Ngày hội đọc sách ở Lầu Tàng Thư

GD&TĐ - “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” đã và đang thu hút đông đảo người dân đến Lầu Tàng Thư – một địa chỉ văn hóa đặc biệt của Kinh thành Huế.

Đông đảo người dân tham gia ngày hội đọc sách tại di tích Lầu Tàng Thư (Huế).
Đông đảo người dân tham gia ngày hội đọc sách tại di tích Lầu Tàng Thư (Huế).

Nhằm tôn vinh văn hóa đọc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm “Quốc Sử Quán triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Huế”. 

Chấn hưng văn hóa đọc, chia sẻ sách hay

Hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, di tích Lầu Tàng Thư đã và đang tiếp đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan tìm hiểu sách và lịch sử. Triển lãm giới thiệu nhiều văn bản nói về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ, các hoạt động của Quốc Sử Quán, và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn…

Nằm trong chuỗi hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, ngoài triển lãm còn diễn ra các hoạt động như đọc sách trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử - nâng bước tương lai”.

Trong đó, giới thiệu tủ sách giáo dục di sản và văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số; triển lãm online về những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình số hóa.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tiếp nhận nhiều đầu sách nghiên cứu về triều Nguyễn từ các nhà nghiên cứu văn hóa, học giả trao tặng. Đồng thời bổ sung thêm nhiều tư liệu quý cho hệ thống tư liệu về Huế đang lưu trữ tại Lầu Tàng Thư

Hoạt động di sản với học đường, qua hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay” cũng được diễn ra sôi nổi với sự tham gia của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Qua hội thi này, học sinh thêm yêu thích sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hi vọng sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người thông qua hoạt động đặc biệt này.

Đồng thời khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi. Hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, thư viện… góp phần xây dựng xã hội học tập, nhất là trong thời đại công nghệ số.

Nhân sự kiện ngày hội đọc sách, bản Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn - một bản sách độc bản bằng giấy dó đẹp nhất trong lịch sử thư tịch trung đại ở Việt Nam, có phần châu phê bằng mực son của Hoàng đế ra mắt công chúng.

Trong hệ thống thư tịch về Truyện Kiều còn lưu lại đến ngày nay, bản chép tay “Kim Vân Kiều tân truyện” của Hoàng gia triều Nguyễn dưới thời Tự Đức là một văn bản rất đặc sắc và mang nhiều ý nghĩ, nhưng ít người biết đến. Bản Kiều này đã bị lấy cắp tại sự kiện thất thủ kinh đô 1885, khi người Pháp cùng quân đội viễn chinh tràn vào xâm chiếm Huế. 

Học sinh Huế tham gia hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay” nhằm khơi dậy văn hóa đọc.

Học sinh Huế tham gia hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay” nhằm khơi dậy văn hóa đọc.

“Tàng kinh các” hiếm hoi của Việt Nam

Hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” - ngoài Huế, tại các địa phương: Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Nội, TPHCM… cũng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh – sinh viên tham gia. Theo Cục Xuất bản in và phát hành, hội sách có sự tham dự của gần 100 đơn vị xuất bản, mang đến 40.000 cuốn sách với giá ưu đãi. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ cung cấp 30.000 cuốn sách đến tay bạn đọc, trong đó có 60% bạn đọc ở các tỉnh, thành xa xôi. 

Từ lâu, Lầu Tàng Thư đã trở thành địa chỉ văn hóa đặc biệt đối với những người yêu sách và văn hóa Huế. Dưới triều nhà Nguyễn, triều đình đã thiết lập rất nhiều thư viện và kho lưu trữ nhằm xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu sử sách.

Các thư viện và kho lưu trữ đầu tiên của triều Nguyễn lần lượt được ra đời như Đông Các (thư viện của Nội Các, xây dựng năm 1826), Quốc Sử Quán (1821), Lầu Tàng Thư (1825).

Lầu Tàng Thư giữ vai trò đặc biệt, được xây dựng vào mùa hè năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng với sự tham gia thi công của 1.000 binh lính. Nằm giữa hồ Học Hải, Lầu Tàng Thư gồm 2 tầng xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi.

Tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung, tầng dưới rộng 11 gian với 18 cửa lớn. Tầng trên 7 gian 2 chái dùng cất giữ và bảo quản sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình.

Do vị trí và cấu trúc đặc biệt nên Lầu Tàng Thư hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau khi công trình hoàn thành, năm 1826 vua Minh Mạng cho dựng bia ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa – nhấn mạnh là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai...

Trước năm 1945, chỉ tính số địa bạ của bộ Hộ thời vua Gia Long và Minh Mạng lưu trữ tại Lầu Tàng Thư đã lên đến 12.000 tập. Vì thế, ngoài việc thường xuyên tu sửa tòa nhà, kiểm tra, sắp xếp địa bạ, châu bản, triều Nguyễn còn cắt cử hàng chục người làm việc tại đây.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế, Lầu Tàng Thư chính là một “Tàng kinh các” hiếm hoi của chế độ quân chủ đang còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Huế.

Vào năm 1942, nhà lưu trữ - cổ tự học người Pháp là Paul Boudet đã đến thăm Lầu Tàng Thư. Sau khi xem xét các kho tư liệu, ông đã khẳng định những giá trị lớn lao của khối tư liệu mà Lầu Tàng Thư đang lưu giữ.

Tuy nhiên từ năm 1947 - 1954, thực dân Pháp đã biến Lầu Tàng Thư thành nhà tù giam giữ những người hoạt động cách mạng. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây bị phân tán, lưu lạc hoặc bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh.

Năm 2014, Huế chính thức khởi công dự án trùng tu Lầu Tàng Thư. Sau nhiều năm thực hiện, dự án hoàn thành và không gian di tích đã được mở cửa trở lại vào tháng 3/2021.

Hiện, hơn 70.000 đầu sách và tư liệu thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn đang lưu trữ tại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.