Ngành Y tế năm 2018: Một năm nhìn lại

GD&TĐ -Với những bước chuyển mình tích cực, năm 2018 đã ghi nhận những thay đổi đáng kể của ngành Y tế. Người dân kỳ vọng được hưởng những ưu việt từ các dịch vụ y tế. Những thành tựu này sẽ hứa hẹn mang lại lợi ích dân sinh cho nhân dân.

Ngành Y tế điều chế thành công vắc xin phòng đại dịch
Ngành Y tế điều chế thành công vắc xin phòng đại dịch

5 năm triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh

Sau 5 năm triển khai đề án, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao được gần 2.000 kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới. Đến nay, có 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh đã góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện; Củng cố lòng tin của người dân, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh; Đồng thời giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, giảm quá tải tại Bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương.

Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình

Lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai trực tuyến tới hơn 700 đầu cầu trên cả nước, bao gồm tất cả các trạm y tế xã để thông tin về những thành quả bước đầu triển khai mô hình trạm y tế xã điểm. Bộ Y tế đang xây dựng 26 mô hình điểm phòng khám bác sĩ gia đình, giống mô hình ở các nước đang phát triển theo hướng toàn diện về cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực. Bởi vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế; đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất.

Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả. Theo đó, tuyến y tế cơ sở ban đầu này phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản…10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ gần khắp toàn quốc.

Ngành Y tế nhân rộng mô hình khám chữa bệnh tại xã phường
Ngành Y tế nhân rộng mô hình khám chữa bệnh tại xã phường 

Điều chế thành công vắc xin cúm mùa và vắc xin tiền đại dịch A/H5N1

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế, Bộ KHCN trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, những hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH và cơ quan nghiên cứu và phát triển tiên tiến về y tế (BARDA – Hoa Kỳ), IVAC đã phát triển thành công vắc xin cúm mùa 3 chủng H1N1, H3N2 và B, và vắc xin tiền đại dịch A/H5N1.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam sẽ dần thay thế vắc xin cúm mùa nhập khẩu sang vắc xin cúm do Việt Nam sản xuất. Dự kiến vắc xin này sẽ được lưu hành trên thị trường đầu năm 2019. Vắc xin này có giá thành rẻ hơn nhiều so với giá thành nhập khẩu. Khi được cấp phép lưu hành, hai loại vắc xin sẽ mang lại cơ hội sử dụng cho nhiều người dân trong đó có người nghèo, góp phần ngăn chặn dịch cúm có hiệu quả. (Được biết hàng năm, có khoảng một tỷ người trên thế giới mắc cúm, 3 đến 5 triệu người mắc bệnh nặng phải nhập viện, 290 đến 650 nghìn người tử vong. Trong thế kỷ trước, nhân loại đã trải qua 4 vụ đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc, hàng chục triệu người tử vong. Mỗi một đại dịch như vậy tiêu tốn khoảng 0,5% - 4,8% GDP toàn cầu.)

Thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu mô tạng tại Việt Nam

Ngày 16/10/2018, Bệnh viện Việt Đức chính thức đưa vào sử dụng ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam. Sự ra đời của ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, tiến hành các ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu trong ngành Y tế. Đây là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

Hiện ngân hàng mô đã bảo quản gần 1,000 mảnh xương sọ, hơn 300 trong số đó đã ghép lại cho người bệnh, hàng trăm mẫu tinh trùng, mô tinh hoàn đã được bảo quản. Việc bảo quản van tim, gân, mạch máu cũng đang được hoàn thiện kỹ thuật thực hiện. Ngân hàng sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học trong và ngoài nước nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, sau 5 năm thành lập, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đến nay đã có 19.300 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não, thực hiện gần 3.400 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có 3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học với các ứng dụng cho người bệnh ung thư vú

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng, người bệnh cũng ngày càng trẻ hóa, song nhờ áp dụng các biện pháp mới trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Tại Bệnh viện K, tỷ lệ này đạt trên 75%, ngang với Singgapore. Đó là một trong những kết quả của Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú được trao giải Nhất lĩnh vực Y dược giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Nhờ đó, chất lượng sống của người bệnh cũng được cải thiện, chi phí điều trị cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Kết nối mạng toàn bộ nhà thuốc ngăn việc bán thuốc không kê toa

Bộ Y tế thí điểm kết nối mạng các nhà thuốc nhằm tránh thuốc giả, ổn định giá, chỉ bán thuốc theo đơn. 25 tỉnh thành đã tham gia vào hệ thống liên thông nhà thuốc. Hơn 4.000 cơ sở bán lẻ thuốc đã được cấp tài khoản. Mục tiêu hết năm 2019 cả nước phải kết nối mạng tất cả nhà thuốc, tủ thuốc. Năm 2029 nối mạng hệ thống tất cả quầy thuốc cả nước. Kết nối mạng các nhà thuốc giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc. Cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn.

Những điểm mới của Luật bảo hiểm Y tế

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2018, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ. Theo Nghị định này có nhiều điểm mới cần lưu ý như: bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình; bỏ quy định giao quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã) thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; quy định cụ thể hơn về Hợp đồng KCB BHYT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.