Nghệ An: Rộn ràng lễ hội tiếng sấm đầu mùa của tộc Ơ Đu trong ngày khai giảng

GD&TĐ - Tại lễ khai giảng 2019 – 2020, các em học sinh trường THPT dân tộc nội trú  Nghệ An đã thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mình. Trong đó, lễ hội tiếng sấm đầu mùa – lễ hội độc đáo của dân tộc rất ít người Ơ Đu được dựng lại sinh động trên sân khấu.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An dựng lại Lễ hội "Tiếng sấm đầu mùa" của tộc người Ơ Đu.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An dựng lại Lễ hội "Tiếng sấm đầu mùa" của tộc người Ơ Đu.

Hòa cùng không khí tưng bừng của học sinh cả nước, sáng nay Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) Nghệ An tổ chức lễ khai giảng tươi vui và ấm áp. Cùng dự và chung vui với thầy cô giáo và các em học sinh có  ông Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An và đại diện các ban, ngành tỉnh.

Video: Lễ hội tiếng sấm đầu mùa là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Ơ Đu.

Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An là ngôi trường đặc thù, hội tụ các em học sinh ở nhiều thành phần dân tộc nhất trong tỉnh. Năm học 2019 – 2020 trường có 546 học sinh của 9 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Nùng, Thổ, Kinh, Đan Lai. Trong đó tộc người Ơ Đu và Đan Lai là 2 dân tộc rất ít người chỉ phân bố ở Nghệ An.

Do thời tiết mưa, lễ khai giảng tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An được tổ chức trong hội trường
 Do thời tiết mưa, lễ khai giảng tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An được tổ chức trong hội trường

Các em đến từ những bản làng xa xôi, trắc trở, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông…Xuống thành phố học tập, các em ở nội trú xa nhà, ở với thầy cô, nhiều hơn ở với bố mẹ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh trống khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh trống khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Đây là ngôi trường hội tụ 9 thành phần dân tộc cùng theo học
 Đây là ngôi trường hội tụ 9 thành phần dân tộc cùng theo học

Tại lễ khai giảng, các em học sinh đã cùng biểu diễn các tiết mục văn nghệ thể hiện bản sắc của dân tộc mình. Đặc biệt, các em đã cùng dựng lại “Lễ hội tiếng sấm đầu mùa” – một lễ độc đáo và quan trọng nhất trong đời sống của người Ơ Đu, thể hiện tín ngưỡng, quan niệm về thời gian, cách tính năm của dân tộc này.

Theo đó, khi có tiếng sấm đầu mùa cũng là lúc một năm mới bắt đầu, người Ơ Đu tổ chức ăn tết, tạ lễ đất trời, tổ tiên, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Qua nhiều biến thiên lịch sử, tộc người Ơ Đu chỉ còn khoảng hơn 400 người, và để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ, toàn bộ bà con chuyển đến tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

Nhiều phong tục tập quán, tiếng nói của người Ơ Đu bị mai một. Dựng lại lễ hội tiếng sấm đầu mùa, cũng là cách để thế hệ sau bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc người Ơ Đu.

Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa và quà cho Trường THPT DTNT Nghệ An.
 Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa và quà cho Trường THPT DTNT Nghệ An.

Năm học này, Trường THPT DTNT số 1 Nghệ An có 16 em học sinh người Ơ Đu, đó là sự cố gắng, nỗ lực hết sức mình của các em từ bản làng xa xôi xuống phố theo đuổi việc học.

Phát biểu chào mừng lễ khai giảng cùng thầy trò Trường THPT Dân tộc nội trú số 1, ông Thái Thanh Quý – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ: Với các em học sinh, ngày hôm nay bắt đầu một năm học mới, trên khuôn mặt các em ai cũng rạng ngời, tràn đầy năng lượng.

Ngoài học tập, các em học sinh còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình
 Ngoài học tập, các em học sinh còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình

“Tôi biết, các em có mặt ở đây đã là một sự cố gắng rất lớn, trong mỗi em đều có những hoài bão, ước mơ của riêng mình, và ẩn sau đó còn là niềm hy vọng, tự hào của gia đình, người thân và bản làng.

Tôi mong các em sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, chăm lo học tập tốt, rèn luyện tốt, chuẩn bị hành trang vững chắc để ngày mai lập nghiệp. Các em hãy đi để trở về, một Miền Tây Nghệ An rộng lớn, giàu tiềm năng đang chờ những bàn tay, khối óc, công sức đóng góp, dựng xây của tất cả các em có mặt trong buổi lễ trang trọng này”, ông Thái Thanh Quý nhắn nhủ.

Học sinh của Trường THPT DTNT đến từ những bản làng xa xôi vùng cao Nghệ An.
 Học sinh của Trường THPT DTNT đến từ những bản làng xa xôi vùng cao Nghệ An.

Chủ tịch UBDN tỉnh Nghệ An cũng mong muốn các thầy cô giáo, ngoài dạy kiến thức văn hóa còn chăm lo, nuôi dưỡng, quản lí các em.

Đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT, các cấp, các ngành rà soát các chính sách, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nơi ăn ở, sinh hoạt nội trú. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học nôi đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc cho các huyện miền núi trong tỉnh..

Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An là 1 trong 5 trường THPT được chọn thực hiện thí điểm trường trọng điểm, chất lượng cao. Năm học 2018 – 2029, trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học là 88%; có 9 học sinh lớp 11 đạt giải kỳ thi HSG tỉnh, 2 HS đạt giải Nhì cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: