Nghệ An: Lớp học tạm trong lán để xe đạp

GD&TĐ - Gần 4 tháng nay, giáo viên và 150 học sinh Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đang phải học tạm trong lán để xe đạp.

Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Phòng học tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và cả sức khỏe của giáo viên, học sinh. Những ngày mùa đông, thầy trò co ro dưới tấm mái tôn, không cửa, gió lùa lạnh buốt.

Những lớp học “thông âm”

Thầy trò Trường THCS Long Lộc dạy học trong gara xe đạp.
Thầy trò Trường THCS Long Lộc dạy học trong gara xe đạp.

Bước vào phân hiệu 2 Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), đập vào mắt là biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm, cấm vào”. Nơi “nguy hiểm” chính là dãy 7 phòng học đã khóa cửa, niêm phong, xung quanh căng dây ngăn học sinh qua lại.

Cuối tháng 9/2020, sau đợt mưa lớn kéo dài, 5 phòng học bị đổ sập mái, các phòng còn lại ngói xô lệch, hư hỏng nghiêm trọng. Sự cố xảy ra vào đêm nên may mắn không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, hơn 150 học sinh phải di dời, 7 phòng học trên bị đình chỉ, không sử dụng để đảm bảo an toàn. Thay vào đó, 3 phòng chức năng được chuyển đổi thành phòng học. Bốn lớp còn lại không có đủ cơ sở vật chất, nhà trường huy động phụ huynh giúp sức, trưng dụng và tu sửa nhà để xe đạp làm phòng học tạm.

Những phòng học tạm này không có cửa, mỗi lớp ngăn cách với nhau bằng bức tường hoặc lớp tôn. Diện tích không đảm bảo, bàn ghế kê sát nhau chật chội, trang thiết bị thiếu thốn.

Thầy Trương Đức Kiên (GV Trường THCS Long Lộc) chia sẻ: “Công tác ở trường hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên chúng tôi phải dạy học trong lán xe đạp. Phòng học tạm bợ, không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và cả sức khỏe của học sinh, giáo viên. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì nước tạt vào trong, mùa đông này thì gió rét hun hút vì phòng học trống tứ bề”.

Tiết Âm nhạc của lớp 7E chủ yếu học lý thuyết. Thầy giáo không dám cho cả lớp đồng ca. Thay vào đó chỉ gọi 1 – 2 em đứng lên hát và không quên dặn “thấp giọng kẻo ảnh hưởng đến lớp bên cạnh”. Chỉ ngăn cách bởi lớp tôn, là lớp 8C đang học môn Hóa.

Nhưng các em có thể nghe được cả tiếng thầy giáo dạy Âm nhạc và lớp học môn Tiếng Anh ở 2 bên. Cô Phan Thị Huyền – giáo viên Hóa học chia sẻ thêm: “Không có cửa đóng kín, học sinh khó tập trung nghe giảng vì tiếng ồn xung quanh. Nhưng tôi cũng không dám nói to, không thể dùng micro vì như vậy lớp học bên này sẽ nghe thấy tiếng giảng bài của mấy lớp bên cạnh”.

Em Trần Thị Thương – lớp 7C Trường THCS Long Lộc cũng bày tỏ: “Học ở trong lán xe đạp như thế khó tập trung vào bài giảng, dễ bị phân tâm bởi những thứ xung quanh. Nhất là hôm nào trời mưa, dội xuống mái tôn không nghe được thầy cô nói gì. Nước mưa tạt vào trong ướt hết bàn ghế, sách vở, chúng em phải ngồi dồn lại vào 1 góc rất chật chội. Chúng em chỉ mong sẽ được học trong một ngôi trường bình thường như các bạn”.

Mong trò có chỗ ngồi học an toàn

Sau khi bị đổ sập mái, dãy 7 phòng học bị đình chỉ, không sử dụng.
Sau khi bị đổ sập mái, dãy 7 phòng học bị đình chỉ, không sử dụng.

Cách đây 8 năm, Trường THCS Nghĩa Long và Trường THCS Nghĩa Lộc 2 (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) sáp nhập thành Trường THCS Long Lộc. Do chưa có cơ sở vật chất mới, địa bàn rộng, nên trường vẫn duy trì 2 phân hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh. Trong đó, phân hiệu 2 xã Nghĩa Lộc đã xây dựng hơn 20 năm, gồm 2 dãy phòng học và khu hiệu bộ đều có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

“Trước mỗi năm học, chúng tôi cũng rà soát cơ sở vật chất, đảo ngói, nhưng chỉ khắc phục được phần nhỏ. Còn lại tường bị bong tróc, nứt nẻ, cửa lớp, hệ thống rui hoành bằng gỗ trên mái bị mối mọt ăn mòn, chỉ còn cách thay mới chứ không tu sửa được”, cô Trương Thị Nhâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Nghĩa Lộc là xã khó khăn của huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An. Dân cư đông, nên địa bàn có tới 2 trường THCS. Sau đó, do quy mô học sinh giảm dần, Trường THCS Nghĩa Lộc 2 sáp nhập với THCS Nghĩa Long thành Trường THCS Long Lộc.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng nêu ra bất cập sau sáp nhập của trường liên xã. Chính quyền xã ưu tiên quan tâm, đầu tư cho trường của địa phương mình trước, còn “trường chung thì không ai khóc”.

Năm học 2020 – 2021, phân hiệu 2 Trường THCS Long Lộc có 10 lớp với 350 học sinh. Khi dãy nhà 7 phòng học bị hư hỏng, nhà trường cũng tính đến việc gửi học sinh sang phân hiệu 1 tại xã Nghĩa Long. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nơi đây cũng không đáp ứng đủ.

Trong khi đó, nơi xa nhất của học sinh từ Nghĩa Lộc sang Nghĩa Long hơn 10km, theo trục đường mòn Hồ Chí Minh nhiều xe cộ lưu thông. Còn Trường THCS Nghĩa Lộc 1 cũng không thể nhận thêm học sinh do sĩ số đã quá đông.

Hiệu trưởng Trường THCS Long Lộc lo lắng: “Dự kiến năm học 2020 - 2021, tại phân hiệu 2 tăng 2 lớp, và đến năm học 2022 – 2023 sẽ tăng 4 lớp. Trong khi chỉ có 6 phòng học sử dụng được, và không còn phòng chức năng nào. Với cơ sở vật chất tạm bợ như vậy ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học tới sẽ khó khả thi”.

Trước mắt, nhà trường vẫn phải sử dụng 4 phòng học tạm trong gara xe đạp. Trường hợp thời tiết khắc nghiệt (mưa, gió rét...) sẽ chuyển sang học 2 ca để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, điều này cũng có hạn chế trong bố trí, sắp xếp thời gian biểu, giáo viên rất vất vả vì dạy liên tục ở 2 điểm trường cách xa nhau.

Cũng theo cô Trương Thị Nhâm, Trường THCS Long Lộc đã làm tờ trình gửi UBND huyện Nghĩa Đàn, đề nghị chính quyền địa phương khảo sát thực tế cơ sở vật chất phân hiệu 2. Qua đó, phân bổ kinh phí xây dựng phòng học mới trong thời gian sớm nhất, để học sinh có chỗ ngồi học an toàn, phụ huynh yên tâm, nhà trường cũng thực hiện tốt nghiệm vụ dạy học.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Phòng đã nắm thực trạng Trường THCS Long Lộc xuống cấp nghiêm trọng, phải sử dụng gara xe đạp làm phòng học. Vừa qua, trong cuộc họp HĐND huyện Nghĩa Đàn, Phòng cũng đã kiến nghị, đề xuất cấp kinh phí ngân sách xây mới phòng học cho Trường THCS Long Lộc.

Đề xuất này đã được chính quyền địa phương ghi nhận để đưa vào kế hoạch tài chính của năm 2021. Dự kiến, sẽ xây dựng mới dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học cho nhà trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.