Phiên tòa được mở tại Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội với Hội đồng xét xử gồm 5 sĩ quan do thẩm phán Đại tá Lê Thành Nam làm chủ tọa; giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử gồm 4 sĩ quan của Viện Kiểm sát quân sự (VKSQS) Quân chủng Hải quân.
Ngay từ đầu giờ sáng an ninh quanh Tòa án Quân sự thủ đô được kiểm soát chặt. Mọi cá nhân ra vào đều chịu sự kiểm soát của lực lượng bảo vệ phiên tòa. Phóng viên theo dõi, đưa tin về phiên tòa phải xuất trình đày đủ giấy tờ, các phương tiện tác nghiệp được kiểm tra an ninh. Phóng viên báo chí được tòa án bố trí phòng tác nghiệp riêng, theo dõi qua màn hình.
HĐXX xác định bị hại trong vụ án là QCHQ. Nhiều pháp nhân được triệu tập tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong đó có một số công ty lớn như Cty cổ phần xăng dầu Thái Sơn B, Cty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển, đảo Hải Thành (gọi tắt là Cty Hải Thành), Cty cổ phần Cảnh Hưng Hải Thành, Ngân hàng BIDV…
Vụ án có 8 bị cáo bị truy tố về ba nhóm tội danh khác nhau. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người duy nhất hầu tòa với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
4 cựu sĩ quan quân đội (cấp hàm đại tá) bị cáo buộc về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính QCHQ), Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Cty Hải Thành, thuộc QCHQ) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó Giám đốc Cty Hải Thành).
Ba bị cáo còn lại là Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó tổng Giám đốc Tổng Cty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng Giám đốc Cty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Cty Yên Khánh) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đinh Ngọc Hệ đã bị Tòa án Quân sự Trung ương tuyên phạt 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong một vụ án khác.
Sáng nay, ngoài 8 bị cáo, tòa án triệu tập nhiều cá nhân, pháp nhân tới phiên xử trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, bị hại nhưng có một số người vắng mặt. Một số luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ cũng vắng mặt.
Sau hội ý, chủ tọa cho rằng những người vắng mặt đã có lời khai tại giai đoạn điều tra, nếu cần sẽ công bố; các bị cáo có nhiều luật sư bào chữa nên nếu vắng 1 người cũng không ảnh hưởng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Đô đốc, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Tư lệnh QCHQ được HĐXX cho ngồi khi khai báo vì lý do sức khỏe. Các bị cáo khác là Bùi Như Thiềm – Đại tá, nguyên Trưởng phòng kinh tế QCHQ và Bùi Văn Nga – Đại tá, nguyên GĐ Cty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành cũng được ngồi khai báo.
Cáo trạng của VKS Quân sự Trung ương cáo buộc các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiến cùng các bị cáo là cựu cán bộ Quân chủng Hải quân đã có những sai phạm trong việc đưa ba khu đất này vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.
Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng cả ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỉ đồng.