Nghệ An: Phát hiện 3 cháu bé bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

GD&TĐ - Vừa qua, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận 3 bệnh nhi với các biểu hiện sốt, sưng đau tuyến mang tai. Qua các xét nghiệm đã phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người), bệnh có tên Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.

Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốt, đau sưng tuyến mang tai. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.
Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện sốt, đau sưng tuyến mang tai. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.

Ngày 14/9, thông tin từ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Từ tháng 7- 9/2019 bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore.

Trong đó, cháu Nghiêm Thanh T. 14 tuổi (trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) điều trị 50 ngày và xuất viện.

Còn 2 cháu Hoàng Văn C., 10 tuổi (trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An; Nguyễn Công H. 11 tuổi (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Ba trường hợp ghi nhận khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Trước đó, gia đình nghi cách cháu bị quai bị, điều trị ở nhà không đỡ mới nhập viện.

Sau khi được các bác sỹ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người), bệnh có tên Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm.

Theo thông tin từ BS. Nguyễn Thị Huyền Ngân - khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Melioidosis, hay bệnh Whitmore, là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu.

Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50% - 60%.

Vi khuẩn ăn thịt người sống trong đất, con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Vi khuẩn Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng tại chỗ nhẹ hoặc nhiễm khuẩn huyết kịch phát gây tử vong nhanh chóng. Bệnh gây áp xe ở nhiều cơ quan, đặc biệt ở da, gan, lách, phổi và tuyến tiền liệt, các khớp lớn cũng có thể bị ảnh hưởng.

Bệnh nhân thường có biểu hiện khu trú, sưng tuyến nước bọt mang tai một bên (hay gặp ở trẻ nhỏ) và dễ nhầm sang bệnh quai bị.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn whitmore phát triển.

Số ca bệnh whitmore thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần vệ sinh, sát trùng cẩn thận.

Khi có biểu hiện nghi ngờ thì phải đến ngay cơ sở y tế có xét nghiệm Vi sinh để được làm xét nghiệm phát hiện ra vì khuẩn sớm và dùng kháng sinh phù hợp.

Hiện nay, Whitmore là căn bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, vì vậy người dân cần chú ý đề phòng.

Trước đó, tại Hà Tĩnh cũng vừa phát hiện trường hợp bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi) ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên bị mắc bệnh Whitmore. Dù điều trị tích cực bằng kháng sinh phối hợp nhưng tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.