Nghệ An phát triển cơ sở mầm non tư thục tại khu công nghiệp

GD&TĐ - Phát triển cơ sở mầm non tư thục là định hướng lâu dài của Nghệ An, đặc biệt tại khu công nghiệp với hỗ trợ chính sách của Nhà nước và địa phương.

Trẻ tại Trường Mầm non Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An).
Trẻ tại Trường Mầm non Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An).

Nhu cầu từ thực tế

Trường Mầm non Hoàng Thị Loan (Thành phố Vinh) là một trong số ít trường mầm non dành cho con em công nhân của tỉnh Nghệ An. Trường được Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan đầu tư xây dựng, thành lập từ năm 2008 để nuôi dạy con em cán bộ, công nhân. Học sinh là con công nhân của nhà máy không phải đóng học phí.

Trường có diện tích 2.600m2, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ GD&ĐT. Cán bộ, giáo viên của trường đều là con số lao động của công ty, được hưởng các chế độ, quyền lợi chung như các nhân viên khác. Với đặc thù là trường dành cho con em công nhân, nên giờ tiếp nhận, đón trẻ và trả trẻ không cố định mà linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho gia đình công nhân làm việc, tăng ca.

Cơ sở mầm non tư thục tại Nghệ An ngoài tổ chức bán trú còn cho trẻ ăn sáng tại trường, giờ giấc đón - trả trẻ linh hoạt.

Cơ sở mầm non tư thục tại Nghệ An ngoài tổ chức bán trú còn cho trẻ ăn sáng tại trường, giờ giấc đón - trả trẻ linh hoạt.

“Năm nay toàn trường có 170 cháu theo học. Công ty tạo điều kiện tốt nhất cho trường để chăm sóc, nuôi dạy con em công nhân lao động trong Công ty, hỗ trợ, giúp người lao động có con nhỏ bớt khó khăn. Đồng thời dịp lễ Tết cũng có khen thưởng để động viên các cháu và phụ huynh...", cô Đỗ Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng cho biết.

Tuy nhiên, trên toàn tỉnh, số doanh nghiệp mở trường mầm non cho công nhân rất ít. Thay vào đó, mô hình cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tại các khu công nghiệp đang được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho con em công nhân. Cơ sở mầm non Yên Bình (xã Hưng Đông, thành phố Vinh) có hơn 120 cháu, chủ yếu con em công nhân khu công nghiệp Bắc Vinh và VISIP (huyện Hưng Nguyên).

Cô Nguyễn Thị Cầm, chủ cơ sở cho hay: “Nhu cầu trông giữ trẻ lớn vì phụ huynh đều phải đi làm theo ca. Vì vậy chúng tôi linh hoạt giờ đưa đón trẻ và cũng có hỗ trợ giảm học phí cho gia đình có 2 bé cùng học tại cơ sở hoặc con em hộ nghèo. Thực tế sau thời gian hoạt động, có uy tín, chúng tôi không còn lo lắng về vấn đề tuyển sinh, thậm chí nhu cầu phụ huynh lớn vượt chỉ tiêu cho phép. Chúng tôi cũng dự tính mở rộng nhưng hiện chưa triển khai được vì cần diện tích, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định”.

Định hướng phát triển cơ sở mầm non tư thục

Theo ông Lê Trường Sơn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh, mô hình các nhóm trẻ, các cơ sở giáo dục tư thục ở các khu công nghiệp hoạt động hiệu quả và phù hợp yêu cầu thực tế. Do học phí không quá cao so với trường công, trong khi sĩ số ít, ngoài bán trú thì trẻ được ăn sáng, phụ huynh có thể thỏa thuận giờ đưa đón trẻ linh hoạt. Hiện riêng địa bàn thành phố Vinh có hơn 100 trường, cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập. Trong đó có 13 cơ sở đủ điều kiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Phát triển loại hình trường tư cũng là định hướng lâu dài của ngành giáo dục Nghệ An, trong đó ưu tiên mở các loại hình cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập ở các khu công nghiệp. Sở GD&ĐT tỉnh đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho loại hình này. Tính trên toàn tỉnh có 61 trường mầm non tư thục, 285 cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập.

Phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập góp phần giảm tải cho trường công lập.

Phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập góp phần giảm tải cho trường công lập.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, việc đầu tư phát triển giáo dục ngoài công lập được HĐND và UBND tỉnh Nghệ An quan tâm bởi hệ thống trường công không đáp ứng đủ nhu cầu phụ huynh, học sinh nhất là tiểu học và mầm non khi tỉ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng đạt tỉ lệ cao. Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Theo đó, hỗ trợ xây dựng mỗi cơ sở mầm non tư thục lần đầu 50 triệu đồng; giáo viên là 800 nghìn đồng/tháng/người và học sinh là 160 nghìn/tháng/cháu ăn trưa bán trú.

Cụ thể hoá Nghị định trên, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Trong đó nêu rõ, hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/1 năm học. HĐND tỉnh Nghệ An giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

“Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An, con em công nhân không chỉ theo học trường mầm non tại công nghiệp, mà học ở bất cứ cơ sở nào trên địa bàn tỉnh cũng được hưởng 160 nghìn đồng/tháng. Đây chính là điểm nổi bật trong chính sách của tỉnh để hỗ trợ con em công nhân, khuyến khích xây dựng các cơ sở mầm non ngoài công lập. Hiện tỉnh Nghệ An cũng kêu gọi đầu tư rất tốt, ngành giáo dục đã tính đến việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn, kéo theo đó là các chuyên gia nước ngoài cùng gia đình đến Nghệ An sinh sống. Vì thế trong loại hình trường học tư thục có chú ý đến trường quốc tế, chất lượng cao, tiên tiến…”, ông Thái Văn Thành cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ