MOD là một chuỗi các chương trình mở về Toán dành cho HS, SV, giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm Toán học đã được tổ chức nhiều lần tại Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động chính của MOD 2018 gồm nhiều hoạt động song hành. Ngoài hoạt động chuyên môn với chủ đề chính “Toán học không xa cách” với các bài giảng của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành, tọa đàm “Học Toán để làm gì?” với khách mời là GS Hà Huy Khoái, GS Hồ Tú Bảo, TS Nguyễn Thành Nam… Ngày hội Toán học mở còn có triển lãm các mô hình toán học, và các gian hàng trưng bày của các đơn vị về giáo dục Toán (Toán IQ, Toán cho trẻ em, Toán tiếng Anh, Toán cho HS, Toán cho SV), về STEM (Robotics, American Stem, mô hình CLB Stem).
TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM), thành viên Ban tổ chức MOD 2018, cho biết: MOD 2018 có hai sự khác biệt lớn.
Thứ nhất, MOD ở Hà Nội được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) một đơn vị vừa có uy tín cao, vừa có nguồn lực tài chính tốt, có lực lượng chuyên nghiệp tinh nhuệ nên việc kêu gọi hợp tác, kêu gọi tài trợ, triển khai thông báo có nhiều thuận lợi. MOD ở TPHCM được tổ chức trước hết bởi nhóm tình nguyện viên, sau đó được sự bảo trợ và ủng hộ mọi mặt của VIASM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và một số công ty. Nhưng người thực hiện chính vẫn là những cá nhân được kết nối bởi sợi dây tình nguyện.
Thứ hai, về nội dung, nếu ở MOD Hà Nội, ngoài triển lãm “Những ô cửa Toán học” có nội dung trung dung thì hai hoạt động còn lại dường như tách làm hai: Hoạt động chuyên môn trong hội trường dành cho người lớn, hoạt động trải nghiệm qua các gian hàng dành cho trẻ em. “MOD tại TPHCM sẽ cho chúng ta thấy sức mạnh của tinh thần tình nguyện. Chỉ cần làm việc tốt, chúng ta sẽ được ủng hộ. Và có thể làm được những việc lớn lao. Vì thế, hãy làm việc tốt. Chung tay làm việc tốt” - TS Trần Nam Dũng nói về thông điệp mà MOD 2018 muốn hướng đến.