Cuộc sống bà con lạc hậu ở vùng cao, vùng biên giới còn nhiều khó khăn nên dễ bị kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng dẫn đến trở thành mắt xích trong đường dây của chúng.
Ở nơi đối tượng lấy đêm làm ngày
Lóng Sập là xã biên giới của huyện Mộc Châu với gần 30 km đường biên giới giáp với Pa Háng-Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu (CHDCND Lào). Trước khi vào đây, người dân ở thị trấn bảo: Ban ngày thì bình yên lắm. Phải đến khi đêm đến, nhiều cánh rừng rầm rập đối tượng chuyển hàng.
Quả nhiên, từ thị trấn Nông trường Mộc Châu vào Lóng Sập với cung đường dài hơn 36 km khá bình yên. Nhưng thật sự bình yên một cách lặng lẽ, thậm chí có nhiều bản cô quạnh bởi thanh niên nghiện ngập nhiều, nhiều đối tượng đang phải chịu cải tạo ở các trại giam vì tội mua bán ma túy. Ông Vì Văn Vương - bản Bó Sặp (xã Lóng Sập) cho biết: “Nhiều bản chỉ còn người già, còn thanh niên đã mắc nghiện”.
Tình hình phức tạp nhất hiện nay vẫn là tình trạng hoạt động của các toán, nhóm vận chuyển ma túy trên địa bàn Mộc Châu, Vân Hồ, các đối tượng ở ngoại biên tiếp tục tìm cách câu móc với một số đối tượng ở nội biên và nội địa để làm “hoa tiêu”, “chim lợn” và trực tiếp tham gia đường dây của chúng.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La cho biết: Chúng thay đổi về phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đường hướng, thời gian vận chuyển: Chúng hoạt động trên nhiều đường mới, phức tạp và khó đi hơn; hoạt động không thành quy luật về đường đi, thời gian.
Để tránh bị phát hiện của lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân, chúng thường xuyên xóa dấu vết, nhất là những khu vực nhạy cảm; chúng thường xuyên cho người không mang “hàng”, vũ khí đi trước để thăm dò, dẫn đường; hoạt động của chúng ngày càng tinh vi hơn.
Theo Thiếu tá Trần Nam Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, khu Pa Háng-Huổi Hiềng tiếp giáp với 6 xã thuộc 3 huyện biên giới Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ của Sơn La và xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Tại khu vực giáp ranh này còn có dãy núi Pha Luông chạy dài 4km dọc theo biên giới cao gần 2.000m, rừng núi hiểm trở. Đây là cung đường ngắn nhất, cũng là cung đường “vàng” để các đối tượng vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng”, qua Lào đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Nhìn vào những con số cụ thể mà lực lượng trực tiếp đánh án cho thấy số vụ và số người tham gia mua bán ma túy đang tăng. Theo thống kê, năm 2016, Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện và bắt giữ 860 vụ, 1.391 đối tượng phạm tội về ma túy và chỉ mới 6 tháng đầu năm 2017 đã bắt giữ 551 vụ, 907 đối tượng phạm tội về ma túy.
Tại huyện Mộc Châu, năm 2016, lực lượng công an huyện đã bắt giữ tổng 130 vụ, 249 đối tượng. 6 tháng đầu năm 2017, bắt giữ 111 vụ, 242 đối tượng.
Một trong những chuyên án lớn mà Bộ Công an chủ trì, Công an Mộc Châu, Vân Hồ cùng phối hợp là Chuyên án 279LL. Tại buổi sơ kết 5 giai đoạn của Chuyên án 279LL, lực lượng truy bắt đã 5 lần đấu súng với các nhóm người Mông có vũ trang, thu tổng cộng hơn 400 bánh heroin, hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp, nhiều súng quân dụng.
Ở giai đoạn 8 của chuyên án, ngày 22/7/2017, lực lượng chức năng đã bắt giữ Mùa A Hử (trú tại khu Pa Háng, huyện Sốp Bâu, Lào), thu giữ 28 bánh heroin, 1 khẩu súng. Khi mở rộng điều tra, chuyên án còn bắt giữ 2 đối tượng là Tráng A Dếnh, Tráng Giống Dế (cùng trú tại bản Pu Nhan, xã Lóng Sập).
Hay một chuyên án khác, ngày 2/7/2017, tại khu vực Bản Thín, huyện Vân Hồ, Công an tỉnh Sơn La đã bắt quả tang 4 đối tượng đang vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 40 bánh heroin, 1 xe ôtô, 2 xe máy cùng một số tang vật khác.
Trung tá Tạ Văn Tuệ, Phó Đội trưởng CSĐTTP về kinh tế và ma túy (Công an Mộc Châu) cho biết: “Ban đêm, đối tượng vận chuyển ma túy rất manh động, sẵn sàng dùng súng nã vào lực lượng chức năng, đến rát cả mặt! Chỉ một chút sơ sểnh là chịu tổn thất”.Một đối tượng vận chuyển ma túy bị bộ độ biên phòng bắt giữ.
Xóm bản tiêu điều
Bám địa bàn, tìm hiểu các chuyên án đánh vào đối tượng mua bán ma túy tại vùng cao Sơn La, chúng tôi đã ghi nhận những hình ảnh tiêu điều của nhiều bản làng bị bão ma túy quét qua. Bão ma túy vẫn tiếp tục hoành hành, khiến biết bao người trở thành nô lệ cho “nàng tiên nâu”.
Những năm gần đây, cửa khẩu Lóng Sập đặt cơ chế mở cửa, thuận lợi cho việc buôn bán, nhưng cũng là điều kiện cho tội phạm ma túy hoạt động, người nghiện ma túy gia tăng. Một trong những điển hình của hệ lụy này là chị Lò Thị Xăm ở bản Phát, xã Lóng Sập.
Nỗi đau đè nặng lên vai người phụ nữ dân tộc Thái chăm chỉ xảy đến từ hơn chục năm trước, khi ma túy đã cướp mất chồng chị, rồi dần dần “rủ” hai cậu con trai chị vào những cơn mê đắm.
Mặt phờ phạc, chị Xăm tâm sự: “Năm 2000, chồng tôi nghiện nặng, từ đó anh ấy thường xuyên sang Lào làm thuê chỉ để được người ta cho ăn, cho thuốc hút. Năm 2010 thì anh ấy cũng mất luôn, may mắn được bà con bên đó đưa về bên này mai táng”.
Chồng mất, chị Xăm dành tình yêu cho hai cậu con trai. Nhưng nỗi đau chưa chịu buông tha khi cả hai cậu con trai là Hà Văn Hương và Hà Văn Hùng đều theo trào lưu của thanh niên trong bản, uống rượu, hút hàng trắng rồi trở nên nghiện ngập.
Hùng đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, còn Hương chịu sự quản thúc của địa phương, hằng ngày uống thuốc thay thế tại Trạm y tế xã Lóng Sập. Hương là chàng trai biết thương mẹ, biết ăn năn và giờ chỉ mong sao cai dứt điểm để mẹ bớt khổ.
Anh Lò Văn Đức - Trưởng công an xã Lóng Sập nêu ra những con số rợn người: Hiện trên địa bàn xã có 197 người nghiện, 32 người đang đi cai nghiện bắt buộc, 101 đối tượng đang thi hành án ở các trại giam, 32 đối tượng chấp hành xong án phạt tù về ma túy trở về địa phương…
Anh Đức dẫn tôi đến bản Buốc Pát, cách trung tâm xã chừng 27 cây số đường mòn. Ập vào tôi là sự vắng vẻ, heo hút đến hoang lạnh, cũng bởi những cặp vợ chồng trẻ là sức sống của bản đều dính nghiện ngập, chẳng còn tâm trạng làm ăn, bỏ bê nương rẫy. Đứng dưới chân đồi vắng, anh Đức bộc bạch: “Người chết, người đi cai, đi tù, không ít người vẫn tiếp tục sang Lào làm thuê lấy thuốc hút”.
Sự vắng vẻ, cô quạnh cũng diễn ra ở các xã lân cận là Chiềng Khừa, Mường Sang hay nhiều bản ở huyện Vân Hồ, Sốp Cộp, khi người nghiện, người đang chịu án phạt tù ở các trại giam đều rất cao. Nhiều bà mẹ nghẹn lòng trước 3-4 đứa con đứt ruột đẻ ra cứ lê la mỗi đứa một góc nhà rồi chết dần chết mòn, từ đó những thân già phải cô đơn chăm nom các cháu.
Anh Lò Văn Đức - Trưởng công an xã Lóng Sập cho hay: “Đã đánh rồi, nhưng chưa lui được vì đây là vấn đề phức tạp và cần phải đánh mạnh hơn nữa. Đánh cho chúng sợ, chúng phải xẹp xuống không dám manh động nữa”.
Theo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, tại các địa bàn trọng điểm như bản Bản Muống, Huổi Hiềng, Pưng, Pa Háng, Pa Khôm Nọi, khu Pa Háng - Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào), các đối tượng đầu nậu vẫn tập kết ma túy tại các địa bàn trên, sau đó tìm cách vận chuyển qua biên giới vào địa bàn xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ) hoặc Hang Kia, Pà Cò thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình) rồi các đối tượng móc nối với chủ ma túy lớn trong nội địa tiêu thụ trong nước và đưa sang nước thứ 3.
Phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy chủ yếu là tổ chức các toán, nhóm được trang bị vũ khí quân dụng (phổ biến là súng AK, K54 và lựu đạn), trang bị hiện đại như: ống nhòm nhiệt, áo giáp chống đạn loại gọn nhẹ, lợi dụng địa hình rừng núi để xâm phạm biên giới, cấu kết chặt chẽ với một số đối tượng người Mông ở khu vực biên giới và nội địa tiếp giáp để tổ chức vận chuyển ma túy; hoạt động không theo quy luật, có sự thích ứng và chủ động đối phó với việc tuần tra kiểm soát, mật phục của lực lượng chức năng. Tính chất tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng thách thức, bắn trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, gây khó khăn cho việc đấu tranh ngăn chặn.
Trung tá Tạ Văn Tuệ khuyến nghị, bà con không nên tiếp tay cho tội phạm, tàng trữ trái phép ma túy. Bởi hậu quả trực tiếp chính là người dân trong các xóm bản phải chịu.
Xét đến cùng, việc mua bán ma túy chỉ làm giàu cho một số đối tượng, còn đời sống bà con vùng cao thì lâm cảnh khốn cùng, nghiện ngập. Những điểm nóng vẫn chưa hạ nhiệt, đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực hơn nữa của lực lượng chức năng.