Như tên gọi, chủ đề xuyên suốt của cả triển lãm là “Thời gian”, bởi mọi tác phẩm trong triển lãm này đều là những cách “đo, tìm, tạo lập, thu thập” thời gian - lịch sử và ký ức khác nhau của các nghệ sĩ: Võ Trân Châu, Nguyễn Huy An, Phan Thảo Nguyên, Nguyễn Trinh Thi và Trương Công Tùng.
Thời gian qua “đôi mắt” nghệ thuật
Dù vô tình hay cố ý, từ việc tạo dựng một cách kể mới, một cái nhìn đa chiều về những bi kịch con người qua tác phẩm sắp đặt mang tính phù du “Tơ giáp hạt” của Phan Thảo Nguyên tới quá trình dệt lại ký ức – một nỗ lực nhằm tiếp cận các phần lịch sử còn mơ hồ với loạt tranh thêu và cắt ghép mosaic của Võ Trân Châu.
Võ Trân Châu từng nổi tiếng với triển lãm “Nhặt lá rừng xưa” vào tháng 2/2020 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory. Cô giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nghệ thuật trong hành trình tìm đến di sản, nhìn nhận lại lịch sử và miền ký ức.
Với chất liệu chính là vải vóc, trong hơn 2 năm Võ Trân Châu bỏ nhiều thời gian đi gom nhặt quần áo cũ ở Sài Gòn. Từ nhiều loại vải thu thập được, nữ nghệ sĩ cắt chúng thành những mảnh nhỏ, sắp xếp theo mã màu, rồi chắp thành những bức tranh ghép mang hình ảnh các công trình kiến trúc cũ, từng hiện diện như Nhà máy dệt Nam Định, thương xá Tax, nhà thờ Trà cổ, Trường vẽ Gia Định.
Tương tự cách vải vóc được hình thành, chuỗi tác phẩm này của Võ Trân Châu cố gắng nhặt nhạnh những gì đã mất, dệt lại ký ức một cách chậm rãi - đối nghịch với tốc độ biến mất nhanh chóng của các công trình kiến trúc cũ, để nhường chỗ cho sự phát triển đô thị chóng mặt ngày nay.
Thời gian cũng hiện diện trong tác phẩm “Bài tập số 2” của Nguyễn Huy An như một vế của phương trình toán học – thể hiện mối tương quan giữa bóng của một tượng đài và mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Nghệ sĩ đề nghị người xem lập lịch trình để chiêm nghiệm sự tương tác giữa tự nhiên và phi tự nhiên. Bằng cách đó, nghệ sĩ trao cho công chúng cơ hội suy ngẫm về con người, xã hội và thiên nhiên.
Nguyễn Huy An sinh năm 1982 tại Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Anh được coi là một trong những “nghệ sĩ cá tính và mạnh mẽ nhất trong thế hệ của mình”. Các tác phẩm của anh gồm tranh, trình diễn, sắp đặt đều là quá trình cố gắng đào sâu vào những mảng tối của tâm thức. Anh được các curator và nhà phê bình nghệ thuật quốc tế đánh giá cao bởi sự tối giản về hình thức, mạnh mẽ về nội tâm, và giàu ý niệm trong các tác phẩm.
Hướng nghệ thuật đến văn hóa Việt
Ở loạt tranh “Khi thời gian trôi qua những cái bóng (1 2 3 4...)” của Trương Công Tùng, thời gian, ánh sáng, bóng tối lại được dùng làm chất liệu. Với series tác phẩm khá mạnh về mặt thị giác, Trương Công Tùng đã thiết lập một lớp trần thuật mạch lạc về thời gian, nhưng lại ngầm gây sự bối rối với những hình ảnh, thông tin đan xen giữa sự thật ảo.
Sinh năm 1986, Trương Công Tùng lớn lên ở Đắk Lắk và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2010 với chuyên ngành sơn mài. Nghệ sĩ trẻ quan tâm nghiên cứu về khoa học, vũ trụ học và triết học. Nhưng công chúng ít biết về một Trương Công Tùng thực hành đa phương tiện với video, sắp đặt, hội hoạ, phản ánh suy nghĩ và băn khoăn cá nhân về những biến thiên văn hóa và địa chính trị.
Những nghiên cứu vĩ mô ấy được Tùng đặt trong tiến trình hiện đại hóa, thường nằm ẩn mình trong thay đổi của hệ sinh thái, niềm tin hay thần thoại của một miền đất. Anh cũng là thành viên của nhóm Art Labor (thành lập năm 2012), một collective hoạt động liên ngành – nghệ thuật thị giác và khoa học xã hội/đời sống nhằm tạo kiến thức thay thế và phi chính thống qua hoạt động nghệ thuật - văn hóa trong những bối cảnh công cộng và địa phương đa dạng.
Tác phẩm “Mười một người đàn ông” của Nguyễn Trinh Thi có lẽ là tác phẩm duy nhất trong triển lãm không chủ ý làm về lịch sử hay một tuyến tính thời gian cố định nào. Cô sử dụng các phim ít nhiều theo thứ tự thời gian, vì vậy theo một cách tự nhiên, tác phẩm của Trinh Thi đã mở cho người xem cơ hội chiêm nghiệm và kết nối với các thời kỳ và mốc thời gian khác nhau của lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Trinh Thi là nghệ sĩ làm phim và video art độc lập tại Hà Nội. Pha trộn các yếu tố của điện ảnh, tài liệu và trình diễn, thực hành nghệ thuật đa dạng của Thi thường là những quan tâm khám phá kí ức và lịch sử.
Năm 2013, cô nổi tiếng với phim tài liệu “Ái nam ái nữ” về những cô đồng trong đạo Mẫu. Sự bất thường của “Ái nam ái nữ” không chỉ vì đề tài, nó còn là một bộ phim tài liệu bất thường về cách thể hiện, nếu so sánh với rất nhiều thể loại phim tài liệu truyền thống trong nước.
Phim không có lời bình, các nhân vật tự nói và bản thân những lời nói của họ đã xâu chuỗi thành câu chuyện. Trong khi với phim tài liệu truyền thống, lời bình là thế mạnh, điểm nhấn - cũng là điều có thể kéo tuột khán giả ra khỏi bộ phim, vì độ dài và mô-típ áp đặt suy nghĩ, quan niệm.
“Ái nam ái nữ” - phim đánh dấu sự ra mắt, cũng làm nên tên tuổi Nguyễn Trinh Thi mang đậm dấu ấn của sự phản biện xã hội: “Đạo Mẫu thờ bà Liễu Hạnh. Nếu so sánh với tôn giáo khác, thì chính đạo Mẫu này mới là cái đạo bản địa của Việt Nam. Người xưa cho rằng, có những người có căn, ai có căn thì phải ra hầu thánh. Nhưng bây giờ có người lại hiểu là ai lên đồng thì mua may bán đắt. Đấy là cái sai”, vị đồng cô nói trong phim của Nguyễn Trinh Thi.