Ngành Y tế - Giáo dục chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

GD&TĐ - Mùa mưa lũ, ngành giáo dục cùng ngành y tế chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…

Học sinh tỉnh Điện Biên vui mừng với nguồn nước sạch.
Học sinh tỉnh Điện Biên vui mừng với nguồn nước sạch.

Lưu ý thời tiết giao mùa

Cô Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non - Tiểu học - THCS Capitole (Hà Nội) cho biết, việc chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ được nhà trường đặc biệt quan tâm triển khai.

Trước tiên, nhà trường nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Trang thiết bị trong trường học luôn được vệ sinh sạch sẽ qua đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch, khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh răng miệng sau khi ăn.

Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi, tăng cường thực phẩm giàu vitamin C và các loại trái cây đảm bảo tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa mưa lũ, thay đổi thời tiết.

Công tác tuyên truyền giáo dục tới học sinh, phụ huynh học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về các loại dịch bệnh thời tiết giao mùa cũng như tầm quan trọng của việc gìn giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.

Vệ sinh môi trường, rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong mùa mưa lũ.
Vệ sinh môi trường, rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

Phụ huynh Trần Thị Lý (công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc nhà trường thường xuyên tuyên truyền công tác giáo dục để phối hợp đảm bảo sức khỏe cho trẻ giúp cha mẹ có thêm những kiến thức về chăm sóc giáo dục trẻ, có trang bị tốt cho các con đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thời tiết giao mùa. Phụ huynh rất yên tâm về chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi.

Cùng với đó, Trường Capitole cũng chủ động bồi dưỡng và tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về công tác đảm bảo an toàn phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

"Trong các hoạt động của nhà trường, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ là việc làm luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức khám sức khỏe định kì cho trẻ được nhà trường duy trì nhằm nâng cao ý thức phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ, thông qua hoạt động này đem lại sự phấn khởi, tin tưởng của các bậc phụ huynh về một môi trường giáo dục an toàn và thân thiện...", cô Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.

Vừa qua, nhóm thiện nguyện Vietnam gotami đã kết nối, hỗ trợ 7 giếng khoan, cung cấp nước sạch cho một số trường học tại biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Trước đó, địa phương này đã gửi thư kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cả nước ủng hộ chương trình “Nước cho em”. Mục đích của việc kêu gọi nhằm tháo gỡ khó khăn về nước sạch tại nhiều trường học vùng khó trên địa bàn.

Tuyên truyền vệ sinh cá nhân, môi trường cho học sinh.
Tuyên truyền vệ sinh cá nhân, môi trường cho học sinh.

Từ sự kết nối này, nhóm thiện nguyện Vietnam gotami do sư cô Quang Duyên làm trưởng đoàn đã tài trợ 7 giếng khoan (mỗi giếng trị giá 25 triệu đồng) cho các trường học tại 2 xã: Vàng Đán và Nà Bủng. Tổng số học sinh được thụ hưởng là hơn 3.000 em.

Tiếp nhận hỗ trợ, ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng Phòng GD&ĐT địa phương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, sẻ chia đối với học sinh vùng khó. Đồng thời nhấn mạnh, với số giếng được hỗ trợ cơ bản đã đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu nước sạch của các nhà trường, nhất là trường bán trú, số lượng học sinh ăn, ở, sinh hoạt tại chỗ đông. Đặc biệt phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

“Nguồn tài trợ này đã giúp địa phương giải quyết được một phần khó khăn trước mắt về nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường nâng cao chất lượng dạy học và chăm sóc học sinh. Hiện nay, nhu cầu nước sạch trường học tại địa phương còn rất lớn. Do vậy chúng tôi mong muốn nhận được thêm những tấm lòng chia sẻ, để giảm bớt số học sinh phải khó khăn về nước sạch…”, ông Chiến cho hay.

Làm sạch vệ sinh môi trường

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 28/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 917 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện ngành y tế chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, úp các dụng cụ chứa nước, hạn chế môi trường ẩm để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành…

Ngành Y tế cũng tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống các dịch bệnh dễ lây lan vào mùa mưa cho cán bộ, nhân viên y tế xã, y tế thôn bản. Vào mùa mưa bão, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn như thực hiện chế độ trực ban phòng chống lụt bão theo kế hoạch; chuẩn bị thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn và tổ chức tốt việc trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra.

Tăng cường vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Tăng cường vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Thời gian qua, người dân thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đã đồng loạt tổ chức ra quân làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp các nơi ao tù, nước đọng; dọn dẹp các vật dụng, chai lọ, phế liệu ứ đọng nước. Hướng dẫn cụ thể người dân về cách dự trữ lương thực, xử lý nước sạch, ăn chín uống sôi nhằm chủ động phòng chống bệnh trước, trong và sau mưa lũ.

Chị Cao Thị Luyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố An Du Nam 2, thị trấn Cửa Tùng nói: “Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi thường xuyên triển khai hướng dẫn cho chị em cách phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

Những ngày nắng ráo, chi hội phụ nữ kết hợp với đoàn viên thanh niên tổ chức vệ sinh các tuyến đường, thu gom ve chai, vừa đảm bảo sạch sẽ đường làng ngõ xóm, vừa gây quỹ hoạt động, phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn, vận động chị em thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu nướng, dùng nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… Đặc biệt, chúng tôi tuyên truyền người dân chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm, nước uống, thuốc… phòng khi thiên tai kéo dài, giao thông bị chia cắt”.

Còn ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, để chủ động ứng phó, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm thường thấy trong mùa mưa lũ, huyện đã chỉ đạo trung tâm y tế chuẩn bị đầy đủ hóa chất xử lý môi trường, đảm bảo khi mưa lũ xảy ra thì nước rút đến đâu vệ sinh đến đó. Đồng thời hướng dẫn người dân biết các biện pháp xử lý nguồn nước, đảm bảo nước sạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo ngành y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men, vật tư thiết yếu để khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời cho người dân trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ