Nghệ An: Gặp mặt cựu nhà giáo tham gia kháng chiến chống Mỹ

GD&TĐ - Họ là nhà giáo, là đồng nghiệp nhưng cũng là đồng đội của nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, người ở lại phục vụ trong quân ngũ, người trở lại ngành, tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Giám đốc Sở GD&ĐT, Công đoàn GD Nghệ An tặng quà cho các cựu nhà giáo - cựu chiến binh.
Giám đốc Sở GD&ĐT, Công đoàn GD Nghệ An tặng quà cho các cựu nhà giáo - cựu chiến binh.

Sáng ngày 27/4, tại Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn) đã diễn ra buổi gặp mặt giữa các cựu nhà giáo Nghệ An nhập ngũ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975).

Buổi gặp mặt còn có sự tham gia tìm về của thân nhân nhiều cựu nhà giáo đã hi sinh trong chiến trường hoặc sau này đã mất do tuổi cao, sức yếu.

Niềm vui gặp lại đồng nghiệp, đồng đội cũ.
 Niềm vui gặp lại đồng nghiệp, đồng đội cũ.

Tại buổi gặp mặt, các cựu nhà giáo cùng nhắc lại năm tháng lịch sử của dân tộc. Khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, lệnh tổng động viên toàn quốc, dốc toàn lực vì miền Nam ruột thịt, nhiều nhà giáo đang say sưa cống hiến cho sự nghiệp trồng người đã xung phong lên đường ra trận.

Cựu nhà giáo nhập ngũ kháng chiến chống Mỹ gặp mặt ôn lại tháng năm lịch sử.
Cựu nhà giáo nhập ngũ kháng chiến chống Mỹ gặp mặt ôn lại tháng năm lịch sử.

Có đồng chí cha mẹ già yếu, con còn nhỏ, có đồng chí mới cưới vợ, có đồng chí còn chưa lập gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, rời bảng đen phấn trắng nhập ngũ, vào biên chế ở nhiều binh chủng, mặt trận khác nhau, nhưng các nhà giáo – bộ đội vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt mọi khó khăn.

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, nam bắc thống nhất, đất nước hòa bình. Trong số các nhà giáo ra trận, có người đã hi sinh, có người ở lại đến ngày vui.

Nhà giáo Phạm Quý Hùng tặng quà cho thân nhân nhà giáo hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ
Nhà giáo Phạm Quý Hùng tặng quà cho thân nhân nhà giáo hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ 

Một bộ phận tiếp tục làm nhiệm vụ khác trong quân ngũ, về các trường văn hóa quân đội, quân khu, cũng có nhiều người trở lại ngành, trở về với mái trường, học sinh thân yêu.

Được thử lửa ở chiến trường, về trở cởi áo lính họ lại thành thầy giáo mẫu mực, thi đua dạy tốt học tốt. “Một thời là lính Trường Sơn, một thời nếm trải thử thách, xây dựng tình đồng chí, đồng đội, tự hào có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30/4 của 44 năm về trước, chúng tôi thành lập hội các nhà giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972. Để có dịp được hàn huyên, “hiểu những điều ta chưa từng hiểu, để chính mình mới hiểu rõ mình hơn”, nhà giáo cựu chiến binh Phạm Quý Hùng (nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An) bày tỏ.

Hội cựu nhà giáo Nghê An nhập ngũ năm 1972.
Hội cựu nhà giáo Nghê An nhập ngũ năm 1972.

Có mặt tại buổi lễ gặp mặt, thay mặt lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An, GS.TS. Thái Văn Thành – GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa không chỉ của hội các nhà giáo Nghệ An nhập ngũ năm 1972 mà còn mang tính giáo dục cao đối với ngành, với thế hệ trẻ và các em học sinh. Có trân trọng lịch sử, có truyền thống tôn sự trọng đạo, thì môi trường giáo dục mới tốt đẹp.

Là lãnh đạo ngành giáo dục, nhưng đồng thời cũng là bậc hậu bối, GS. Thái Văn Thành bày tỏ: “Chúng em được sinh ra, lớn lên, được giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng trong thời kỳ đất nước yên bình, chúng em tự thấy vô cùng biết ơn thế hệ cha ông, thế hệ thầy cô giáo gửi tuổi xuân ở chiến trường, một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Đó là những giá trị quý giá không có gì đo đếm và không gì có thể mua được. Chúng em mong các thầy cô giữ tinh thần người lính, người giáo viên tiếp tục đóng góp giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, tự hào dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ