Ngày đền tội của băng “siêu trộm” tiệm vàng gây chấn động miền Tây

GD&TĐ - Trước mỗi vụ “đột vòm” nhóm “siêu trộm” luôn khảo sát, nghiên cứu vị trí sẽ đột nhập gây án, quy luật sinh hoạt của người dân xung quanh trong đêm, hướng nước chảy và hướng tẩu thoát.

Những tiệm vàng ven sông là mục tiêu tấn công của băng “siêu trộm”.
Những tiệm vàng ven sông là mục tiêu tấn công của băng “siêu trộm”.

Thời gian gây án nhanh, lại biết “hóa trang” bằng cách đội mũ lưỡi trai, đeo găng tay và khẩu trang che kín mặt nên hầu như không để lại dấu vết. Hàng chục vụ án táo tợn do chúng gây ra làm chấn động cả miền Tây Nam Bộ.

Những vụ trộm chấn động

Dụng cụ băng trộm dùng để phá cửa, đột nhập vào các tiệm vàng.
 Dụng cụ băng trộm dùng để phá cửa, đột nhập vào các tiệm vàng.
Bảy bị cáo bị đưa ra xét xử cùng hành vi “trộm cắp tài sản”. Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sau ba ngày đưa ra xét xử, ngày 10/7/2017, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã tuyên phạt tổng cộng 89 năm tù giam cho băng nhóm “siêu trộm” vàng đường sông, gây rúng động ở các tỉnh miền Tây. Với vai trò là người chủ mưu, lôi kéo, chỉ điểm đồng bọn thực hiện Lý Văn Đợi (SN 1964) bị toà tuyên phạt 17 năm tù giam. Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Văn Điệp (SN 1972) 15 năm tù, Phùng Thanh Tâm (SN 1974) 14 năm tù, Lê Văn Dũng (SN 1966) 14 năm, Nguyễn Minh Thắng (SN 1963) 13 năm tù, Nguyễn Văn Dân 3 năm tù và Lê Văn Mười, em ruột bị cáo Dũng, 13 năm tù giam.

Ngày 7/1/2015, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết cổ truyền Ất Mùi thì trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra một vụ trộm làm chấn động các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Tại tiệm vàng Hiện - Tính Hà, một tiệm vàng lớn thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, kẻ trộm đã đột nhập lấy đi hàng trăm lượng vàng các loại, tổng trị giá tài sản khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhận được tin báo án, lực lượng chức năng đã tổ chức phong tỏa, khám nghiệm hiện trường nhưng không phát hiện được gì ngoài dấu vết cậy phá. Hình ảnh trích xuất từ camera an ninh của tiệm vàng cho thấy các đối tượng đều đội mũ lưỡi trai, đeo găng tay và khẩu trang kín mặt.

Điều duy nhất để có thể dự đoán là vóc dáng của các đối tượng… Điều tra viên nhận định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng do một nhóm người thực hiện với sự manh động, liều lĩnh và chuyên nghiệp.

Vì vậy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Cần Thơ xác lập chuyên án truy xét mang bí số 115T về trộm cắp tài sản để đấu tranh làm rõ. Kế hoạch điều tra được xây dựng trong đó ưu tiên tập trung rà soát hàng trăm đối tượng trộm cắp trên địa bàn huyện Phong Điền và các quận, huyện lân cận.

Trong khi manh mối của vụ án tại tiệm vàng Hiện - Tính Hà chưa được hé lộ thì cũng tại thời điểm này nhiều vụ trộm khác đã xảy ra ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang và Bến Tre.

Tổng số đã có 10 vụ trộm tiệm vàng, 11 vụ trộm tại các cơ sở kinh doanh khác, với giá trị tài sản bị mất ước tính hơn 10 tỷ đồng. Thông tin về các vụ trộm khiến cả miền Tây rúng động, dư luận xã hội bất an, đặc biệt là những gia đình kinh doanh vàng lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Trước yêu cầu cấp thiết từ thực tế các vụ án gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội trên cả một vùng rộng lớn Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo điều tra chuyên án trộm tiệm vàng.

Nhận định các vụ trộm cắp trên đều do một nhóm đối tượng thực hiện, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ được huy động tối đa, phối hợp với các đơn vị liên quan dốc sức với mục tiêu phá án trong thời gian sớm nhất. 

Lần theo dấu bàn chân Giao Chỉ

Khó khăn mà Ban chuyên án 115T phải đối mặt đó là những vụ trộm diễn ra vào ban đêm và gần như không có dấu vết để lại. Không có nhân chứng hay manh mối nào có thể lần đến đối tượng gây án. Đây lại là một vụ án trộm cắp liên tỉnh nên nhiều khả năng đối tượng gây ra có thể là người địa phương khác.

Vì vậy, việc phá án phải được tiến hành đồng thời ở nhiều nội dung và địa bàn khác nhau. Theo đó, Ban chuyên án chú trọng đến việc truy tìm những dấu vết đặc trưng và thu hẹp diện đối tượng rà soát. Điều tra viên đã tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng thêm một lần nữa bản ảnh hiện trường hy vọng tìm ra manh mối vụ án.

Từ những bản ảnh hiện trường, điều tra viên đặc biệt chú ý đến những dấu chân để lại. Trong đó, dấu bàn chân có ngón cái chõe ra (dấu chân Giao Chỉ) được coi là manh mối quý giá mở ra hướng điều tra. Lãnh đạo Ban chuyên án đã chỉ đạo các mũi trinh sát tập trung tìm kiếm đối tượng với đặc điểm có bàn chân Giao Chỉ. Công việc rà soát được tiến hành đồng loạt trên toàn TP Cần Thơ.

Ban chuyên án cũng gửi công văn đi các tỉnh lân cận, đồng thời điều tra viên cũng liên hệ làm việc với nhiều trại giam để tìm kiếm các đối tượng mới nhập trại hay vừa được tha tù để tìm kiếm người có bàn chân Giao Chỉ. Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua, hàng trăm cuộc rà soát được tiến hành vẫn không mang lại kết quả. Tên trộm có bàn chân Giao Chỉ vẫn như “bóng chim, tăm cá”. 

Bất thường kẻ đi câu không có cá

Các đối tượng khi bị bắt.
Các đối tượng khi bị bắt.

Không nản lòng, các thành viên Ban chuyên án tiếp tục phân tích, bàn thảo tìm kiếm manh mối vụ án. Qua phân tích, họ nhận định lượng vàng lớn bị lấy cắp đều có tên, thương hiệu của các tiệm vàng trên đó. Đây có thể là đầu mối để tìm ra các đối tượng phạm tội… Cùng với đó, qua phương thức, thủ đoạn gây án có thể thấy đây là nhóm tội phạm có tổ chức, có tính chuyên nghiệp.

Đặc biệt, chúng phải là những người thông thạo luồng lạch trên tuyến sông Hậu, nắm rõ quy luật lên xuống của con nước và sử dụng thành thạo ghe tàu. Vì thế, công tác trinh sát tập trung xác minh những đối tượng làm nghề chài lưới dọc tuyến sông Hậu, các đối tượng từng có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp và có biểu hiện bất minh về kinh tế.

Cùng với việc trinh sát, lực lượng hình sự phối hợp với công an các địa phương bí mật bảo vệ vòng ngoài cho các tiệm vàng dọc tuyến sông Hậu. Đồng thời, phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm được phát động sâu rộng để mỗi người dân đều đã trở thành tai mắt của lực lượng công an...

Tròn một năm kể từ ngày xảy ra vụ trộm tiệm vàng tại huyện Phong Điền, từ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Dân (SN 1974), có những dấu hiệu bất minh về tài sản. Dân đăng kí hộ khẩu tại Bạc Liêu, tạm trú tại thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long Long, làm nghề ghe tàu trên tuyến sông Hậu…

Theo Đại úy Trần Văn Thủy, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Cần Thơ), thường những người làm nghề chài lưới trên sông Hậu sáng đi, chiều về hoặc tối đi sáng về là có cá mang đi chợ bán. Thế nhưng, Nguyễn Văn Dân có khi đi hai, ba ngày mới về mà không thấy cho vợ con đi bán cá đã đánh bắt được.

Không những không có cá bán mà đối tượng Dân còn có nhiều tiền cho vợ con đi mua vàng, sắm đồ, mua xe, ăn chơi… Dân còn tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá với mức sát phạt lên đến hàng chục triệu đồng. Chính những điều này đã tạo nên sự nghi vấn lớn.

Kiên trì theo dõi đối tượng, trinh sát xác định được mối liên hệ của Dân với những người ngoài địa phương đều là những kẻ từng có tiền án về tội trộm cắp. Kết hợp nhiều nguồn tài liệu thấy có đủ xác định đây nhiều khả năng chính là nhóm đối tượng đã thực hiện các vụ trộm vàng đường sông tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian gần đây.

Tuy nhiên, để có đủ căn cứ vững chắc buộc tội nhóm này, yêu cầu đặt ra là phải bắt quả tang hành vi trộm cắp của chúng. Một kế hoạch cụ thể được xây dựng nhằm bám sát mọi di biến động của đối tượng.

Sau nhiều ngày theo dõi, đầu tháng 7/2016, trinh sát phát hiện Nguyễn Văn Dân, Lê Văn Dũng và Phùng Thanh Tâm chuẩn bị chuyển đến địa bàn thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) để thực hiện vụ trộm tiếp theo. Các trinh sát đã bí mật giám sát, mật phục để bắt quả tang.

Tại thị xã Bình Minh, điều tra viên đã khảo sát các tiệm vàng được phán đoán có thể là địa điểm mà các đối tượng sẽ ra tay đồng thời lên phương án mai phục. Nhưng sau hai ngày ở Vĩnh Long, các đối tượng không gây án mà di chuyển đến địa bàn TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Ban chuyên án đã tung hàng trăm quân đón lõng ở các vị trí then chốt... Nhưng cũng như lần trước, ngày thứ ba sau khi di chuyển xuống Đồng Tháp các đối tượng lại bất ngờ xuôi thuyền về Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Ngay trong đêm đó, tại Tiền Giang nhóm “siêu trộm” đã bất ngờ ra tay tại tiệm vàng Kim Yến, thuộc xã Tân Thanh, huyện Cái Bè. Mai phục bên ngoài và ước lượng thời gian ra tay của đối tượng nên khi Nguyễn Văn Dân vừa lẻn ra khỏi tiệm vàng ngay lập tức lực lượng trinh sát đã ập vào bắt giữ.

Việc bắt giữ thành công Nguyễn Văn Dân tưởng đã kết thúc vụ án nhưng quá trình khám xét không thu giữ được tang vật. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo từ ban chỉ huy chuyên án, các thành viên ban chuyên án đã buộc phải thả người… 

Băng “siêu trộm”… sập bẫy

Các bị cáo của băng “siêu trộm” vàng trước tòa.
Các bị cáo của băng “siêu trộm” vàng trước tòa.

Một cuộc họp diễn ra ngay sau khi lực lượng trinh sát buộc phải thả người. Không khí cuộc họp chùng xuống. Việc phá án quay trở về mốc xuất phát điểm ban đầu và khó khăn gấp bội. Lãnh đạo ban chuyên án sốc lại tinh thần cho các thành viên và lên kế hoạch mới.

Theo đó, rút kinh nghiệm từ việc bắt quả tang hụt, việc bắt người đòi hỏi phải chính xác về thời điểm. Với yêu cầu này, trinh sát không chỉ theo dõi, dự đoán kế hoạch hành động mà còn phải bố trí ém quân trong các tiệm vàng, nơi đối tượng sẽ đột nhập. Điều này vừa bảo đảm an toàn cho gia chủ, vừa chủ động bắt quả tang đối tượng vào thời điểm thích hợp nhất.

Kế hoạch trinh sát liên hoàn nhiều mũi tiếp tục được đặt ra. Một mũi trinh sát được phân công theo dõi nơi ở của các đối tượng, nếu thấy chúng di chuyển xuống ghe tàu đi về hướng nào sẽ thông tin cho ban chuyên án. Lực lượng cảnh sát đường thủy kết hợp với hình sự chia thành nhiều tổ đón hướng di chuyển để bảo đảm giữ đối tượng trong tầm quan sát của mình.

Trong khi đó, một tổ khác kết hợp với công an địa phương chấm chọn các tiệm vàng ven sông có khả năng trở thành “con mồi” của nhóm “siêu trộm”, tổ chức các buổi sinh hoạt với chủ tiệm vàng để phối hợp hiệu quả.

Xác định số tài sản lấy được trong lần gần nhất đã tiêu tán hết, băng trộm sẽ tiếp tục gây án trong thời gian ngắn, các trinh sát kiên trì đeo bám đối tượng. Sau gần một tháng, ngày 25/7/2016, trinh sát phát hiện Lý Văn Đợi và Nguyễn Minh Thắng đi từ TPHCM đến thị trấn Trà Ôn gặp Lê Văn Dũng lấy ghe di chuyển trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

Nhưng cũng như lần trước tại Kế Sách, các đối tượng không gây án ngay mà di chuyển đến TP Bạc Liêu. Tại đây, do máy bị sự cố, sợ không có phương tiện tẩu thoát chúng quyết định không ra tay ngay đêm đó. Hai đêm tiếp theo, những tên này quay về xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Nhưng phát hiện người dân họp chợ sớm nên đã di chuyển ra ghe về xã Hòa Phú.

Tiến hành khảo sát nhanh các tiệm vàng hai xã Ngọc Tổ, Hòa Phú, điều tra viên mời các chủ tiệm vàng yêu cầu phối hợp để bắt quả tang đối tượng. Tổ trinh sát thứ nhất là các đặc nhiệm tinh nhuệ, trực tiếp ém quân trong sáu tiệm vàng. Ban chuyên án đánh giá nhiều khả năng đối tượng sẽ đột nhập tiệm vàng Kim Hoàng nên bố trí tại đây bốn trinh sát.

Tổ công tác thứ hai sử dụng phương tiện thủy giám sát hai đoạn sông theo hướng di chuyển của đối tượng đến hiện trường. Tổ công tác thứ ba bí mật giám sát dọc bờ sông đối diện với mặt hậu của tiệm vàng. Tổ thứ tư là đặc nhiệm thủy trầm mình tại bãi sông, gần nơi đối tượng đột nhập. Tổ cuối cùng bí mật giám sát dọc theo mặt tiền của tiệm vàng.

Như dự đoán, khoảng 1 giờ sáng 30/7/2016, nhóm “siêu trộm” bắt đầu di chuyển xung quanh chợ để dò xét tình hình. Sau đó chạy đến mặt hậu của tiệm vàng Kim Hoàng. Hai đối tượng di chuyển từ ghe lên bờ, một đối tượng dùng cậy, cắt, bẻ khóa bốn lớp rào cửa đột nhập vào tiệm vàng và cầm thanh gỗ dài canh chừng tại cửa. Tên còn lại đến tủ trưng bày để lấy vàng.

Đúng theo kịch bản đã xây dựng, khi đối tượng Lý Văn Đợi vừa lấy xong vàng thì lực lượng tại chỗ bất ngờ khống chế, bắt giữ. Tên Nguyễn Minh Thắng bỏ chạy xuống sông, định lên ghe tẩu thoát thì bị lực lượng đặc nhiệm thủy bắt tại bến sông.

Sau khi bắt quả tang Lý Văn Đợi, Nguyễn Minh Thắng và lấy lời khai điều Ban chuyên án tiếp tục bắt, khám xét khẩn cấp ba đối tượng Lê Văn Mười, Lê Văn Dũng Nguyễn Văn Dân tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Đối tượng Nguyễn Văn Điệp bị bắt tại Bạc Liêu Bắt và Phùng Thanh Tâm bị bắt tại TPHCM. Ban chuyên án cũng thu giữ được số tiền 25 triệu đồng, một số kim loại vàng và những tang vật có liên quan khác...

Các đối tượng khai nhận, từ năm 2011, Lý Văn Đợi rủ Nguyễn Văn Điệp dùng ghe dạo theo đường sông trong nội ô TPHCM đột nhập vào nhà dân thực hiện nhiều vụ lấy cắp tài sản. Đợi câu kết với các đối tượng Thắng, Tâm, Mười, Dân, Dũng là người làm nghề chài lưới trên sông Hậu chia thành hai nhóm mở rộng địa bàn trộm cắp xuống các tỉnh miền Tây.

Trước mỗi vụ trộm các đối tượng luôn đi khảo sát, nghiên cứu vị trí sẽ đột nhập quy, luật sinh hoạt của người dân xung quanh trong đêm, hướng nước chảy và hướng tẩu thoát. Thời gian gây án vào khoảng 1-2 giờ sáng và kéo dài trong khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ tùy vào độ kiên cố của nơi đột nhập. Tính đến ngày bị bắt, chúng đã thực hiện thành công 45 vụ trộm, trong đó có 11 vụ trộm tiệm vàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ