Nghề câu kiều ở Cà Mau

GD&TĐ - Câu kiều là loại hình câu cá không cần mồi dẫn dụ, lưỡi câu không có ngạnh nhưng rất sắc bén.

Cửa biển Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) là một trong những nơi có đông phương tiện hành nghề câu kiều.
Cửa biển Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) là một trong những nơi có đông phương tiện hành nghề câu kiều.

Đây là loại hình đánh bắt thủy sản ven bờ, ít tốn chi phí, không hủy diệt nguồn lợi thủy sản, được hàng trăm hộ dân ven biển Cà Mau giữ gìn và phát triển.

Nghệ thuật câu kiều

Nghề câu kiều luôn được nhắc đến như một nghệ thuật bởi lẽ cách câu này phụ thuộc vào độ dao động của mặt nước biển, hoàn toàn không cần đến mồi câu như những loại hình giăng câu thường thấy. Đặc biệt, nghề này chỉ bắt những loại cá lớn, những cá nhỏ sẽ có thời gian sinh trưởng, không khai thác quá mức như các hình thức đánh bắt khác.

Nghề câu kiều xuất hiện tại vùng biển tỉnh Cà Mau từ rất lâu đời. Hiện nay, tại các cửa biển như: Khánh Hội (huyện U Minh); Đá Bạc, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời); Cái Đôi Vàm, Cái Cám, Mỹ Bình (huyện Phú Tân)... có hơn 200 phương tiện hành nghề câu kiều cho thu nhập kinh tế ổn định.

Riêng tại cửa biển Cái Cám (huyện Phú Tân), câu kiều là nghề chủ đạo của nhiều ngư dân, có khoảng 100 phương tiện hành nghề, tồn tại hàng chục năm nay.

Nghề câu kiều luôn được nhắc đến như một nghệ thuật bởi lẽ cách câu này phụ thuộc vào độ dao động của mặt nước biển, hoàn toàn không cần đến mồi câu như những loại hình giăng câu thường thấy. Chính vì vậy, cách làm câu và thả câu là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Việt Lào, một ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề tại cửa biển Cái Cám (xã Tân Hải, Phú Tân) cho biết: Lưỡi câu kiều có đặc điểm hình chữ U, các lưỡi được nối với nhau thành dây câu, được gắn với các phao nhỏ và vỏ ốc.

Vỏ ốc có nhiệm vụ làm cho dây câu chìm xuống đáy biển và dụ các loài mực chui vào, phao sẽ làm nổi các lưỡi câu lên khỏi đáy biển khoảng 20cm. Các loài hải sản như: Cá, cua, ghẹ… đi ngang lưỡi câu vẫy đuôi hoặc quay đầu sẽ dính vào.

“Để dính cá, đòi hỏi lưỡi câu phải có độ sắc bén cao. Độ dài của luồng câu tùy thuộc vào cách buộc của mỗi người, nhưng thông thường mỗi luồng câu có hơn chục gắp câu, mỗi gắp là hơn 100 dây câu buộc lên, mỗi lưỡi câu phải sắp xếp sao cho đều nhau, được quấn lại cẩn thận và kẹp giữa hai thanh tre.

Việc làm dây câu đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ cao, đảm bảo khoảng cách phù hợp với độ dao động của dòng nước. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các lưỡi câu phải đảm bảo cách đều, không quá thưa để khi cá mắc câu nếu vùng vẫy thì bị dính vào những lưỡi bên cạnh, sẽ được giữ lại và tránh bị sẩy mất”, ông Lào chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Ánh, một ngư dân hành nghề câu kiều tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) chia sẻ thêm, nếu làm câu là bước cơ bản đầu tiên, thì thả câu là yếu tố thứ hai gần như quyết định “thu nhập” trong một buổi ra khơi.

Để thả câu tốt, đòi hỏi người hành nghề phải biết xác định dòng nước chảy mạnh hay yếu, chảy xuôi hay ngược để thả câu cho đúng. Dây câu phải được thả sao cho lưỡi câu nằm lơ lửng trong dòng nước, gần như không chạm sát mặt biển để các luồng cá khi di cư, đi săn bắt con mồi vô tình chạm phải và bị móc vào lưỡi câu.

“Nghề câu kiều chỉ đánh bắt được ở những vùng biển cạn cách bờ vài hải lý và nước chảy tương đối yếu. Nghề này nghe thì dễ nhưng không phải dễ, cần tích lũy kinh nghiệm lâu năm mới đánh bắt hiệu quả, từ kinh nghiệm chọn vùng nước có nhiều cá, chọn vùng không có rạn san hô, thả câu, thu dây câu… Đặc biệt ngư dân cần có kinh nghiệm sửa lưỡi câu để sao cho sắc nhọn nhất và nước chảy lưỡi câu không bị xoắn vào nhau”, ông Ánh nói.

Đa phần hiện nay, các hộ làm nghề câu kiều ở Cà Mau được học nghề theo kiểu “cha truyền - con nối”. Nhiều gia đình có 2 - 3 thế hệ hành nghề, một số thanh, thiếu niên từ lúc hơn 10 tuổi đã tập tành theo cha, chú ra khơi tích lũy kinh nghiệm, để có thể trở thành thợ câu kiều giỏi.

nghe cau kieu o ca mau (2).JPG
nghe cau kieu o ca mau (3).JPG
Ông Nguyễn Việt Lào (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) đang làm dàn câu kiều.

Cực nhọc, nhưng cho thu nhập cao

So với một số nghề biển khác, nghề câu kiều không đòi hỏi ngư dân phải sắm tàu to, ghe lớn, huy động nhiều ngư phủ, mà chỉ cần một chiếc xuồng (thuyền nhỏ) hoặc ghe nhỏ. Mỗi xuồng câu chỉ cần một, hai người đi thả, thăm câu.

Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, bởi thường xuyên thức đêm, người đi ghe phải không bị say sóng, vì thế thường chỉ có cánh đàn ông mới đủ sức làm nghề này.

Thông thường, trước khi đi thả câu, ngư dân sẽ chuẩn bị những nẹp dây câu được sắp xếp ngay ngắn, đèn pha, vợt bắt cá, dao cắt dây khi cần thiết và có thể chuẩn bị thêm một ít thức ăn, mền gối để nghỉ ngơi trong lúc chờ thăm câu.

nghe cau kieu o ca mau (4).JPG
Mỗi luồng câu kiều có hơn chục gắp câu và mỗi gắp là hơn 100 dây câu buộc lên.
nghe cau kieu o ca mau (5).jpg
Một ngư dân đi thăm câu kiều và bắt được cá. Ảnh: NVCC.
nghe cau kieu o ca mau (6).JPG
Người dân mang sản phẩm trở về sau một đêm lênh đênh trên biển.

“Ngư dân thường ra khơi buổi chiều, quan sát địa thế sau đó đợi đến tối tiến hành thả câu, nghỉ ngơi đến 3 - 4 giờ sáng thì tiến hành thăm câu. Còn nếu thả câu buổi sáng thì khuya mình sẽ đi thăm, mỗi lần thăm mất từ 4 - 5 tiếng, tốt nhất mình nên ở lại canh không để kẻ trộm lấy mất câu”, ông Hoàng Văn Minh, ngư dân xã Tân Hải, huyện Phú Tân chia sẻ.

Cực nhọc là thế, bù lại nghề câu kiều cho thu nhập tương đối cao và ổn định. Đối tượng mà nghề này đánh bắt được chủ yếu là các loại cá da trơn như cá ngát, cá đuối, kèm theo đó là cua biển, ghẹ, mực… trong đó đối tượng dính nhiều nhất là cá ngát.

Thường ngư dân sẽ canh thời gian thăm câu vào sáng sớm, gỡ cá cho vào thùng chạy oxy, để kịp đem ra vựa bán cá sống với giá cao.

Hiện nay, mỗi ký cá ngát sẽ được ngư dân bán cho các vựa với giá khoảng 50.000 đồng. Ghẹ và cua biển bán giá khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày một người làm nghề câu kiều có thu nhập từ 500.000 đến hơn một triệu đồng, nếu may mắn gặp thời tiết thuận lợi, thả câu trúng luồng cá, mực có thể cho thu nhập vài triệu đồng.

“Nhiều người ở đây lúc trước khó khăn nhưng nhờ gắn bó với nghề câu kiều cuộc sống ổn định hơn, lo được cho con cái học hành. Đặc biệt, nghề này chỉ bắt những loại cá lớn, những cá nhỏ sẽ có thời gian sinh trưởng, không khai thác quá mức như các hình thức đánh bắt khác nên luôn được chính quyền địa phương, ngành chức năng tạo điều kiện, ngư dân cũng muốn gắn bó lâu dài”, ông Nguyễn Việt Lào nói.

Mặc dù thu nhập mang lại tương đối cao, nhưng nghề câu kiều có tính bấp bênh, chỉ làm được từ 7 đến 9 tháng/năm do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, luồng cá và sản lượng cá trong tự nhiên.

Thêm nữa, việc thả câu trên những chiếc xuồng, ghe máy thô sơ lênh đênh giữa biển vào những lúc sóng to, gió lớn cũng là một trong những thách thức mà ngư dân hành nghề phải đối mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu rõ gen z là gìKhám phá script trong công việc