Giới thiệu về chùa Hà - Hà Nội
Ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng về cầu tình duyên tọa lạc tại con phố nhỏ cùng tên – phố Chùa Hà, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Kiến trúc cổ kính được chia thành các khu vực riêng biệt với cổng tam quan 2 tầng, Tam Bảo và 5 gian rộng lớn. Chùa kết cấu hình chữ Đinh bao gồm Thượng điện và Tiền đường, Phật điện thì thờ Đức Ông mà dân gian thường truyền tai nhau là “Đức Ông Chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”.
Ảnh st
Ngoài ra, chùa còn có bàn thờ tòa Thánh mẫu, thờ Đức Thánh Hiền. Ngoài cầu duyên ở chùa Hà, đây cũng là nơi để mọi người đến cầu tài lộc, công danh cho mình. Dần trở thành điểm đến tâm linh được mọi người gửi gắm những ước nguyên, mong cầu của mình. Và đồng thời với kiến trúc đẹp cùng những câu chuyện của nó, ngôi chùa này đã trở thành một trong số những điểm tham quan ở Hà Nội thu hút khách du lịch ghé đến tìm hiểu đông đúc.
Lịch sử Chùa Hà
Trải qua những thăng trầm, vết tích nhuốm màu thời gian, chùa Hà đã hiện hữu tại mảnh đất Thăng Long này từ lâu đời. Theo như người xưa kể lại thì chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông với tên chữ là Thánh Đức Tự hay chùa Thánh chúa bởi chùa là nơi vua cầu tự để sinh ra được vị Thái tử Càn Đức. Một thời gian người dân gọi là chùa Vồi vì toàn bộ được xây bằng gạch vồ và lợp lá gồi đơn sơ.
Ảnh st
Vào năm 1680 chùa được xây dựng lại với tiền công đức của 2 người buôn bán quê ở làng Thể Bắc Giang tại Kinh thành Thăng Long xưa cùng với bà con nơi đây. Những viên gạch vồ mái lá được thay thế bằng gạch và ngói đỏ tươi. Sau đấy chùa cũng đổi tên thành chùa Hà, cùng với đình Bối Hà thờ thành hoàng làng Triệu Chí Thành gần đó tạo nên một cụm di tích nổi bật. Mọi người đến viết sớ cầu duyên ở chùa Hà hay khấn bái trở thành nét đẹp được truyền qua nhiều đời.
Chùa Hà cầu duyên có linh nghiệm hay không?
Khắp Hà Nội có biết bao nhiêu ngôi chùa nổi tiếng, thế nhưng mỗi khi nhắc đến cầu tình duyên thì người ta thường nghĩ ngay đến chùa Hà. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mọi người lại truyền tai nhau câu nói “chùa Hà khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”. Đã có biết bao nhiêu quả ngọt là câu chuyện của những đôi nam nữ đã toại nguyện sau khi đi khấn xin về. Có người chỉ thời gian sau đã có tình yêu, có người thì cưới được vợ hoặc chồng như đúng ý nguyện.
Ảnh st
Hay các cặp đôi đã chia tay nhưng tình chưa dứt, tìm về chùa Hà lại quay về yên bình bên nhau. Ngay cả những người chưa may mắn tìm được tình yêu đích thực đi chùa Hà về cũng thấy mở lòng để dễ đón nhận yêu thương hơn. Chính những câu chuyện của người không suôn sẻ về đường tình duyên, nhưng sau khi đến chùa Hà khẩn cầu cũng thỏa nguyện ước. Nên dần trở thành điểm đến du lịch tâm linh được nhiều người yêu thích, nếu đang FA thì đừng quên sửa soạn đồ lễ và thành tâm đến cầu khấn, biết đâu hết cô đơn mùa gió lạnh đang về!
Hướng dẫn đi lễ cầu duyên ở chùa Hà
Nên đến thời điểm nào?
Chùa Hà thường mở cửa từ sáng đến 6 giờ tối là đóng cửa, hàng tháng mọi người thường chọn ngày rằm hay mùng 1 để đi lễ. Tuy nhiên, khi này lượng người đông đúc bạn khó có thể quỳ lạy vái dưới các bàn Tam bảo hay ban thờ Mẫu. Do vậy, lời khuyên là bạn nên chọn ngày tốt khác khi đó chùa vắng vẻ, thanh tịnh hơn để cầu khấn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn.
Ảnh Giao Thông
Cầu duyên chùa Hà cần mua gì?
Ngoài thành tâm thì lễ mang đi khi đến cầu duyên tại chùa Hà cũng rất quan trọng. Bạn nên tìm hiểu trước khi sắm lễ, thông thường mọi người thường phải chuẩn bị 3 phần đặt ở 3 ban quan trọng với những đồ như sau:
- Lễ đặt ban Tam Bảo: do đây là nơi thờ Phật nên không để lễ mặn và tiền vàng. Chỉ để hoa quả, bánh kẹo chay, hoa tươi, nến, nhang và sớ đã viết dâng lên.
- Lễ đặt ban Đức Ông: mâm lễ ban này có thể để các món mặn, kèm theo đó là tiền vàng, rượu, trà, thuốc và sớ dâng lên Đức Ông riêng.
- Lễ đặt ban thờ Mẫu: đây là mâm lễ quan trọng, ngoài tiền vàng, bánh kẹo và sớ thì còn phải nhớ có 5 bông hồng đỏ tươi, trầu cau và tiền công đức.
Các bước xin duyên
Bước 1: Chuẩn bị đồ lễ gồm 3 mâm (bắt buộc):
Lễ Ban Tam Bảo (để cầu an) - gồm hương hoa, nến (bắt buộc)
Bánh kẹo hoa quả tùy tâm, phẩm oản, lưu ý ban Tam Bảo kính Phật không cúng đồ mặn, tiền vàng.
Lễ Ban Đức Chúa Ông (đề cầu công danh tài lộc) gồm: tiền vàng, rượu, thuốc, chè, đồ mặn tùy ý (trước cúng sau ăn, muốn ăn gì thì cúng nấy, có thể là xôi, giò, bánh chưng thịt), (chai rượu phải mở ra khi dâng mâm lễ).
Lễ Ban Mẫu (rất quan trọng, đề cầu duyên ) gồm tiền vàng, hoa, trầu cau (phải có), bánh kẹo, tiền lẻ (để sau đó công đức).
Bước 2: Hướng dẫn đi lễ
Chọn ngày đi lễ rất quan trọng, 1 nên là ngày đẹp, tốt cho việc cầu cúng, 2 là khi lễ cầu duyên cần quỳ trước Ban Mẫu, nên mình không khuyến khích việc đi vào mùng 1 hay 15 ( quá đông để có thể chen lên trước để quỳ ), tốt nhất nên đi vào những ngày đẹp, vắng vẻ, thanh tịnh, tha hồ khấn vái xin các Mẫu độ cho (không có nghĩa mùng 1 hay 15 bạn không nên đi ạ. Nếu đi mùng 1 hay 15 mà đi được thì càng tốt ạ)
Đầu tiên trước khi vào Chùa bạn nên viết sớ, lễ lần đầu thì cần 3 sớ:
1 sớ ban Tam Bảo
1 sớ ban Đức Chúa Ông
1 sớ ban Mẫu
Dâng sớ cùng đồ lễ từng ban.
Sau khi đã dâng đồ lễ chỉ thắp 5 nén hương ( nên thắp ngoài sân gần chỗ hóa vàng - cạnh hồ nước, đừng mang vào trong thắp kẻo các sãi mắng cho lại hãm cành buổi xin duyên )
Từ hồ nước vào trong có 5 bát hương lớn, đi 1 vòng cắm mỗi bát 1 nén, vái 3 vái, thích khấn gì tùy bạn (thường thì mình chưa khấn gì lúc này)
Sau khi đã cắm hương xong, bạn vào khấn đầu tiên từ Ban Đức Chúa Ông qua (xin công danh tài lộc), rồi qua Ban Tam Bảo (xin cầu an), vái 3 vái bên Ban Đức Thánh Hiền (hoặc có thể khấn xin khai tâm khai sáng, kết quả học tập tốt nếu bạn đang trong trường). Rồi vái 3 vái mỗi Đức Hộ Pháp trái phải, vái cả Thập Nhị Diêm Vương ở 2 bên.
Công đức thì tùy tâm.
Ảnh Giao thông
Bước 3: Xuống nhà Mẫu
Nhà Mẫu ở bên dưới, ban chính giữa nhà
Đầu tiên xuống nhà Mẫu bạn phải quỳ, chắp tay mặt hướng lên, sau đấy khấn theo bài này .
( bài khấn Ban Tam Bảo và Ban Đức Chúa Ông mình không viết, do trọng điểm chính vẫn là cầu duyên )
( bài khấn mình sẽ để bên dưới top sau)
Sau khi xin mẫu xong tiếp tục quỳ, mặt hướng xuống, vái ban Ngũ Hổ các Quan Âm Dinh ở ngay dưới Ban Mẫu.
Sau đấy đứng lên vái 3 vái ban thờ Sư Tổ bên phải, rồi vái nốt ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát ở bên trái
Xong lễ nhà Mẫu thì đi lên Đình Bối Hà nhà trên bên tay phải ( nhà đầu tiên đập vào mắt lúc bạn vào Chùa )
Lễ Đức Đô Nguyên Soái (xin gì tùy bạn , không thì 3 vái , xin nhắc lại trọng điểm là xin duyên).
Sau đấy bạn đi ra khỏi Chùa vái 3 vái 2 Ngài trông coi cửa Chùa 2 bên (cái này rất nhiều bạn hay quên)
Và bạn đã hoàn thành khóa lễ cầu duyên của mình không có gì khó khăn cả.
Ảnh Giao thông
Bài khấn cầu duyên tại chùa Hà
Một bài khấn cầu duyên ở chùa Hà đúng phải có đầy đủ 5 phần: tạ, sám hối, hứa, xin và lễ. Bài văn khấn mẫu dưới đây bạn có thể chép lại học thuộc hoặc ghi ra giấy, lưu trong điện thoại khi đi lễ nhẩm theo. Nếu muốn đọc dễ hiểu hơn thì cũng có thể dựa theo các ý mà viết lại. Cụ thể bài khấn như sau:
Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật.
Kính lạy đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Kính lạy đức Cửu trùng Thanh Vân lục cung Công chúa
Kính lạy đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Mẫu Liễu Hạnh
Kính lạy đức Đệ Nhị Bà Chúa Sơn Lâm Mẫu Thượng Ngàn
Kính lạy đức Đệ Tam Mẫu Thoải
Con tên là:…
Sinh ngày:… (Âm lịch)
Ngụ tại:
Hôm nay ngày… (Âm lịch), con đến chùa (hay Thánh Đức Tự) thành kính dâng lễ đội ơn Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải đã phù hộ độ trì cho gia đạo con trong thời gian qua - phần tạ.
Chúng con người trần mắt thịt, nếu có điều gì lầm lỡ, kính mong các Mẫu đại xá tha thứ cho. Con xin hứa sẽ cố gắng sửa đổi bản thân tốt hơn, nguyện làm việc thiện, tránh xa những việc ác - phần sám hối và hứa.
Cúi xin các Mẫu xót thương cho con vì nay nhân duyên cho hôn nhân trăm năm chưa đến mà ban cho con duyên lành như ý nguyện. Cho con gặp được người… (đoạn này viết cầu xin bạn đời như thế nào tùy mỗi người ), tâm đầu ý hợp, chung thủy bao dung. Cho con sớm có người nên duyên đôi lứa cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống hoặc cho con sớm nên duyên vợ chồng (nếu đã muốn tiến đến hôn nhân) – phần xin.
Con nay lễ bạc tâm thành trước các Mẫu, cúi xin được phù hộ độ trì để có nhân duyên như sở nguyện.
Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật.
Cẩn cáo (nói xong vái 3 vái) – kết thúc phần lễ.
Ảnh Giao thông
Những lưu ý khi đi chùa Hà
Khi làm lễ, khấn xin, hãy thành tâm mong gặp được người trong mệnh của mình, cầu gặp được người tâm đầu ý hợp, chung thủy, tài đức, vị tha, thấu hiểu.
Khi đi lễ cầu tình duyên tại chùa Hà, tốt nhất, bạn nên đi một mình, soạn lễ đơn giản, không cần quá cầu kỳ, nhưng thành tâm. Hãy ăn mặc nghiêm túc áo kín cổ, quần dài khi bước chân vào làm lễ tại chốn linh thiêng. Không nói những lời báng bổ hay những câu nói không tốt khác. Và đừng quên tắt chuông điện thoại, không khấn quá to và không làm ồn tại chùa bạn nhé!
Hãy chọn ngày lành để đi lễ cầu duyên. Nếu bạn làm lễ vào mùng 1 hoặc ngày rằm thì tốt nhất nhưng những ngày này chùa Hà thường rất đông, sẽ hơi khó để bạn làm lễ.
Đi lễ cầu duyên tại chùa Hà sẽ không khác đi lễ cầu duyên tại những ngôi chùa khác. Nhưng điều quan trọng là sự “tín tâm, thành tâm và tin tưởng”. Khi các bạn gửi gắm ước nguyện của mình tới Phật Thánh, các ngài chứng giám cho tâm thành của bạn sẽ ban may mắn mà se duyên cho người cầu.
(Thông tin chỉ mang tính tham khảo).