để học hỏi các mô hình mascot, cách thức biểu diễn để đưa về áp dụng.

Ngoài việc phải khoác lên người bộ quần áo dày cộm, nặng năm bảy ký lô thì các mascot phải biết chịu đựng, nhất là khả năng đứng im, tạo dáng… Thậm chí, những mascot chuyên nghiệp còn phải tạo ra các cử chỉ, điệu bộ sao cho giống với “nhân vật” mà mình đang khoác; khi mặc bộ đồ hình khỉ thì phải có động tác nhún nhảy, vui nhộn như các chú khỉ; mặc bộ đồ của rùa, của gấu, của thỏ… thì phải có những hành động, cử chỉ sao cho ra là rùa, là gấu, là thỏ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ