Nghệ An: Thầy trò vùng cao rộn ràng chuẩn bị cho ngày đến lớp

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, tại Nghệ An, học sinh các cấp đã tựu trường, thầy cô thì đã trả phép từ ngày 1/8, không khí chuẩn bị cho năm học mới rộn ràng, náo nức. 

Các cô giáo Trường Mầm non Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) làm đồ chơi, dụng cụ học tập cho các cháu
Các cô giáo Trường Mầm non Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) làm đồ chơi, dụng cụ học tập cho các cháu

Ngoài đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp thì nhiều tổ chức, cá nhân cũng đang chung sức chung lòng để hỗ trợ, giúp học sinh được “3 đủ” trước khi đến trường…

Khắc phục khó khăn trước thềm năm học mới

Tại Trường PTDTBT THCS Châu Lộc (Quỳ Hợp), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Hùng và cán bộ, giáo viên đang hết sức lo lắng bởi ngày khai giảng đã gần kề mà nguồn nước sạch để phục vụ cho hơn 300 học sinh và giáo viên (trong đó có hơn 100 học sinh ở bán trú) vẫn chưa đảm bảo.

Tháng 5/2015, giếng khoan cung cấp nước cho trường bị cạn. Suốt hơn 3 tháng trời, mỗi ngày huyện Quỳ Hợp phải chi gần 400.000 đồng để trường mua nước sạch phục vụ các em học sinh. 

Hiện nay, huyện đã hỗ trợ hơn 30 triệu đồng để nhà trường khoan lại giếng, tuy nhiên, sau 2 lần khoan thử, vẫn chưa tìm được mạch nước. 

Thầy Nguyễn Đăng Hùng cho biết: Vì địa hình cao, trường nằm trên đồi nên tìm được đúng mạch nước là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đang hết sức cố gắng để ít nhất trước ngày nhập học học sinh sẽ có đủ nước để dùng”.

Năm học này là năm thứ 2 Trường PTDTBT THCS Châu Lộc đón học sinh bán trú ở các bản vùng sâu, vùng xa của 2 xã Châu Lộc, Liên Hợp đến trường. 

Tổ chức bán trú khiến thầy cô vất vả hơn, nhưng học sinh sẽ được tạo nhiều điều kiện ăn, ở thuận lợi, góp phần giữ chân các em ở lại trường. 

Thời điểm này, công tác sửa sang lại phòng học, khu ký túc xá, dọn dẹp vệ sinh trường lớp và mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh đang được trường khẩn trương tiến hành. Đồng thời, việc lập thời khóa biểu, xây dựng kế hoạch năm học cũng đã được tiến hành và sẽ hoàn tất trước khai giảng.

Còn tại Trường Mầm non Yên Hợp (Quỳ Hợp), trận mưa đầu tháng Bảy vừa rồi đã cuốn toàn bộ hàng rào, cổng và làm sụt lún một phần sân trường. 

Để kịp thời khắc phục những hư hỏng này, huyện Quỳ Hợp đã quyết định chi hơn 200 triệu đồng để nhà trường kịp thời sửa chữa và nâng cấp toàn bộ khuôn viên trường học.

Nhiều ngày qua, các cô giáo thường xuyên ở lại trường buổi trưa, không về nhà, để chuẩn bị đồ chơi, dụng cụ học tập cho các cháu “vì ít hôm nữa nhận, và chăm sóc các cháu thì không có thời gian để làm nữa”. 

Cô Hoàng Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hợp - chia sẻ: “Các cháu học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn, nghèo đói. 

Sau nhiều năm kiên trì vận động, tuyên truyền, bây giờ, nhận thức của bà con đã có nhiều tiến bộ, chủ động đưa con đến lớp theo đúng độ tuổi và còn hỗ trợ ngày công giúp nhà trường sửa sang khuôn viên trường lớp”.

Tiếp sức học sinh vùng khó

Gần đến ngày khai giảng, nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, tiếp sức học sinh đến trường, đặc biệt là các em vùng khó khăn, vùng sâu, dân tộc, miền núi.

Ở huyện Kỳ Sơn, thầy và cô Trường PT DTNT Na Ngoi và Trường PT DTNT Nậm Càn đang rất phấn khởi vì chỉ một thời gian nữa, dãy nhà nội trú do Quỹ Thiện tâm tài trợ sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. 

Đây là niềm mơ ước bấy lâu của thầy và trò, vì trước đây khu nội trú của nhà trường chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của học sinh. Còn lại hơn một nửa vẫn phải ở nhà thuê hoặc sống tạm trong những căn nhà lán, tranh tre tạm bợ.

Nói về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn tập trung đầu tư để xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh và hiện trên 90% các trường THCS đã có chế độ bán trú. 

Qua đó, nâng dần chất lượng học sinh và tỷ lệ học sinh yếu kém của toàn huyện đã giảm xuống rõ rệt so với những năm trước đó. Đồng thời, giúp học sinh yên tâm đến trường, hạn chế dần tình trạng học sinh bỏ học. 

Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh hết sức quan tâm. 

Bước vào năm học mới 2015 - 2016, tỉnh Nghệ An đã đầu tư gần 130 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống trường bán trú. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đã hỗ trợ gần 76 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học cung ứng cho các cơ sở giáo dục, đưa 527 phòng học mới kiên cố vào sử dụng.                                                                                                                                                             Qua đó, từng bước xóa phòng học tạm bợ, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố ở mầm non lên 53,6%, tiểu học 61,9%, THCS 81,6% và THPT là 92,9%.                                                                                                                                                                                          Trước thềm năm học mới, Nghệ An đã có thêm 70 trường học được công nhận trường chuẩn, đưa tỷ lệ trường chuẩn trong cả tỉnh đạt 59,5% (đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.