Gia đình- mối quan tâm của toàn cầu
Chúng ta đều biết, gia đình có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu - là một trong những nhân tố chính giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi đất nước, đồng thời là phương tiện hiệu quả giúp chăm sóc, bảo vệ và phát triển của các thành viên trong xã hội.
Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển. Ngày 29/5/1985, trong nghị quyết 1985/29, đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự, một mục mang tên "Các gia đình trong quá trình phát triển" nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.
Ngày 7/12/1987, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi “tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình”.
Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong nghị quyết 47/237, đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.
Từ đó, mỗi năm Liên hiệp quốc đều đưa ra chủ đề vào ngày Quốc tế Gia đình 15-5. Từ năm 1996 đến nay, các chủ đề của từng năm là:“ "Gia đình:Những nạn nhân đầu tiên của nghèo nàn và vô gia cư". Tiếp đến là "Xây dựng gia đình dựa trên sự chung phần"; "Gia đình: Những nhà giáo dục và cung cấp nhân quyền"; "Gia đình cho mọi lứa tuổi"; "Gia đình: Các tác nhân và những người thụ hưởng việc Phát triển"; "Gia đình và những người tình nguyện: Xây dựng sự gắn bó xã hội”
Bắt đầu từ năm 2002với các chủ đề được xoay quanh việc cơ hội và thách thức của Gia đình với sự chuẩn bị cho việc cử hành lễ kỷ niệm Năm quốc tế Gia đình lần thứ 10 trong năm với khung hành động. Từ năm 2005với chủ đề "HIV/AIDS và hạnh phúc gia đình"; "Sự thay đổi gia đình: Những thách thức và cơ hội"; "Gia đình và những người tàn tật"
Năm 2008 và 2009 chủ đề gia đình xoay quanh vấn đề cha mẹ và gia đình với những trách nhiệm, thách thức trong một thế giới đang thay đổi. Từ năm 2010 với chủ đề "Tác động của sự di cư vào các gia đình trên toàn thế giới"; "Đối mặt với cái nghèo của gia đình và sự loại ra khỏi xã hội"; "Đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc làm"; "Thúc đẩy hội nhập xã hội và đoàn kết giữa các thế hệ". Năm 2014 chủ yếu với chủ đềnền tảng gia đình cho các thành tựu của các mục tiêu phát triển như:Đàn ông nên có trách nhiệm? Bình đẳng giới và quyền của trẻ em trong các gia đình hiện đại; Gia đình, cuộc sống lành mạnh và tương lai bền vững với giáo dục và hạnh phúc bao gồm xã hội.
Cần gìn giữ và phát huy giá trị của gia đình Việt Nam
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, không thể phủ nhận nhiều vai trò mới của các gia đình trong tiến trình phát triển xã hội. Đặc biệt là trong các vấn đề về giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, an ninh và duy trì hoà bình. Mỗi quốc gia đều có một chiến lược tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhẳm nâng cao nhận thức về sự thay đổi của thời đại tác động đến mỗi gia đình.
Vấn đề cốt lõi đó là cần phải phát huy vai trò và gìn giữ truyền thống của Gia đình Việt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn; hạt nhân của xã hội là gia đình". Những lời dạy ấy đã thấm sâu trong mỗi người con đất Việt, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, đó là lòng nhân hậu, thủy chung, sự đoàn kết, sẻ chia, gắn bó trong mỗi gia đình cũng như trong cả cộng đồng, đất nước
Và trong nhiều năm qua, vấn đề gia đình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã nêu rõ: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.”
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Mỗi người con Việt Nam đều luôn mang trong mình tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào về gia đình, quê hương để nỗ lực có những đóng góp hiệu quả cho sự thịnh vượng của gia đình, đất nước. Gia đình Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi con người…
Như vậy Ngày Quốc tế Gia đình là cơ hội để hiểu rõ hơn những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt và cùng nhau vượt qua những thách thức khó khăn của dịch bệnh, thiên tai. Từ đó mỗi gia đình cần phát huy vai trò chủ chốt đối với đời sống xã hội, góp phần đảm bảo sự hạnh phúc và khỏe mạnh cho từng thành viên, chăm lo và giáo dục trẻ nhỏ, phụng dưỡng người già.
Đặc biệt, các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm có thể đóng góp vào việc hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, hỗ trợ các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sự khỏe mạnh và hạnh phúc cho từng thành viên thuộc mọi lứa tuổi, bảo đảm cơ hội được học tập và hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới.