Dự hội nghị có ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng cán bộ phòng chuyên môn trực thuộc Sở; lãnh đạo các địa phương và Phòng GD&ĐT 21 huyện, thành thị trong tỉnh.
Theo lộ trình, chương trình GDPT mới được triển khai từ năm học 2020 – 2021 bắt đầu với lớp 1 và tịnh tiến dần theo bậc học. Để chuẩn bị thực hiện chương trình này, các nhà trường cần đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với tiểu học để dạy học 2 buổi/ngày; đảm bảo về cơ cấu giáo viên đặc biệt các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ và các môn tích hợp.
Nghệ An hiện còn nhiều lớp học tạm, cơ sở vật chất khó khăn |
Về cơ sở vật chất phải đảm bảo đủ phòng học với 1 lớp/phòng, các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu...
Đối với tỉnh Nghệ An, khó khăn nhất trong triển khai chương trình phổ thông tổng thể là cơ cấu đội ngũ giáo viên ở bậc tiểu học chưa đủ, chỉ mới đạt 1,28 giáo viên/lớp. Toàn tỉnh đang thiếu 2.226 giáo viên. Ở các bậc học còn lại, nhiều trường đang thiếu giáo viên các môn như Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Ngoại ngữ.
Ông Thái Văn Thành - GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị |
Nghệ An hiện cũng đang có hơn 500 điểm trường lẻ ở bậc tiểu học nên khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí giáo viên. Tất cả các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT đều chưa đạt theo tỷ lệ yêu cầu của chương trình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn nhận những khó khăn và đề xuất, kiến nghị với các cấp ngành có thẩm quyền những giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới tại Nghệ An.
Giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng năng lực chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới |
Qua đó, Hội nghị thống nhất thời gian tới, Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp Sở Nội vụ rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ phù hợp;
Phối hợp Sở Kế hoạch và đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phối hợp Sở Tài chính xây dựng nhu cầu kinh phí đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT và phù hợp thực tế của tỉnh. Đảm bảo 100% giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông đối với từng cấp học.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; dồn dịch các điểm trường lẻ, trường có ít lớp, ít học sinh ở cấp tiểu học để tập trung đầu tư nguồn lực, bố trí đội ngũ, đảm bảo 100% học sinh cấp tiểu học được học các môn bắt buộc theo lộ trình.