Bộ phim hoạt hình sử dụng thủ pháp stop-motion theo phong cách của những bộ phim hoạt hình ăn khách như Chicken Run, Coraline, Kubo And The Two Strings... Đây là lối sử dụng những con rối và mô hình để tạo cảnh động, đòi hỏi một sự “kỳ công” không nhỏ đối với người đạo diễn.
Nhưng bù lại ngay từ những hình ảnh đầu tiên, người xem đã bị ấn tượng bởi lối dẫn truyện kỳ lạ của Isle of Dogs. Tác phẩm lấy bối cảnh tại thành phố Megasaki, Nhật Bản, bị quá tải dân số “chó”, Thị trưởng Kobayashi (Kunichi Nomura) đưa ra lệnh “trục xuất” tất cả loài chó đến một hòn đảo rác. Ông cho rằng loài chó mang mầm bệnh nguy hiểm cho cư dân thành phố.
Câu chuyện mở ra khi nhóm những chú khuyển mạnh mẽ nhất Chief (Bryan Cranston), Rex (Edward Norton), Duke (Jeff Goldblum), Boss (Bill Murray) và King (Bob Balaban) cùng chung sức giúp đỡ cậu bé Atari (Koyu Rankin) đi tìm lại chú chó cưng trung thành mang tên Spot của mình.
Cuộc phiêu lưu bắt đầu với đầy bất ngờ và hiểm nguy, khi mà nhóm Người – Chó phải đối mặt với cộng đồng chó vốn bị tổn thương niềm tin vào con người và với cả cộng đồng con người đang vứt bỏ loài chó.
Trong suốt cuộc hành trình của Atari và nhóm chó, thông điệp về “niềm hy vọng” luôn hiển hiện như kim chỉ nam, quyết định những bước ngoặt quan trọng của câu chuyện. Đó là khi chú chó Chief nói với Rex “Không ai được từ bỏ hy vọng”. Đó là khi Rex nói với Atari rằng “Ta sẽ tìm cậu ấy (Spot) bất kể cậu ấy sống ở đâu. Nếu cậu ấy còn sống, ta sẽ tìm thấy thôi.”
Đó là khi cho dù một cuộc chiến giữa con người và loài chó đang diễn ra, thì nhóm Atari vẫn quyết định đi đến một hòn đảo có bãi rác phóng xạ nguy hiểm để tìm Spot. Nghĩa là ngay cả khi con người thành phố Megasaki đã thay thế loài chó thật bằng loài chó robot, sử dụng lưới sắt bắt cậu bé Atari như bắt một chú chó hoang đi lạc, đánh bom hủy diệt đảo chó … thì tình bạn chân thành giữa con người và loài chó vẫn không thay đổi. Tình bạn này chiến thắng nỗi sợ hãi diệt vong, sự tổn thương vì bị vứt bỏ và cả sự kỳ thị chủng loài.
Trước Isle of Dogs, đạo diễn Wes Anderson cũng từng thử sức với dòng phim này, khi anh trình làng phim hoạt hình Fantastic Mr. Fox vào năm 2009 và được giới phê bình khen ngợi. Song, ở Isle of Dogs,trong bối cảnh Nhật Bản với nhiều chi tiết văn hóa sống động hòa trộn phong cách làm phim của Mỹ cho thấy tính mạo hiểm của đạo diễn.
Bỏ qua sự tranh luận về văn hóa Đông – Tây, điểm nhấn của Isle of Dogs đọng lại là giá trị nhân văn ấm lòng, khi tác phẩm xoáy sâu vào mối quan hệ thân thiết giữa con người và những chú chó cưng. Dù có bị bỏ rơi trên hoang đảo hay trở nên gai góc, dữ tợn, thì loài chó vẫn được ví như những samurai trung thành, không bao giờ phản bội chủ nhân của mình. Có thể thấy, tính nghệ thuật của phim đến từ việc dựng hình, cho đến tinh thần mà tác phẩm muốn truyền tải.
Khi được trình chiếu sớm tại Liên hoan Phim Quốc tế Berlin lần thứ 84, tác phẩm đã đạt được giải Gấu Bạc - giải thưởng thuộc hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Phần lớn lời khen của giới phê bình đến từ việc Isle of Dogs là một phim hoạt hình tinh tế, giàu tính nghệ thuật.