Nghệ An: Lũ kéo về trong đêm, nhiều trường hoãn khai giảng

GD&TĐ - Mưa lớn kéo dài liên tục trong đêm (4/9) khiến hàng chục trường học huyện biên giới Kỳ Sơn bị lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề. Một số trường sau khi dọn dẹp kịp tổ chức lễ khai giảng trong ngày 5/9, nhưng nhiều trường học, điểm lẻ, thầy cô đi bộ vẫn chưa vào tới nơi do nước lũ, sạt lở, giao thông chia cắt.

Tường bao Trường Mầm non Phà Đánh, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị đổ sập do mưa lũ, sạt lở đất.
Tường bao Trường Mầm non Phà Đánh, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị đổ sập do mưa lũ, sạt lở đất.

Trường ngập bùn đất, thầy trò hoãn khai giảng

Trưa 5/9, thầy Lê Quỳnh Lưu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng một số cán bộ, giáo viên khác của trường mầm non trên địa bàn vẫn đang… vượt núi, tìm đường đi bộ vào trường.

Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng đã xong xuôi, nhưng chỉ sau trận mưa to tối 4/9, bùn đất đã tràn vào sân trường, cơ sở vật chất bị ảnh hưởng thiệt hại. Ban giám hiệu phải chỉ đạo giáo viên thông báo đến phụ huynh, học sinh hoãn khai giảng.

Bùn đất ngập dày, vùi lấp đồ dùng, đồ chơi của Trường Mầm non Chiêu Lưu (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn).

Bùn đất ngập dày, vùi lấp đồ dùng, đồ chơi của Trường Mầm non Chiêu Lưu (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn).

"Từ 5h sáng nay, tôi xuất phát từ thị trấn Mường Xén, nhưng đến giờ vẫn chưa vào tới trường. Có khoảng 6km đường từ trung tâm xã Chiêu Lưu vào trường bị sạt lở nặng, xe không đi được, phải leo núi, tìm đường đi bộ… Đến đoạn cầu tràn, nước chảy xiết nguy hiểm, tôi và đồng nghiệp đang đợi lực lượng địa phương giúp sức, chưa qua được”, thầy Lưu vừa thở dốc, vừa nói trong điện thoại.

Hai trường Mầm non và Tiểu học Chiêu Lưu 2 (xã Chiêu Lưu) đóng tại bản La Ngan, nằm gần bờ suối. Đêm qua, trận mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao, đất trên núi cũng bị sạt lở. Thầy Lê Quỳnh Lưu cho biết, lũ tràn qua đã đánh sập toàn bộ tường bao điểm trường chính, khu vực nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú của học sinh. Khu vực ký túc xá của giáo viên, sân trường bị ngập bùn đất.

Sáng nay, thầy cô 2 trường Mầm non và Tiểu học 2 của xã Chiêu vẫn chưa thể vào tới nơi do giao thông chia cắt.

Sáng nay, thầy cô 2 trường Mầm non và Tiểu học 2 của xã Chiêu vẫn chưa thể vào tới nơi do giao thông chia cắt.

Năm học này, Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 có 264 học sinh, trong đó có 100 em bán trú, được phụ huynh đưa đến trường vào chiều ngày 4/9. Trường chưa xây dựng được nhà ở bán trú, nên tạm thời bố trí, sắp xếp cho các em ngủ trong phòng đa chức năng.

“May mắn phòng học và nhà đa chức năng kiên cố nên không ảnh hưởng đến học sinh đang ở lại trường tối qua. Sáng nay, lễ khai giảng không thể tổ chức. Giáo viên đang trực tại trường đã gọi phụ huynh đến đưa con về nhà nếu đường từ nhà đến trường không bị ảnh hưởng”, thầy Lưu cho hay.

Tương tự, Trường Mầm non Chiêu Lưu cũng bị lũ cuốn trôi tường bao, bùn đất tràn vào trong sân trường, phòng học, bếp ăn. Cán bộ, giáo viên sáng 5/9 chưa thể tập trung đông đủ do đường tới trường vẫn bị chia cắt do nước lũ. Trẻ được thông báo nghỉ ở nhà.

“Chúng tôi chỉ có thể liên lạc qua điện thoại với giáo viên bản địa, nhưng sóng chập chờn, và nhiều đoạn mất sóng hoàn toàn. Mưa lũ về đột ngột khiến giáo viên không kịp trở tay, toàn bộ đồ dùng đồ chơi cho trẻ bị vùi trong bùn đất. Thương nhất là các cháu chờ đợi ngày khai trường, mọi công tác chuẩn bị đã tươm tất, trường lớp khang trang, đẹp đẽ thì bị đất đá tràn xuống vùi lấp”, cô Phan Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiêu Lưu chia sẻ.

Cầu tràn trên đường vào Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 nước lũ vẫn chảy xiết, chưa hạ. Trưa 5/9, cán bộ giáo viên nhà trường phải đợi lực lượng chức năng hỗ trợ chưa thể qua suối để vào trường học.

Cầu tràn trên đường vào Trường Tiểu học Chiêu Lưu 2 nước lũ vẫn chảy xiết, chưa hạ. Trưa 5/9, cán bộ giáo viên nhà trường phải đợi lực lượng chức năng hỗ trợ chưa thể qua suối để vào trường học.

Nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm đón học sinh trở lại trường

Trước đó, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 của các trường học huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đã hoàn tất. Tuy nhiên, trận mưa lớn kéo dài suốt đêm 4/9 đã gây lũ quét, lũ ống và sạt lở đất nhiều xã như Bảo Nam, Chiêu Lưu, Phà Đánh.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho hay, qua thống kê ban đầu, có hơn 10 trường học bị ảnh hưởng thiệt hại cơ sở vật chất do mưa lũ, phải hoãn lễ khai giảng. Một số trường thiệt hại ít, sau khi vệ sinh, dọn dẹp đã kịp tổ chức lễ khai giảng cho học sinh. Nhưng cũng có trường giao thông chia cắt, học sinh phải nghỉ ở nhà, giáo viên đang trên đường đi bộ vào trường, chưa thể tổ chức khai giảng.

Công sức tu sửa, trang trí chuẩn bị cho lễ khai giảng của Trường Mầm non Phà Đánh (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) bị mưa lũ phá hủy trong đêm 4/9.

Công sức tu sửa, trang trí chuẩn bị cho lễ khai giảng của Trường Mầm non Phà Đánh (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) bị mưa lũ phá hủy trong đêm 4/9.

Trường Mầm non Phà Đánh (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) nằm trên đồi cao, không bị nước lũ dâng lên gây ngập, nhưng đất đá sạt lở đã làm đổ tường bao xung quanh. Công sức dọn dẹp, trang trí của giáo viên và phụ huynh trong những ngày qua cũng bị mưa lũ phá hủy.

Cô Hoàng Thị Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trước đó xã Phà Đánh đã thống nhất tổ chức khai giảng chung cho trường mầm non và tiểu học trên địa bàn. Phía bên trường tiểu học ảnh hưởng ít, nên sáng nay, sau khi dọn dẹp vệ sinh, cô trò vẫn kịp có lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Trường Tiểu học Phà Đánh. Tuy nhiên, chỉ có 4 điểm trường mầm non ở dọc trục đường chính của xã có thể dự lễ khai giảng, còn 4 điểm trường lẻ tại các bản Phà Khốm, Piêng Hòm, Kèo Lực 1 và bản Sắn giáo viên vẫn chưa thể vào.

Lễ khai giảng chung của các trường học trên địa bàn xã Phà Đánh sau trận mưa lớn đêm 4/9. Tuy nhiên, các điểm trường lẻ giáo viên vẫn chưa thể vào tới nơi để tổ chức ngày khai trường.

Lễ khai giảng chung của các trường học trên địa bàn xã Phà Đánh sau trận mưa lớn đêm 4/9. Tuy nhiên, các điểm trường lẻ giáo viên vẫn chưa thể vào tới nơi để tổ chức ngày khai trường.

“Theo kế hoạch, 4 bản lẻ vùng sâu sẽ tổ chức ngày hội đến trường cho bé vào buổi học đầu tiên sáng mai (6/9). Nhưng hiện nay, qua nắm bắt thông tin của ban quản lý các bản, đường vào đó sạt lở nhiều, các đập tràn nước vẫn đang chảy xiết.

Chiều nay toàn trường họp giáo viên, và triển khai nhiệm vụ cho từng điểm bản. Các cô điểm lẻ sẽ đi xe máy vào trường, đến đoạn nào không đi được nữa thì để xe lại dọc đường rồi đi bộ. Vào được tới nơi tùy tình hình thực tế sẽ chủ động kế hoạch đón trẻ”, cô Hoàng Anh cho hay.

Cô Phan Thị Hiếu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiêu Lưu cho biết: “Hiện tôi vẫn chưa vào được trường vì giao thông chia cắt, nước lũ qua các đập tràn chưa hạ. Trường bị ngập bùn rất dày. Sau khi nước lũ rút, chúng tôi sẽ nhờ lực lượng địa phương hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả do lũ và sạt lở, rồi mới tổ chức khai giảng và dạy học trở lại”.

Hiện các trường học tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định, đảm bảo điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường.

Hiện các trường học tại huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định, đảm bảo điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, ông Phan Văn Thiết, Phòng chỉ đạo nhà trường tùy tình hình thực tế mà cho học sinh tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đồng thời thống kê thiệt hại, báo cáo với Phòng và chính quyền địa phương để huy động các lực lượng hỗ trợ chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ. Mưa lũ ngay trước lễ khai giảng khiến nhiều trường học trên địa bàn rất vất vả. Nhưng ưu tiên hàng đầu là an toàn của học sinh, giáo viên. Sau khi khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện dạy học an toàn, các trường sẽ đón học sinh trở lại và có kế hoạch dạy học theo chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.