Nghe báo cáo về các dự án luật

Nghe báo cáo về các dự án luật

(GD&TĐ) - Sáng 25/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khiếu nại.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND do Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên trình bày nêu rõ, hiện nay, Luật Bầu cử ĐBQH, Luật bầu cử đại biểu HĐND còn quy định khác nhau về chỉ đạo bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử, số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu; trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử. Nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng luật sẽ rất phức tạp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện bầu cử chung.

Nghe báo cáo về các dự án luật ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND gồm 4 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Điều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành. Hiện còn có ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật và các vấn đề liên quan đến việc bầu cử tại các địa phương đang tiến hành thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND của Ủy ban Pháp luật, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày cũng như tại các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường...

Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: Ủy ban Tài chính và Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, cũng phát sinh nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương… Việc ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần quán triệt một số mục tiêu, yêu cầu như: việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan, nhất là những văn bản về chính sách thu đối với đất đai; chú trọng tính hiệu quả đích thực của việc miễn, giảm thuế. Cần rà soát quá trình thực thi việc miễn, giảm; căn cứ vào tình hình mới, đặc biệt là những định hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Nhà nước để có điều chỉnh phù hợp. Việc miễn, giảm cần có trọng tâm, trọng điểm, phân loại đối tượng được miễn, giảm thuế theo mục đích sử dụng đất như đất trồng lúa, làm muối, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp…

Tờ trình dự án Luật phòng, chống mua bán người của Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta còn phân tán, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện. Do vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cần tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người là một đòi hỏi khách quan, bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống mua bán người của Ủy ban Tư pháp cho rằng, về cơ bản dự án luật đã được chuẩn bị công phu, các quy định phù hợp với yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần làm rõ hơn...

Theo Tờ trình dự án Luật khiếu nại, Luật được ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do vậy, việc xây dựng dự án luật này nhằm quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, phù hợp với tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước và cải cách công tác tư pháp hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại...

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khiếu nại của Ủy ban Pháp luật, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, cần làm rõ hơn việc “khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của Luật” tại khoản 2, Điều 4 vì các tổ chức sự nghiệp công lập không phải là cơ quan hành chính nhà nước, vì vậy cần làm rõ việc áp dụng Luật để giải quyết đối với loại khiếu nại nào? Về khiếu nại đông người, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khiếu nại đông người thực chất là nhiều người khiếu nại cùng một nội dung. Trên thực tế tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp, tuy nhiên do chưa có quy định của pháp luật về xử lý khiếu nại đông người nên khi có vụ việc xảy ra đã gây không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết…

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND; Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ