Người ta tin rằng, khi mua vàng vào ngày này để bên người, bỏ vào két sắt hay trưng trong nhà sẽ mang lại tài lộc cho cả một năm đủ đầy, buôn may bán đắt và dư giả về tiền bạc.
Sự tích ngày vía Thần Tài
Phong tục này bắt nguồn từ sự tích đã lưu truyền từ lâu. Xưa kia, dưới trần gian vốn không có Thần Tài. Thần Tài là vị thần cai quản về tiền lạc và tài lộc của trần gian chỉ ở trên thiên đình. Trong một lần uống rượu say lỡ rơi xuống trần gian và bị đập đầu vào đá, mất trí nhớ, không nhớ đường về, không biết mình là ai, ngài đành lưu lạc đói khát trong dân gian.
Một người thấy vị thần ăn vận kì quái nên đã trộm quần áo trên người thần đem đi bán mất.
Do đói khát, vị vào một quán ăn xin ăn, được đối đãi tử tế và cho ở lại. Lạ thay, sau khi vị Thần này bước vào quán thì ngay lập tức kháTh hàng kéo vào không ngớt. Ngày qua ngày, chủ quán thấy Thần tài không làm gì mà vẫn ở nhà ăn chơi, bẩn thỉu đành đuổi đi. Thấy vậy, một chủ quán đối diện thương xót đành mời vị vào nhà cho ăn uống. Sau đó, cửa hàng trở nên đông khách và làm ăn phát đạt.
Thấy vậy, chủ cửa hàng mua quần áo cho vị Thần Tài, tình cờ mua đúng được bộ quần áo đã bị lấy cắp, sau khi mặc vào, vị Thần Tài bỗng nhớ lại và ngay lập tức trở về thiên đình. Từ đó, ngày thần trở về trời, mùng 10 tháng giêng, được lấy làm ngày vía Thần Tài hàng năm.
Vào ngày này, những người thờ cúng Ban thần tài đặc biệt là những thương nhân thường cúng dâng lễ trịnh trọng bày tỏ lòng thành kính và cầu mong một năm làm ăn phát đạt, gia đạo hưng long.
Ngoài việc dâng lễ cúng, người dân thường có thêm phong tục mua vàng với mong muốn có được vía tốt cho một năm nhiều tài lộc. Thường vàng được mua để làm đồ trang sức, bỏ vào ví, trưng nơi làm việc, két sắt…
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến bình luận về sự cần thiết của tục thờ Thần tài, cúng vía Thần Tài và đặc biệt là mua vàng cầu lộc tài vào ngày mùng 10 tháng riêng hàng năm.
Mua vàng vào ngày này có thực sự mang lại tài lộc?
Theo quan điểm của Đạo Phật, Tài lộc được sinh ra từ phước báu của mỗi người, phước báu lại đến từ công đức. Để có được phước báu, con người cần biết tu tâm tích đức bằng việc bố thí và tu tập: Bố thí tài sản như các hành động từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, bố thí giáo pháp: mang đạo pháp tới những người chưa ngộ đạo khiến họ biết sống tốt, làm việc thiện và bố thí vô úy tức là dùng lời nói hoặc hành động mang lại sự bình an cho người khác.
Ngoài ra, tu thiền định, giữ giới trong Đạo Phật cũng là một cách sinh ra phước báu. Để có tài lộc hay tài sản chân chính, bền chặt thì nó phải xuất phát và tích lũy từ phước báu của bản thân.
Vì vậy, tục thờ Thần tài hay dâng lễ lên ban thờ Thần Tài vào ngày vía Thần Tài dù chỉnh chu tới đâu mà không có sự tu tập từ chính bản thân gia chủ thì cũng không mang lại phước báu hay sự giàu sang thịnh vượng.
Phong tục thờ cúng Thần Tài nói riêng và các vị Thần khác nói chung trong dân gian, là nét đẹp văn hóa tâm linh, hướng cho con người đến sự tôn trọng những đấng vô hình, hướng tới những việc hay lẽ phải mà làm, để các vị thần vô hình xem xét mà ban phước hay bố thí tài lộc, sức khỏe, của cải vật chất… tránh những nỗi khổ lầm than, giúp tiêu nghiệp mà bản thân đang hứng chịu.
Xét về sự tích ngày Vía Thần Tài cũng không nằm ngoài giáo lý này, chủ quán mở lòng ra bố thí cho vị Thần tài, người đang gặp cảnh cơ hàn thì sẽ nhận được phước báu mà có tài lộc, có đông khách, việc buôn bán thuận lợi.
Vì lẽ đó, việc mua hay trưng vàng trong ngày vía Thần Tài thực sự chỉ là phong trào đến từ sự lầm tưởng trong tâm thức cầu mong điều may mắn và tài lộc của con người chứ thực sự không sinh ra tài lộc.
Hành động này nên được thay thế bởi các hoạt động ý nghĩa tích hơn giúp tích công đức và phước báu như làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn cơ hàn...
Hiểu được đạo lí cho đi và nhận lại này, trong tháng Giêng, tháng khởi đầu của một năm mới, người dân đặc biệt là các thương gia chắc chắn sẽ nhận lại những điều tốt đẹp, tài lộc đủ đầy cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.