Sau khi đi làm được hai năm để giúp đỡ ba mẹ nuôi các em tôi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Người yêu tôi là người thành phố, làm tư vấn xây dựng và đã có nhà cửa ổn định.
Ba mẹ tôi rất mừng khi con gái tìm được người ưng ý và trải qua bốn năm tìm hiểu yêu đương. Anh rất thương và chiều chuộng tôi, chỉ có điều mẹ anh không thích tôi lắm do tôi là dân tỉnh lẻ và bà đi xem bói nói tuổi hai đứa không hợp.
Nhưng vì anh quyết tâm lấy tôi nên ba mẹ anh xuôi theo. Hai bác đã lên nhà tôi để làm lễ dạm ngõ và bàn chuyện cưới xin.
Do hai nhà ở khá xa nhau nên ba mẹ tôi không muốn sính lễ cầu kỳ vất vả cho nhà trai. Theo ý của mẹ anh, tuổi của chúng tôi không hợp nên sẽ phải làm lễ rước dâu hai lần. Trong ngày ăn hỏi sẽ dẫn dâu lấy ngày luôn, đến ngày cưới sẽ làm thêm lần nữa.
Cả hai bên thống nhất, ngày ăn hỏi bên nhà trai sẽ mang đến bảy mâm lễ. Thực chất những lễ này do nhà tôi tự chuẩn bị luôn vì sợ nhà trai ở xa vất vả. Bố tôi cũng nói rõ, theo phong tục quê tôi, con gái đi lấy chồng phải có tiền dịch lễ (hay còn gọi là lễ đen).
Số tiền này không cố định bắt buộc mà tùy vào nhà trai, có thì cho nhiều mà không có thì ít cũng được. Tiền này nhà gái không giữ mà cho luôn các con sắm sửa đồ cưới. Không phải đòi hỏi nhiều mà chỉ cần dùng số lẻ như 1 triệu lẻ vài chục ngàn hay ba triệu lẻ ba chục ngàn là đẹp.
Quan niệm của phong tục này là nó mang lại may mắn cho cô dâu khi về nhà chồng. Ở quê tôi, nhà nào bất kể nghèo hay giàu đều phải có tiền dịch lễ mới được đón dâu về. Bố mẹ anh không có ý kiến gì nên nhà tôi cứ nghĩ nhà trai đã đồng ý.
Đến ngày làm lễ ăn hỏi, các cụ trong dòng họ đến rất đông để đón nhà trai. Bà con ở quê nghe tôi lấy chồng thành phố nên đến chia vui từ sớm. Khi nhà trai đến, ngoài bảy mâm lễ nhà tôi chuẩn bị thì không có thêm cái gì nữa, kể cả tiền dịch lễ.
Hình minh họa.
Khi cụ trưởng họ bên tôi hỏi tiền dịch lễ để làm quà cho vợ chồng tôi thì mẹ chồng tôi thản nhiên bảo: “Tôi cưới con chứ có phải mua dâu đâu mà đòi tiền”. Câu nói này khiến họ hàng nhà gái vô cùng khó chịu.
Cụ trưởng họ quay lại trách bố tôi sao không bàn bạc kĩ mà để hiểu lầm như thế. Bố tôi giận tím mặt giải thích: “Hôm trước tôi có nói rõ bên nhà trai số tiền đó là theo phong tục, ít nhiều gì cũng phải có. Tiền đó nhà gái sẽ lại lễ cho nhà trai và dư thì cho hai cháu làm quà”.
Nhưng cả họ nhà trai không đồng ý, họ bảo chỗ mình không có tục lệ đó, nếu đưa tiền để mua dâu thì họ nhất quyết không mua.
Trước mặt cả dòng tộc, bố mẹ tôi vô cùng xấu hổ về cách cư xử của nhà trai nên nói cứng: “Nếu mà bán con thì chúng tôi phải đòi tiền tỉ chứ vài đồng tiền dịch lễ có là gì so với công sức nuôi dưỡng.
Ngày dạm ngõ tôi đã trao đổi về phong tục này và bên nhà trai không có ý kiến. Chúng tôi chưa hề đòi lễ vật linh đình tới xin dâu và làm khó nhà trai điều gì. Tuy nhiên cái này thuộc về phong tục của quê tôi, nếu nhà trai không có tiền dịch lễ, chúng tôi không cho đón dâu”.
Trước tình hình hai bên căng thẳng như thế, tôi kéo chồng ra một góc để bàn cách giải quyết. Dù anh biết trước phong tục nhưng đến lúc đó lại cương quyết theo lời bố mẹ, do quê anh không có tục đó sẽ không làm.
Tôi định nhún nhường, vào phòng lấy tiền của mình bỏ vào phong bì đưa cho anh để làm tiền dịch lễ cho êm chuyện. Tôi chưa kịp làm thì bị mẹ phát hiện và quát cho một trận. Mẹ bảo: “Không việc gì phải chịu nhục như thế, con thèm lấy chồng đến mức phải tự đưa tiền ra để được dẫn dâu sao”.
Sau đó, mẹ bắt tôi vào phòng rồi khóa cửa lại để người lớn giải quyết. Hai bên gia đình sau một hồi tranh cãi vẫn không thể hóa giải được, nhà trai nhất định không đưa tiền dịch lễ còn nhà gái cương quyết không cho đón dâu.
Nhà trai tức giận đùng đùng lên xe bỏ về để lại một nỗi nặng nề bao trùm nhà gái. Ba mẹ tôi ê chề với bà con họ tộc và hàng xóm.
Bao nhiêu năm mong đợi đám cưới của con mà giờ phải chịu nhục vì một chuyện nhỏ. Hôm đó mọi người được mời đến dự đám hỏi mà không khác gì đi ăn giỗ.
Tôi khóc sưng cả mắt, không hiểu sao nhà chồng lại hành xử như thế. Tôi trách anh không có chính kiến để hai bên xung đột.
Còn ba mẹ khuyên tôi nên xem xét lại mối quan hệ này. Dù gì tôi là người có nhan sắc, công việc, học vấn chứ không phải thua kém gì. Nếu ngay từ đầu, nhà trai đã tỏ ý khinh thường như thế thì cuộc sống hôn nhân sau này làm sao hạnh phúc được.
Tôi thật sự bối rối vì từ trước đến nay anh và tôi yêu nhau chưa từng xảy ra mâu thuẫn gì, vì chuyện này mà chia tay có phải quá vội vàng.