(GD&TĐ) - “Ngày khai trường”, ba tiếng giản dị mà thiêng liêng trong mỗi trái tim bất cứ ai đã từng đi qua cánh cổng trường. Là người may mắn được chứng kiến không khí đón chào năm học mới ở nhiều địa phương trong cả nước những ngày qua, tôi chắc chắn vào buổi sáng hôm nay, ngày 5/9/2012, ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường cũng có rất nhiều tiếng lòng đồng điệu như thế.
Niềm vui trong ngày khai giảng |
Tôi đã từng xúc động tới trào rơi nước mắt trong giờ phút rộn rã vang lên nhịp trống ếch của các em thiếu nhi ở ngôi trường Mầm non Hương Cau thuộc xã Sơn Mùa của huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) - nơi trước đây không có khái niệm về mầm non, mẫu giáo, tiếp đó, chỉ có 2 phòng học cấp 4 xuống cấp của Trường Tiểu học Sơn Dung cải tạo lại (hầu như không có các công trình nhà vệ sinh, nhà bếp, sân chơi, tường rào, cổng ngõ) thì nay đã có ngôi trường đạt Chuẩn Quốc gia mức độ 1 khang trang, đẹp đẽ.
Lời ca, điệu múa của các em nhỏ xinh xắn, khôi ngô, những hạt mầm đầy nhựa sống của rừng xuân đất nước, đã đánh thức cả một vùng sơn cước chỉ mới 7, 8 năm về trước còn hoang vu, quạnh vắng, hay, nói một cách hình tượng như người Trưởng phòng Giáo dục huyện thì đó là vùng đất “nữ thần mặt trời quên mang lửa”. Đây chính là một trong nhiều bằng chứng sống động về sự phát triển nhanh mạnh, kỳ diệu của giáo dục mà nếu chỉ bằng tầm nhìn hạn hẹp không thể nào thấy được.
Có dịp đến những vùng đất khó, chúng tôi càng thấu hiểu hết nỗi vất vả vượt lên những gian nan, trở ngại vì niềm đam mê sáng tạo hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI đề ra. Lần đầu tiên, một nhà cán bộ quản lý giáo dục ở Tây Nguyên tự tin khẳng định rằng: “Chất lượng học sinh dân tộc thiểu số đã không còn là mối lo ngại”.
Cũng lần đầu tiên, tôi nghe tới những mô hình trường học mới, mô hình học sinh dân tộc thiểu số chất lượng cao bắt đầu ở Kon Tum, vùng đất với địa hình trắc trở, có điểm xuất phát thấp về kinh tế so với cả nước. Một điều đáng ghi nhận là tới bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp diện mạo rất riêng của GD, nhất là sự nhạy bén, năng động, khoa học của đội ngũ trong điều hành đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học.
Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu thấu ý nghĩa những lời lẽ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong thư gửi ngành Giáo dục trước thềm năm học mới: Năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt - Học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ nêu trên, không chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà rất cần được sự sẻ chia, đồng thuận, chung tay góp sức của toàn xã hội. Và dường như đã có một tâm thế mới, một quyết tâm mới như thế trong ngày hôm nay…
Hồng Thúy