Trong những năm qua, tình hình vi phạm, tội phạm và tệ nạn ma tuý diễn biến rất phức tạp với phương thức, tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng nguy hiểm, đa dạng, tinh vi. Các đối tượng phạm tội về ma túy trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách câu kết với nhau thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, hình thành đường dây tội phạm xuyên quốc gia.
Một số lượng ma túy rất lớn đã được vận chuyển trót lọt từ nước ngoài vào Việt Nam sau đó vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Số vụ ma túy bị các cơ quan chức năng phát hiện khám phá không có chiều hướng giảm.
Thông qua các vụ án bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ thời gian qua cho thấy các loại ma túy là heroine, ma túy tổng hợp như ketamine, methamphetamine, thuốc lắc… chủ yếu được chuyển từ Lào, Camphuchia và Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ qua các khu vực biên giới thuộc các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh.
Các loại cây tự nhiên có chứa chất ma túy như lá Khat, cần sa, lá cô ca, nấm “thần thức” hoặc thảo mộc sấy khô được tẩm chất ma túy tổng hợp như “cỏ Mỹ”, … thường được vận chuyển vào Việt Nam qua đường hàng không, hàng hải, nguồn gốc chủ yếu từ các nước châu Phi, châu Mỹ; tội phạm thường núp dưới danh nghĩa các pháp nhân là công ty, doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu “chè”, hoặc gửi hàng hóa theo hình thức ủy thác, tạm nhập tái xuất. Đáng lưu ý là đã phát hiện, bắt giữ được nhiều vụ sản xuất và tiêu thụ trái phép chất ma túy với khối lượng lớn ngay tại trong nước.
Trong các vụ án nhỏ, lẻ đối tượng phạm tội chủ yếu là những người mắc nghiện chất ma túy lâu năm, đã đi cai nghiện nhiều lần hoặc chấp hành án phạt tù về nay không có tiền mua ma túy phục vụ nhu cầu cá nhân nên đã thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy để có tiền mua ma túy sử dụng; còn trong những vụ án lớn, có tổ chức, hoạt động mua bán ma túy thực hiện liên tỉnh, xuyên quốc gia, số lượng ma túy lớn, đối tượng phạm tội ma túy với nhiều thành phần tham gia khác nhau; đáng lưu ý là ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Về phương thức, thủ đoạn, tội phạm về ma túy rất đa dạng, mỗi nhóm tội phạm có một phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Tuy nhiên, các đối tượng phạm tội về ma túy đều có những điểm chung là sự manh động, liều lĩnh, trang bị nhiều loại vũ khí “nóng”, phương tiện hiện đại để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi bắt giữ.
Trong thời gian từ năm 2008 đến nay, Viện KSND các cấp đã thực hành quyền công tố, thụ lý kiểm sát điều tra 152.504 vụ/192.602 bị can; truy tố: 144.517 vụ/183.214 bị can; kiểm sát xét xử sơ thẩm 146.424 vụ/185.855 bị cáo.
Phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử lưu động các vụ án về ma túy tại nhiều địa bàn trọng điểm, nhức nhối về ma túy, thông qua phiên tòa Kiểm sát viên chủ động phân tích các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tác hại, hậu quả và hệ lụy của ma túy đối với con người và tình hình trật tự trị an, xã hội. Khuyến khích tinh thần đề cao cảnh giác, phát hiện và tố giác kịp thời những hành vi vi phạm, phạm tội của bất kỳ cá nhân, tổ chức có liên quan đến tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng.
Trong công tác giáo dục xử lý người nghiện đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp để tham gia kiểm sát đầy đủ các các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định, bảo đảm đúng đối tượng, kiên quyết không đồng ý với các trường hợp không đảm bảo về thủ tục pháp lý.
Thông qua công tác này đã tập hợp được nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để kiến nghị đến các cơ quan chức năng khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời hoặc sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.
Ngành KSND cũng phối hợp với cơ quan điều tra, hải quan trong việc xử lý các hành vi vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu các loại chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện… nhưng không tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhất là đối với những lô hàng tạm nhập, tái xuất. Qua công tác kiểm soát, giám sát các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng có giấu ma túy được vận chuyển quá cảnh qua Việt Nam đi nước thứ 3 tiêu thụ bằng hình thức này.
Điển hình như vụ lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất của Việt Nam, đối tượng Carlos Rene đã sử dụng tên giả là Maximo Loyola với chức danh đại diện cho Công ty Century Scrap Metal tại Brazil, ký hợp đồng ủy thác dịch vụ giao nhận xuất nhập khẩu hàng hóa với chi nhánh Công ty TNHH quốc tế Delta (có địa chỉ tại quận Tân Bình) để vận chuyển trái phép 55,7kg Cocain vào Việt Nam hoặc vụ bắt giữ 5,6 tấn lá Khat (người nhận từ chối nhận hàng) tại Cảng Hải Phòng.
Tại sao tội phạm ma tuý luôn gia tăng ?
Theo Viện KSND tối cao, nguyên nhân của tình hình vi phạm, tội phạm ma túy tăng và diễn biến phức tạp là do siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán trái phép chất ma túy mang lại, nhiều đối tượng bất chấp những quy định nghiêm khắc của pháp luật, bất chấp tính mạng, giá trị đạo đức xã hội để mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy.
Tệ nạn sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá trong thanh thiếu niên tại các nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, quán karaoke... chưa được kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả. Công tác tổ chức cai nghiện cho người mắc nghiện chất ma túy tại gia đình, cộng đồng và các trung tâm chữa bệnh bắt buộc có hiệu quả chưa cao, số người mắc nghiện mới vẫn gia tăng, tỷ lệ tái nghiện cao.
Mặt khác,Việt Nam nằm rất gần khu vực “Tam giác vàng” - là một trong 3 khu vực sản xuất ma túy lớn nhất trên thế giới. Với đặc điểm về điều kiện tự nhiên, địa lý thuận lợi của Việt Nam là có thể thông thương với nhiều quốc gia trên thế giới bằng cả đường bộ, đường hàng không và đường biển nên bọn tội phạm coi như là một cửa ngõ để trung chuyển đưa ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” ra thế giới bên ngoài.
Hơn nữa, việc quản lý các hóa chất, tiền chất để sản xuất trái phép chất ma túy còn lỏng lẻo tạo điều kiện cho các đối tượng có thể chiết xuất ra tiền chất hoặc ma túy tổng hợp ngay tại trong nước.
Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân nữa là lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống ma túy chưa ngang tầm với nhiệm vụ, các trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho lực lượng chuyên trách còn thiếu và hạn chế về công nghệ, chế độ đãi ngộ đối với những người trực tiếp công tác trong hoạt động trinh sát, điều tra, truy tố và xét xử chưa được quan tâm đúng mức và thỏa đáng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, do vậy chưa huy động được sức mạnh của cả cộng đồng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy hiện nay.
Dự báo tình hình tội phạm về ma túy trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục gia tăng cả về số vụ và tính chất, cũng như thủ đoạn và phương thức phạm tội, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí, phương tiện để chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng.
Đáng chú ý có sự gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm vận chuyển ma túy qua đường biển, đường hàng không, đường bưu điện... Tình hình mua bán, sử dụng các loại ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu từ Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ và đã xuất hiện các trường hợp sản xuất ma túy tổng hợp ngay tại trong nước. Do đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, xã hội.