Nan giải phòng học tạm

Nan giải phòng học tạm

(GD&TĐ) - Nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể để giúp học trò miền núi, vùng sâu, vùng xa được đi học, ngành GD&ĐT, các địa phương đã có nhiều giải pháp như phát triển điểm trường lẻ, xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú... Song do qui mô trường lớp tăng, cộng thêm điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, chủ yếu lại nằm trong số những tỉnh nghèo, 62 huyện nghèo nhất cả nước nên tình trạng sử dụng phòng học tạm, học nhờ vẫn còn. Xóa hết phòng học tạm là bài toán khó vẫn chưa có đáp án. 

Nhọc nhằn nơi con chữ neo đậu

Ngân sách cấp có hạn, cộng với khả năng kinh tế của địa phương không nhiều nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp ở vùng khó gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do tại sao trong nhiều chuyến công tác cơ sở, nhất là các tỉnh miền núi, hình ảnh thầy và trò đang dạy - học trong những lớp học tạm bợ, tranh tre nứa lá chưa được kiên cố hóa. Lớp học được quây lên tạm bợ bởi thân cây nứa đập dập, che lưng lửng ngang chỗ học sinh ngồi học, bên trên lợp mái lá. Mùa hè thoáng mát bởi gió ngàn nhưng mùa đông học trò miền núi co ro trong giá rét và mưa hắt. Những mảnh gỗ rừng ghép lại làm bảng, làm ghế ngồi cho học sinh. 

Thế mới biết, để kéo được học sinh vùng sâu, vùng xa đến lớp đã khó nhưng giữ được sĩ số lại càng khó. Và để truyền thụ cho các em học sinh dân tộc thiểu số vốn tri thức với thầy cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp lại càng khó khăn bội phần. Nhưng trong những lớp học tạm ấy, tiếng học bài của học sinh làm ấm lại những tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô dưới xuôi lên lập nghiệp. Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Simacai, cô Nguyễn Thị Ngân chia sẻ: Nếu không có lòng yêu nghề sẽ không trụ lại với đất này.

Dạy và học trong phòng học tạm ở điểm trường lẻ huyện Mường Nhé (Điện Biên) Ảnh: V.K
Dạy và học trong phòng học tạm ở điểm trường lẻ huyện Mường Nhé  (Điện Biên) Ảnh: V.K

Năm học này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xây mới được 2.647 phòng học, 731 phòng chức năng với kinh phí đầu tư trên 1.765 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp được 9.769 phòng học, với số tiền trên 376 tỷ đồng nhưng vẫn còn khoảng 5.000 phòng học tạm, học mượn. Riêng tỉnh Sóc Trăng có gần 2000 phòng học tạm mượn, Cà Mau hơn 1.000 phòng, nhất là ở cấp mầm non. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Xuân Phùng đã chia sẻ tại hội nghị giao ban vùng: Những năm qua lãnh đạo tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Giáo dục để phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Song, cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu và bất cập. Hiện toàn tỉnh còn thiếu 1.700 phòng học. 50% trường lớp được kiên cố hóa, vẫn còn tình trạng học tạm, học nhờ.

Mong có điều kiện dạy - học tốt hơn

Muốn có chất lượng giáo dục phải có điều kiện dạy và học tối thiểu, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục. Các tỉnh vùng khó dù đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường, lớp học từ nhiều nguồn vốn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn chương trình các xã 135; vốn xã hội hóa. Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, nguồn xã hội hóa không đáng là bao thì những nơi này qui mô trường lớp lại tăng, khác hẳn với các tỉnh dưới xuôi đang đối mặt với tình trạng thừa trường, thừa lớp, cần tổ chức mô hình trường liên xã. Đây chính là áp lực, là bài toán nan giải cho việc xóa phòng học tạm, học nhờ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chẳng hạn ở Vùng I, năm học 2012-2013, tổng số trường mầm non, phổ thông và học sinh trong toàn vùng đều tăng so với năm học trước, đặc biệt là cấp mầm non tăng 99 trường và cấp tiểu học là 14 trường. Chuẩn bị cho năm học mới, các Sở GD&ĐT Vùng I chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản; huy động các nguồn lực nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các phòng học, phòng chức năng, nhà nội trú và nhà công vụ, tuy nhiên trên địa bàn vùng sâu vùng xa ở một số tỉnh tình trạng thiếu phòng học còn phổ biến. 

Với mục tiêu xóa bỏ phòng học tạm, học nhờ, các địa phương như: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Cao Bằng mong muốn Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và xây nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 để các địa phương tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó cần tăng mức đầu tư kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật trường học, hạ tầng công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho các trường, cấp bổ sung ngân sách để thanh toán cho các công trình đã hoàn thành.

Toàn vùng hiện có 2.801 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, nhưng vẫn ở con số khiêm tốn chiếm 32,14%, dù đã tăng 309 trường chuẩn quốc gia so với cùng kỳ năm học trước. Nhiều tỉnh tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 50% như: Bắc Giang (69,06%), Thái Nguyên (62,90%). Thế nhưng hiện trong vùng 2 tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dưới 10%, đó là Cao Bằng và Sơn La. 

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.