Ngày càng nhiều dự án nghệ thuật dành cho trẻ em

Ngày càng nhiều dự án nghệ thuật dành cho trẻ em

Hướng tới nghệ thuật truyền thống

"Bay lên những ước mơ" là dự án nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ với những vở diễn đặc sắc được nhiều khán giả nhí yêu mến. Dự án này được ra mắt từ mùa hè 2019 đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả.

Theo Nhà hát Tuổi trẻ, dự án nghệ thuật được đầu tư chiều sâu, quy tụ các đạo diễn, nghệ sĩ tài năng và tấm huyết. Với sự chuẩn bị kỹ càng, có định hướng, sàng lọc các chi tiết nghệ thuật hợp với thị hiếu, hiểu biết và trí tưởng tượng của trẻ nhỏ nên dự án gặt hái được nhiều thành công, lan toả rộng và được đánh giá cao.

Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày khởi động, "Bay lên những ước mơ" dần trở thành sân chơi nghệ thuật bổ ích dành cho các em nhỏ. Hè năm 2020, các nghệ sĩ nhà hát đã dành những đêm trình diễn với các chương trình như kịch, nhạc và ca múa nhạc - kịch, kích thích trí tưởng tượng giúp các em tạo lập ước mơ riêng.

Kịch vui thiếu nhi "Vaxilixa và phù thủy độc ác" được chuyển thể từ câu chuyện "Hai cây phong" của nhà văn E.Sơ-vác-xơ, kể về chuyến hành trình của một người mẹ đi tìm hai đứa con ham chơi bị lạc trong khu rừng. Vở diễn với không gian sân khấu được dàn cảnh ấn tượng và âm nhạc sinh động sẽ dần đưa các em thiếu nhi hòa mình vào thế giới cảm xúc qua cuộc hành trình thú vị cùng các nhân vật đáng yêu trong rừng.

"Cuộc chiến vô cực" đậm chất nhạc kịch, đầy ắp những tình huống vui nhộn nhưng cũng không kém phần xúc động, mang đến cho các em thiếu nhi thông điệp giá trị về tình đoàn kết và lòng nhân ái.

"Trống choai đi đâu thế…?" là chương trình ca múa nhạc - kịch vui theo phong cách tạp kỹ hiện đại, gây ấn tượng mạnh cho khán giả nhí với màu sắc rực rỡ, nội dung giàu tính giáo dục, được sân khấu hóa một cách khéo léo, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Mới đây, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng diễn ra chương trình "Vườn âm nhạc" với chủ đề "Mùa hè của bé". Theo thông tin, đây là chủ đề mở màn cho các chương trình nghệ thuật dành cho các em nhỏ vào các sáng thứ bảy cách tuần. Đây là dự án nghệ thuật dài hạn, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 12/2020.

Đạo diễn Lê Trung Thảo cho rằng, nghệ thuật dành cho thiếu nhi luôn là một phương pháp giáo dục tích cực. Ngoài việc giúp các em hình thành tính cách, trí tưởng tượng thì đây còn là cơ hội để các bé làm quen với âm nhạc, nghệ thuật. 

Các nghệ sĩ với kịch bản sáng tạo sẽ "đánh thức" khả năng vốn có của trẻ nhỏ và hướng đến nghệ thuật truyền thống như cải lương, xiếc, ca múa nhạc, múa rối, hát bội.

Ngày càng nhiều dự án nghệ thuật dành cho trẻ em ảnh 1
Nghệ thuật dành cho thiếu nhi dần chuyển đổi từ dự án mang tính thời vụ sang dự án dài hạn, đầu tư chiều sâu. Ảnh: ITN.

Thực đơn cho tâm hồn

Cũng theo đạo diễn Lê Trung Thảo, kịch bản của các chương trình được thống nhất tập trung vào đề tài văn hóa, lịch sử, với thời lượng khoảng từ 1 – 1,5 tiếng. Đặc biệt, dự án nghệ thuật còn lan toả sâu rộng khi các nghệ sĩ đi lưu diễn tại các quận huyện.

Đại diện Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết, chương trình nghệ thuật phục vụ thiếu nhi không đơn thuần chỉ là giải trí, thông qua đó để đào tạo thế hệ khán giả mới, và để các em nhỏ tiếp cận dần với sân khấu truyền thống. 

Khán giả nhí được gặp gỡ các nhân vật quen thuộc như Trạng Tí, ông Bụt, cô Tấm, Hoàng tử, cô Cám. Dự án nghệ thuật dài hạn với sự góp mặt của các nghệ sĩ tâm huyết như Tú Sương, Tâm Tâm, Trúc Phương, bé Kim Thư, Hồng Quyên…

Thông tin từ Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, mỗi năm nhà hát xây dựng từ 2 đến 4 chương trình có nội dung phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng để dành riêng biểu diễn phục vụ khán giả thuộc lứa tuổi này vào dịp các em được nghỉ học, đặc biệt vào dịp 1/6 và ngày Tết Trung thu.

Nhà hát thường tổ chức nhiều đợt biểu diễn liên tục từ 4 đến 5 suất diễn mỗi ngày, phục vụ hàng chục nghìn lượt khán giả tuổi thần tiên. Không chỉ phục vụ trẻ em thành phố mà thiếu nhi của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng nhiều dịp được thưởng thức các chương trình nghệ thuật dành riêng cho lứa tuổi của mình qua các đợt đi lưu diễn của các đoàn nghệ thuật.

Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Sân khấu Quốc tế Thụy Điển và Quỹ Phát triển và hợp tác Quốc tế Thụy Điển (SIDA), Nhà hát Tuổi trẻ đã triển khai thành công dự án "Tiếng nói trẻ thơ" kéo dài suốt 3 năm với hơn 300 suất hoàn toàn miễn phí cho trẻ em, đặc biệt ưu tiên các trường, các trung tâm có trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn ít có điều kiện thưởng thức nghệ thuật ở khu vực ngoại thành Hà Nội như: Bắc Ninh, Ninh Bình...

Trong nhiều tiêu chí đặt ra, Nhà hát Tuổi trẻ đưa ra mục tiêu thứ hai trong việc phục vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu, tâm lý và giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng đạo đức cho khán giả. Những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, ưu tiên những vấn đề liên quan đến thanh thiếu nhi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay, thực trạng đáng buồn hiện nay là dù biết việc sáng tạo dành cho thiếu nhi là quan trọng, là một thị trường có khả năng tiêu thụ rất tốt, song bao lâu nay nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn chưa được đầu tư xứng tầm.

"Điều này cũng giống như việc con mình muốn ăn gì thì ai trong chúng ta cũng có thể lên thực đơn chuẩn xác, nhưng không ai dựng lên được một "thực đơn cho tâm hồn" để những đứa trẻ biết mình cần đọc cái gì, nghe gì, xem gì, giao tiếp với ai…", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định, trong thời đại bùng nổ công nghệ giải trí như hiện nay, việc tìm kiếm những sáng tác, tiết mục nghệ thuật - giải trí giàu giá trị chân - thiện - mỹ để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như thi giọng hát nhí, hoa hậu nhí, người mẫu nhí… dường như đang bắt các em phải “kiễng chân” lên chứ không phải để các em được nuôi dưỡng tâm hồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.