Nghệ An: Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, công nhân thất nghiệp

Nghệ An: Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, công nhân thất nghiệp

Trong khi đó, một số lao động tự xin nghỉ việc do thu nhập không bảo đảm và lo ngại vì dịch bệnh.

Lao động thất nghiệp tăng

Thời gian qua, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, có nhiều người đến làm thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong khi đó, số lao động đến tìm việc làm mới lại giảm. Anh Trần Đình Tú (quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) làm ở bộ phận kỹ thuật cho một công ty có chi nhánh tại Lào. Thời điểm ra Tết, nhận thấy tình hình sức khỏe không bảo đảm, anh xin nghỉ để tìm kiếm công việc gần nhà, phù hợp hơn. Tuy nhiên do dịch bệnh, nhu cầu lao động của doanh nghiệp giảm hoặc đang dừng tuyển dụng. Trong lúc chờ việc, anh làm thủ tục để được nhận BHTN, bảo đảm quyền lợi cho mình.

Cũng làm chế độ BHTN, song Nguyễn Lan Anh (24 tuổi, quê Hưng Nguyên, Nghệ An) lại vừa chủ động xin nghỉ việc. Trước đó, Lan Anh làm việc cho một công ty may trên địa bàn, thu nhập khá ổn định. “Gần đây số người nhiễm Covid-19 ở nước ta tăng lên, dịch bệnh phức tạp. Em thấy làm việc trong xưởng mọi người ngồi gần nhau, ăn trưa tập thể cũng nhiều người chung bàn, em lo không an toàn nên tự xin nghỉ việc. Sau này khi hết dịch thì em sẽ tìm việc sau”, cô gái trẻ nói.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An: Trong quý I, có hơn 3.400 lao động đến làm thủ tục hưởng chế độ BHTN, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số người đến trực tiếp tại trung tâm để đăng ký tìm việc làm chỉ có hơn 300 người. Điều này không có nghĩa là nhu cầu tìm việc giảm, mà để phòng dịch bệnh nên trung tâm triển khai nhiều hình thức tư vấn online thay vì trực tiếp.

Cũng theo ông Tuấn, qua khảo sát của trung tâm, từ tháng 1 đến nay, những doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, nhu cầu tuyển dụng lao động cao như: Dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, khu cộng nghiệp VSIP, khu kinh tế Đông Nam đều đang dừng tuyển dụng.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, dừng tuyển dụng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CP Cơ khí và Xây dựng Hà Thành (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị đối tác tạm hoãn triển khai 5 đơn hàng lớn đã thỏa thuận cuối năm ngoái. Kế hoạch sản xuất đảo lộn, để bảo đảm công ăn việc làm cho gần 60 lao động, doanh nghiệp phải tìm mọi phương án duy trì hoạt động. “Công ty nhận tất cả các đơn hàng nhỏ thay vì chỉ nhận những đơn hàng lớn như trước đây. Đồng thời sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để bù lỗ, trả lương cho công nhân lao động. Hỗ trợ 50% chi phí bảo hiểm xã hội, 100% chi phí bảo hiểm tai nạn lao động 24/24 giờ cho công nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc công ty cho hay: “Thời gian này, chúng tôi không tính đến lợi nhuận mà mục đích chính là duy trì công việc và thu nhập cho công nhân. Từ đó mới giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó và sẻ chia với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này”.

Không có tích lũy lớn, công ty của gia đình chị Phạm Thị Y. (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) phải đóng cửa. “Công ty tôi chuyên bán đồ nội thất, nhưng hiện trong vùng có nhiều người kinh doanh mặt hàng tương tự nên khó cạnh tranh. Dịp ra Tết, đơn hàng khan hiếm vợ chồng quyết định đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc. Trước đó, chồng tôi đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Tôi có con nhỏ nên dịp này ở nhà và làm chế độ để hưởng BHTN”, chị Y. chia sẻ.

Tại các khu công nghiệp trong tỉnh, việc sản xuất kinh doanh cũng trong tình trạng cầm chừng. Theo bà Phan Thị Thùy Dung (Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam tại Nghệ An) cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn hàng giảm, nguồn nguyên liệu giảm. Công ty không tổ chức tăng ca dẫn tới thu nhập của lao động cũng giảm theo. Thống kê của doanh nghiệp này cho thấy, trong quý I/2020 có 300 lao động xin nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, trong 3 tháng đầu năm 2020, có 20 công ty trong và ngoài tỉnh thông báo người lao động xin nghỉ việc với hơn 2.400 người (là người Nghệ An – PV). Có doanh nghiệp số công nhân xin nghỉ lên đến hàng trăm như: Công ty THHH KIDO Vinh (250 người), Công ty Wooin Vina (300 người), Công ty May Tinh Lợi – Hải Dương (237 người), Công ty May Minh Anh - Đô Lương (283 người)… Tuy nhiên, chỉ có 5/20 công ty này thông báo đang tuyển dụng, còn lại đã tạm dừng.

Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho hay: “Trong thời gian này, chúng tôi vẫn tiếp tục thu thập thông tin để giới thiệu cho lao động khi các nhà tuyển dụng có nhu cầu. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch hoạt động khi dập dịch xong, tình hình sản xuất của doanh nghiệp hồi phục trở lại. Trong đó, chúng tôi đang vận hành và chạy thử ứng dụng tìm việc trên 2 hệ điều hành Android và iOS, tạo thuận lợi và tiện dụng cho người lao động”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...