Nghệ An: Dần bỏ khái niệm trường học trực tuyến, ưu tiên dạy trực tiếp

GD&TĐ - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định, khó tránh khỏi xuất hiện F0 trong trường học. Trong bối cảnh đó, các trường cần nỗ lực để đảm bảo an toàn phòng dịch, duy trì dạy học trực tiếp.

Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tổ chức dạy học an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tổ chức dạy học an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.

Chiều 8/2, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức họp trực tuyến bàn giải pháp tổ chức dạy học an toàn. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời điểm sau tết nguyên đán, số học sinh F0 tăng đột biến. Dự hội nghị trực tuyến có sự tham gia của Phòng GD&ĐT và trường THPT của 21 huyện, thành, thị.

Học sinh F0 tăng đột biến ở nhiều địa phương

Sau dịp Tết Nguyên đán, Nghệ An có 18/21 huyện, thành thị học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Riêng thị xã Cửa Lò, huyện Thanh Chương, Nghĩa Đàn đang tạm học trực tuyến 100%.

Tại hội nghị, ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho hay, địa bàn thị xã mặc dù nhỏ hẹp, chiều dài chưa tới 30km2 với 20 trường học xã phường, nhưng sau tết, mỗi ngày ghi nhận từ 150-200 trường hợp F0. Đến nay, thị xã có khoảng 500 F0 trên tổng số 5 vạn dân, trong đó có 56 học sinh là F0. Điều này gây áp lực cho thị xã nói chung trong công tác phòng chống dịch và ngành giáo dục nói riêng trong tổ chức dạy học trực tiếp.

Hiện thị xã Cửa Lò đã dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người, nên số F0 những ngày gần đây đã giảm dần. Thời gian này, Cửa Lò đang tầm soát dịch bệnh toàn thị xã. Vì vậy, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tạm triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian ngắn từ 7-12/2. Khi ổn định trở lại sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.

Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tổ chức dạy học an toàn sau Tết Nguyên đán.
Nghệ An tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tổ chức dạy học an toàn sau Tết Nguyên đán.

Đối với huyện Thanh Chương, ông Trần Xuân Hà – Trưởng Phòng GD&ĐT cũng thông tin, dịp sau tết trên địa bàn bùng phát dịch phức tạp với nhiều ổ dịch nằm rải rác các xã, thị trấn. Tình trạng này xuất phát từ đặc thù địa phương có số con em xa quê trở về trong dịp tết đông, với trên 19 nghìn người.

Do đó, trong những ngày qua số F0 trên địa bàn tăng nhanh, có ngày gần 100 ca và hiện đang có 69 học sinh và 10 giáo viên F0. Từ thực tế này, huyện Thanh Chương đang cho học sinh mầm non nghỉ học đến ngày 11/2 và các bậc học còn lại chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, Thanh Chương đã tận dụng được thời gian vàng để dạy học trực tiếp nên huyện không chịu áp lực về chương trình, nhiều trường tiểu học đã dạy đến tuần 25 và bậc THCS và THPT dạy đến tuần 21, 22. Vì vậy, chủ trương của huyện là tổ chức dạy học trực tuyến đến khi dịch cơ bản khống chế và đảm bảo được an toàn.

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp.
Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp.

Tương tự, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn cũng cho biết việc học trực tuyến tại một số trường trên địa bàn có nhiều F0 là giải pháp tình thế, trước mắt sau dịp nghỉ tết.

Huyện đang nhanh chóng rà soát số lượng F0 để có phương án dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cục bộ. Riêng trường hợp giáo viên F0, F1 vẫn có thể tham gia dạy học online tại nhà hoặc khu cách ly khi sức khỏe đảm bảo.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý với 3 địa phương trên, sau khi rà soát và khoanh vùng lớp có học sinh F0, thì Phòng tham mưu với thị xã, có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Cụ thể, đối với Trường THPT đã 100% tiêm phòng 2 mũi thì cho học sinh đến trường. Tiếp đó là đến bậc THCS và sau đó là tiểu học và mầm non khi đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch.

Không có khái niệm huyện, trường học trực tuyến

Từ thực tế dịch bệnh phức tạp, tại cuộc họp, các địa phương cũng nêu ý kiến về việc tổ chức dạy và học thích ứng. Tại thành phố Vinh, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng Phòng GD&ĐT cho hay, số F0 ngày 8/2 tăng cao so với ngày hôm qua từ 56 lên 158 em. Trong đó bậc tiểu học nhiều nhất với hơn 100 học sinh ở bậc tiểu học. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong một vài ngày tới.

TP Vinh đang tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả trường phổ thông.
TP Vinh đang tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả trường phổ thông.

Trước tình hình trên, việc tổ chức dạy và học ở thành phố Vinh chịu khá nhiều áp lực. Tuy vậy, hiện nay thành phố vẫn đang tổ chức dạy học trực tuyến. Riêng những lớp có học sinh F0 được chuyển sang dạy học trực tuyến để vừa thực hiện được chương trình, vừa đảm bảo an toàn.

Thành phố cũng đề nghị Sở có chỉ đạo thống nhất chung trong việc tổ chức dạy và học để thuận lợi cho thành phố trong quá trình triển khai. Đồng thời mong muốn Sở có định hướng cho thành phố đón trẻ mầm non 5 tuổi trở lại trường khi 5 trường mầm non đang dự kiến được trưng dụng làm bệnh viện thu dung F0.

Đại diện các huyện Con Cuông, Nam Đàn, Quỳnh Lưu... cũng cho biết việc triển khai dạy học sau tết đang được chỉ đạo phù hợp với thực tế của từng địa phương cụ thể. Trong đó, chủ trương chung là khoanh vùng các điểm dịch, lớp học có F0 và chuyển sang dạy học trực tuyến.

Một số huyện thị trước tết vẫn chưa cho trường mầm non mở cửa, hiện đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, nhằm đảm bảo chuẩn kỹ năng trước khi vào lớp 1.

Tại huyện Quỳnh Lưu hiện đã có 15 trường mầm non dạy học trở lại. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết sẽ nỗ lực đến 14/2 cố gắng để trẻ mầm non 5 tuổi toàn huyện được đến trường trở lại. Mục đích đảm bảo quyền lợi cho trẻ và đảm bảo yêu cầu hoạt động giáo dục.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương chuẩn bị điều kiện đón trẻ mầm non 5 tuổi, trang bị kỹ năng chuẩn bị bước vào lớp 1.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương chuẩn bị điều kiện đón trẻ mầm non 5 tuổi, trang bị kỹ năng chuẩn bị bước vào lớp 1.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành nhận định: So với thời điểm trước tết, số học sinh ở các nhà trường bị nhiễm Covid – 19 có xu hướng gia tăng.

Khó khăn hiện nay ở Nghệ An là số học sinh trong một trường học rất đông, nhiều trường trên 1000 học sinh. Vì thế, nếu phụ huynh vẫn đang còn tâm lý chủ quan thì việc giữ đảm bảo an toàn trong trường học rất vất vả. Trong khi đó, nếu học sinh không được đến trường, kéo dài việc học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và việc tiếp thu kiến thức của học trò.

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng chia sẻ với những áp lực mà ngành giáo dục địa phương, các hiệu trưởng, giáo viên đang gặp phải sau dịp tết.

Nghệ An đã tiêm phủ vắc xin cho trên 90% học sinh toàn tỉnh trong đó bậc THPT đạt trên 97%.
Nghệ An đã tiêm phủ vắc xin cho trên 90% học sinh toàn tỉnh trong đó bậc THPT đạt trên 97%.

Để làm tốt công tác tổ chức dạy và học, Giám đốc Sở đề nghị các nhà trường phải làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, các nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ, của tỉnh và của ngành về phòng dịch.

Các nhà trường cũng không được chủ quan trong quá trình tổ chức dạy học, thực hiện giãn cách cục bộ đối với những lớp, những trường có số lượng học sinh F0 nhiều.

Hiện nay, theo tổng hợp của ngành tỷ lệ tiêm chủng đối với học sinh trong toàn tỉnh đã đạt trên 90%, trong đó riêng bậc THPT là trên 97% và đã miễn dịch cộng đồng. Vì thế, quan điểm của ngành sẽ ưu tiên dạy học trực tiếp.

“Nghệ An sẽ dần bỏ khái niệm huyện học trực tuyến và trường học trực tuyến nữa. Thay vào đó, ngành giáo dục thống nhất trường phải đi học trực tiếp, và chỉ khoanh vùng lớp có học sinh F0, chuyển sang học trực tuyến. Những lớp không có học sinh F0 thì đi học trực tiếp bình thường”, ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Thời gian còn lại của năm học, lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị các nhà trường quan tâm đến chất lượng dạy học. Trong đó, cần kiểm tra đánh giá lại năng lực học sinh để tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho học sinh.  Tăng cường công tác ôn tập đối với học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 12, chú trọng đến các kỳ thi kiểm tra năng lực để phù hợp với xu thế, bối cảnh mới. Đồng thời lắng nghe ý kiến của phụ huynh, học sinh để sớm báo cáo với Sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ