Phát triển mô hình kinh tế gia trại
Lạng Khê là xã nằm dọc 2 bên bờ sông Lam, nối với nhau bằng cầu Chôm Lôm, thuộc huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An. Vừa qua, ngay sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lạng Khê đã triển khai thực hiện chương trình hành động để đạt mục tiêu nông thôn mới. Trong đó tập trung vào hai mũi nhọn là chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế và nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn.
Gia đình anh Kha Văn Nhất (bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê), trước đây là hộ nghèo. Hai vợ chồng không có việc làm, mưu sinh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng ruộng nước ít, lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên chỉ vừa đủ ăn. Sau đó, gia đình anh được địa phương giao đất giao rừng, khai hoang phục hóa để trồng cây lâu năm như mét, keo, cây ngắn ngày như ngô, sắn, mía. Đầu tư quy mô bài bản, được hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Nhất bắt đầu xây dựng được mô hình gia trại vườn – rừng.
Trong khi chờ thu hoạch từ cây trồng, vợ chồng anh Nhất chăn nuôi thêm trâu, bò, dê để có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Sau 5 năm, nhờ chăm chỉ, cố gắng, gia đình anh Nhất đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà kiên cố và nuôi con cái đi học đầy đủ.
Anh Kha Văn Nhất cho biết: “Trong quá trình thực hiện, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hỗ trợ cả nguồn vốn và kỹ thuật nên gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá. Nhờ đó, tôi cũng thấy tự tin hơn để tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp”.
Ông Kha Văn Kiên – Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê cho hay, là huyện miền núi, chúng tôi phát huy thế mạnh kinh tế rừng theo định hướng chuyển đổi từ trồng rừng nguyên liệu sang trồng rừng lấy gỗ như tre, mét, chè... kết hợp chăn nuôi. Ngoài ra, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên xây dựng đường giao thông nội thôn và liên thôn.
Thực tế, dù là xã nằm trên trục đường quốc lộ 7, nhưng Lạng Khê lại có 3 bản rộng lớn nằm phía bên kia sông Lam gồm Đồng Tiến, Yên Hòa, Chôm Lôm rất khó khăn. Giao thương vào trong 3 bản này cũng bất cập, không thuận tiện do đường đi khó, cầu treo Chôm Lôm nối từ đường 7 vào bản chủ yếu chỉ dành cho phương tiện thô sơ. Vì vậy, Đảng bộ xã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể, đảng viên nêu gương đi đầu, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các mô hình kinh tế tại chỗ với cây mét, cây mía là cây trồng chủ lực và chăn nuôi trâu, bò, dê.
Ông Kha Văn Kiên cũng cho biết thêm, bên cạnh khó khăn thì địa phương cũng nhìn ra những thuận lợi như có khu vực lòng hồ thủy điện Chi Khê và nhà máy mía đường Sông Lam đóng trên địa bàn. Trong thời gian tới, xã sẽ tận dụng lòng hồ để nuôi trồng thủy sản theo hướng xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Liên kết với Nhà máy Mía đường Sông Lam Nghệ An để tiêu thụ mía cho bà con. Tận dụng các sản phẩm phụ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò, dê để phát huy hiệu quả trên diện tích đất.
Xây dựng chương trình hành động phù hợp thực tiễn
Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) – ông Lô Văn Thao cho biết: Nhiệm kỳ 2020 -2025, huyện Con Cuông tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Quan tâm công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng huyện theo hướng phát triển đô thị sinh thái, làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, từng bước phát triển thành trung tâm dịch vụ, thương mại vùng Tây Nam; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quyết tâm trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật công nghệ lớn trong lĩnh vực lâm nghiệp và là một trung tâm logistics cho chuỗi sản xuất, sản phẩm dịch vụ, chuỗi giá trị của Nghệ An ở khu vực Tây Nam; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Hiện địa phương đã hoàn chỉnh chương trình hành động của từng năm. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách từng đề án, từng lĩnh vực để kiểm tra, giám sát. Qua đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thời gian qua, nhiều địa phương tại Nghệ An tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để tinh giản bộ máy, giảm biên chế, tạo điều kiện tập trung nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Đầu năm 2020, xã Minh Châu được sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính là Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng (huyện Diễn Châu). Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã đề ra các chỉ tiêu và giải pháp chính nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu đưa xã Minh Châu phát triển toàn diện, bền vững.
Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm hành chính Minh Châu, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Là xã có phần lớn diện tích đồng bằng, có sông Bùng chảy qua, nằm hai bên quốc lộ 7, dân số đông, Minh Châu đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả tốt đa. Xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu 150,4 ha sản xuất cánh đồng mẫu lớn đem lại giá trị cao. Đồng thời chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Đặng Xuân Thước – Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho hay, Đảng bộ huy động các nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục đầu tư các công trình, đưa điện lưới ra những vùng đất màu để phục vụ sản xuất, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Minh Châu đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trọng tâm là phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Việc xây dựng các chương trình hành động, đề án mang tính chiến lược, phù hợp với thực tế địa phương như: điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, dân cư, ngành nghề truyền thống... sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững. Từ đó, tạo sinh kế, và phát huy kinh tế từng hộ dân.