Ngày cuối xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến: Phạm tội nghiêm trọng, án nghiêm khắc

Ngày cuối xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến: Phạm tội nghiêm trọng, án nghiêm khắc

Nhiều bị cáo là cựu sĩ quan quân đội thừa nhận sai sót và mong HĐXX xem xét. Cuối giờ chiều 21/5, HĐXX đã tuyên các mức án cụ thể đối với từng bị cáo. 

Thấy xấu hổ, làm ảnh hưởng danh dự của hải quân và Bộ Quốc phòng

Sau khi phần tranh tụng kết thúc, bị cáo Nguyễn Văn Hiến - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được HĐXX cho nói lời sau cùng trước khi nghị án. Ngồi trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói một cách chậm rãi, nhưng mạch lạc. Bị cáo Hiến xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cấp dưới của ông. Lý do là những người ấy phạm tội không vì mục đích cá nhân.

“Sự việc xảy ra tại QCHQ, tôi rất đau xót, nhận thấy có phần lỗi của mình khi vì điều kiện công việc nên thực thi trách nhiệm chưa đủ sát sao. Tôi xin lỗi Đảng, nhân dân và những đồng đội của tôi đang phục vụ trong quân đội đặc biệt là những chiến sĩ hải quân trong các thời kỳ. Tôi có lỗi với gia đình, thân nhân đặc biệt là mẹ già 91 tuổi đang ở quê”.

Bị cáo Hiến mong tòa án xem xét các yếu tố khách quan, tình tiết giảm nhẹ đưa ra bản án thấu tình đạt lý, bảo đảm tính răn đe, giáo dục, đồng thời thể hiện sự nhân văn. Ông Hiến cho biết, mình từng là đại biểu Quốc hội, tham gia sửa luật cải cách tư pháp và nhận thấy phiên tòa xét xử mình diễn ra văn minh, đúng tính chất tòa án quân sự.

Bị cáo Bùi Như Thiềm - Đại tá, nguyên Trưởng phòng Kinh tế QCHQ xin được giảm nhẹ hình phạt để ông có điều kiện chữa bệnh. “Tòa chưa tuyên án nhưng bản án đã tuyên trước dư luận và gia đình đã đến với tôi từ hơn 2 năm. Tôi rất xấu hổ và đáng tiếc là 1 trong 5 sĩ quan cao cấp hải quân đến tòa. Sự có mặt của chúng tôi làm ảnh hưởng danh dự của hải quân và Bộ Quốc phòng” - bị cáo Thiềm nói.

Bị cáo Bùi Văn Nga - Đại tá, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành; Đoàn Mạnh Thảo – Đại tá, nguyên Trưởng phòng Tài chính QCHQ xin được nhận lỗi và cho biết đều bị bệnh rất nặng nên mong HĐXX khoan hồng cho mình.

Trong khi đó, bị cáo Trần Trọng Tuấn – Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công ty Hải Thành nói rằng: “Từ khi khởi tố vụ án đến nay, tôi luôn khai báo thành khẩn, đúng sự việc, không quanh co, giấu giếm. Kính mong xem xét các chi tiết hồ sơ và diễn biến để xét xử công tâm, đúng người đúng tội và tôi xác định mình không có tội. Mong tòa công tâm, tránh oan sai cho tôi”.

Trong nhóm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt – cùng là nhân viên dưới quyền của Đinh Ngọc Hệ đã thừa nhận các hành vi của mình nhưng cho rằng họ vướng vào “vòng xoáy công việc” theo chỉ đạo của cấp trên. Cả hai xin được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc con nhỏ.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (hỗn danh “Út trọc”) khi nói lời sau cùng thì lại loanh quanh nói về nội dung vụ án, bị cáo này cho rằng giải quyết các sự việc hình sự hóa hợp đồng kinh tế.

Và bản án nghiêm khắc vì hành vi phạm tội nghiêm trọng

Mức án

“Bị cáo Nguyễn Văn Hiến (SN 1954) – Đô đốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh QCHQ bị phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan quản lý 3 năm sau chấp hành án. Nhóm bị kết tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai có: Bùi Như Thiềm 9 năm tù; Bùi Văn Nga 8 năm tù; Đoàn Mạnh Thảo 7 năm tù; Trần Trọng Tuấn 4 năm tù. Nhóm 3 bị cáo bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 174 gồm: Đinh Ngọc Hệ bị phạt 20 năm tù; tổng hợp án 12 năm tù Tòa án Quân sự Trung ương tuyên năm 2018 bằng 30 năm tù (án có thời hạn không quá 30 năm tù); Phạm Văn Diệt 15 năm tù; Vũ Thị Hoan 7 năm tù”.

Sau nghị án, cuối giờ chiều 21/5, HĐXX Tòa án Quân sự QCHQ nhận định bị cáo Nguyễn Văn Hiến – nguyên Tư lệnh QCHQ có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai thuộc hải quân nhưng không làm hết nhiệm vụ; thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thuộc quyền; thiếu kiểm tra tính hợp pháp nên đã ký văn bản do cấp dưới trình, quyết định việc đưa 3 khu đất trên vào làm kinh tế sai quy định.

Bị cáo Hiến không kiểm tra việc thực hiện ý kiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về không góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Ông Hiến có lập đoàn tổng kiểm tra các dự án kinh tế gồm 3 khu đất nói trên nhưng không chỉ đạo hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc cho dừng thực hiện các dự án vi phạm.

“Hành vi của bị cáo khiến QCHQ mất quyền sử dụng 3 khu đất trong thời gian dài, gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Hiến có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, khiến QCHQ mất quyền quản lý 3 khu đất quốc phòng trong thời gian dài, thất thoát số tiền lớn, gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới hình ảnh cán bộ cấp cao của hải quân nên phải xử lý nghiêm” – HĐXX xác định.

HĐXX cũng xác định bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lập Công ty Yên Khánh, cho bị cáo Vũ Thị Hoan làm giám đốc. Ông Hệ cũng chỉ đạo Yên Khánh qua bị cáo Phạm Văn Diệt. Năm 2006, tuy Yên Khánh mới lập nhưng Hệ chỉ đạo Hoan lập tờ trình phản ánh sai sự thật năng lực để xin liên doanh với Hải Thành nhằm xây cao ốc trên khu đất số 7 - 9. Được đồng ý, bị cáo Hệ chỉ đạo chuyển tên chủ sở hữu trong sổ đỏ, sửa đổi nội dung hợp đồng liên doanh để lấy quyền định đoạt khu 7 – 9.

Sau đó, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt mang đất đi thế chấp tại Ngân hàng BIDV cho các công ty liên quan để vay 717 tỷ đồng, hiện còn dư nợ hơn 500 tỷ đồng. Vì vậy, HĐXX xác định các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan đã gian dối nhằm chiếm đoạt khu đất số 7 - 9 của QCHQ có giá trị tại thời điểm năm 2010 là hơn 525 tỷ đồng.

Về dân sự, tòa án cho rằng khu đất số 2 và 9 – 11 đường Tôn Đức Thắng bị cho thuê trái quy định nên các công ty đang quản lý gồm Cảnh Hưng Hải Thành, Mai Thành phải trả lại QCHQ.

Tòa án cũng tuyên trả lại QCHQ khu đất số 7 – 9 và bác đề nghị của Ngân hàng BIDV về việc không thu hồi sổ đỏ, nhằm bảo vệ quyền lợi của ngân hàng này. Lý do, tòa án cho rằng, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa Hải Thành và Yên Khánh không phát sinh hiệu lực do vi phạm điều cấm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...